Dự án đường cao tốc đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ đi qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư (PPP) có tổng mức đầu tư 6.671 tỷ đồng vừa được Ban quản lý dự án Thăng Long trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN) |
Dự án đường cao tốc đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ đi qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư (PPP) có tổng mức đầu tư 6.671 tỷ đồng vừa được Ban quản lý dự án Thăng Long trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Theo đó, dự án được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô nền đường rộng 17m, gồm 4 làn xe cao tốc (không bố trí làn dừng khẩn cấp). Giai đoạn tiếp theo đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100Km/giờ và đưa vào khai thác từ năm 2035.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 23,5km. Điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 80 hiện tại (khoảng Km0+250 trên Quốc lộ 80) thuộc địa phận xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long. Điểm cuối tại nút giao Chà Và (khoảng Km2062+700 trên Quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Thuận An, Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).
Tuyến đường cao tốc này nếu được Bộ Giao thông Vận tải thông qua sẽ dự kiến phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng Tám này. Dự kiến tổ chức lựa chọn nhà đầu tư từ quý 3/2017 đến quý 1/2018 và thời gian xây dựng là 36 tháng (khai thác vào đầu năm 2021).
Đề cập đến phương án tài chính của dự án, đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long cho rằng, thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án khoảng 24 năm 2 tháng và Nhà nước hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương thời gian 4 năm 11 tháng. Mức giá dịch vụ được tính 1.500 đồng/xe/Km.
Việc triển khai dự án theo hình thức PPP sử dụng vốn do nhà đầu tư huy động được Ban quản lý dự án Thăng Long đánh giá sẽ giảm một phần áp lực về vốn trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế như hiện nay thay vi đầu tư toàn bộ bằng nguồn ngân sách.
Theo kết quả dự báo, lưu lượng trên trục từ Mỹ Thuận-Cần Thơ sau năm 2020 đạt khoảng trên 40.000 lượt xe/ngày đêm. Quốc lộ 1 hiện tại đã được đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe ôtô, 2 làn hỗn hợp cho xe gắn máy và xe thô sơ. Như vậy, đến sau năm 2020 lưu lượng giao thông sẽ vượt quá khả năng thông hành của Quốc lộ 1.
Hơn nữa, đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long nhìn nhận việc mở rộng Quốc lộ 1 là không khả thi do quy hoạch tuyến đường này chỉ là 4 làn xe, dân cư bám sát dọc hai bên tuyến đồng thời cần có thêm tuyến độc lập để khai thác với tốc độ cao. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ là cần thiết.
“Việc đầu tư tuyển cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ góp phần giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách, giảm thời gian vận chuyển, thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Vĩnh Long),” đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long nhấn mạnh./.
Theo VIỆT HÙNG (VIETNAM+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin