Ảnh hưởng đợt mưa bão vừa qua, nhiều diện tích lúa Hè Thu muộn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long ngã rạp ngoài đồng khi đã cận kề ngày thu hoạch. Người dân chỉ còn biết tắc lưỡi, xót xa nhìn lúa "nằm đồng".
Lúa bị đổ ngã, thương lái chê đen, ướt. Người dân phải “gồng” sức phơi khô mong vớt vát được bao nhiêu hay bấy nhiêu. |
Ảnh hưởng đợt mưa bão vừa qua, nhiều diện tích lúa Hè Thu muộn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long ngã rạp ngoài đồng khi đã cận kề ngày thu hoạch. Người dân chỉ còn biết tắc lưỡi, xót xa nhìn lúa “nằm đồng”.
Trong đó, Mang Thít là địa phương có nhiều diện tích lúa đổ ngã nhất, chủ yếu tập trung tại các xã Nhơn Phú, Chánh Hội, Bình Phước,...
Giông bão… nông dân thất thu
Cách đây 1 tháng, bà con nông dân trên địa bàn huyện Mang Thít phấn khởi vì lúa trổ vàng đồng, chắc hạt báo hiệu cho một vụ mùa bội thu thì vào thời điểm hiện tại bà con nông dân lao đao vì nhiều diện tích lúa đã ngã rạp ngoài đồng chỉ sau vài trận mưa.
Ông Nguyễn Như Hải- Phó Chủ tịch UBND xã Chánh Hội- cho biết: “Là xã thuần nông, người dân chủ yếu sống nhờ làm ruộng nên khi mưa bão làm thiệt hại năng suất thì đời sống của bà con cũng lâm vào cảnh khó khăn.
Hiện trên toàn địa bàn xã có 287,9ha lúa bị đổ ngã thiệt hại năng suất từ 30- 70% và 9,3ha bị thiệt hại trên 70%”. Ngoài Chánh Hội, theo số liệu thống kê ban đầu, xã Nhơn Phú cũng có trên 150ha diện tích lúa bị đổ ngã, Tân Long cũng thiệt hại nặng nề với diện tích lúa đổ ngã khoảng 83ha...
“Cả mùa cực khổ lo đầu tư nào là phân, giống, thuốc, cày xới,…chỉ với hy vọng đến ngày thu hoạch sẽ được mùa bội thu để có lời chút đỉnh. Vậy mà vài trận mưa đã cuốn trôi hết, nông dân khổ càng thêm khổ”- chú Hai Giúp (ngụ xã Chánh Hội) buồn bã nói.
Ngày nào cũng ra thăm ruộng, chú Nguyễn Văn Nuôi (ấp Phú Quới, xã Nhơn Phú) nói: “Chỉ mong trời đừng mưa nữa, chứ thêm vài trận nữa chắc khóc luôn”. Đang phơi cả một sân lúa đã lên mộng hoàn toàn, chú Khâm (ấp Thân Bình, xã Tân Long) không giấu sự lo lắng: “Lúa vậy cho vịt, gà ăn chứ ai mua. 5 công lúa mà hết 4 công bị vậy rồi”.
“Khổ càng thêm khổ”
Nỗi lo chồng lên nỗi lo khi giá lúa hạ thấp, nhiều thương lái “bỏ kèo” vì bị “chê xấu, sợ gạo ẩm vàng, sợ gạo đục, gãy”.
Chú Nguyễn Văn Phụng (ấp Phú Quới, xã Nhơn Phú) cho biết: “Giá lúa trước khi mưa bão có lúc lên đến 102.000 đ/giạ còn bây giờ lúa ai đẹp còn được 98.000 đ/giạ, lúa xấu hơn giá 84.000 đ/giạ, còn tệ quá lái không mua luôn”.
Người lấm lem bùn đất, mồ hôi nhễ nhại, cô Bùi Kim Hồng (ấp Nhất A, xã Chánh Hội) cùng các thành viên trong gia đình đang hì hục chuyển số lúa vừa cắt ngoài đồng về nhà để phơi, cô bảo: “Lúa cắt xong thương lái chê đen, ướt nên không lấy lúa tươi, tụi tui phải đem về phơi khô coi bán được không”.
Lúa đổ ngã, giá thấp nay người dân phải “gồng” thêm tiền máy cắt tăng. Nếu như ngày thường mỗi công cắt có giá 220.000đ thì nay lên 260.000- 270.000đ. Đối với những diện tích lúa sập nặng phải cắt tay, tiền thuê máy tuốt và tiền nhân công lên đến gần 1 triệu đồng/công.
Ngặt nỗi, “giá cắt đắt đỏ mà tìm thuê người cắt chưa chắc đã có, vì lao động bây giờ đi làm ở khu công nghiệp hết rồi.”- ông Võ Thanh Tú- Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú- cho biết.
Trước tình cảnh, thời tiết mưa bão diễn biến thất thường như hiện nay, thiết nghĩ việc tuân thủ lịch thời vụ, gia cố đê bao, chọn các loại giống thích nghi tốt với điều kiện mưa bão là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng nên có sự vào cuộc kịp thời để hỗ trợ người dân trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Bài, ảnh: NHÓM PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin