Hiện nay, lũ đã sớm đổ về các tỉnh đầu nguồn và dự báo lũ năm nay lớn có thể bằng đỉnh lũ của năm 2011. Nếu như mọi năm thì câu chuyện lũ đổ về ĐBSCL sẽ không có chuyện gì đáng bàn, vì đó là chuyện giống như mặc định hàng năm.
Hiện nay, lũ đã sớm đổ về các tỉnh đầu nguồn và dự báo lũ năm nay lớn có thể bằng đỉnh lũ của năm 2011. Nếu như mọi năm thì câu chuyện lũ đổ về ĐBSCL sẽ không có chuyện gì đáng bàn, vì đó là chuyện giống như mặc định hàng năm.
Thế nhưng, khoảng 3 năm trở lại đây, lũ về ngày càng ít. Những đặc ân mà trước kia con nước lũ ban tặng cho người dân đồng bằng như nguồn lợi thủy sản, phù sa đã không còn, làm cho người dân cảm thấy hụt hẫng.
Đỉnh điểm của nó là trong năm 2016, có một chuyện chưa từng có trong tiền lệ từ trước đến nay ở khu vực ĐBSCL là không những lũ không về mà còn xuất hiện tình trạng hạn và xâm nhập mặn.
Ở cái miệt đồng bằng sông rạch chằng chịt, phần lớn người dân còn dùng xuồng ghe để đi lại, giao thương nhưng hạn đã làm xuất hiện những cánh đồng, những dòng sông trơ đáy khiến người dân phải điêu đứng.
Thêm vào đó, do không có lũ lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nước mặn đã xâm nhập sâu vào các tỉnh ở cuối nguồn. Nước tràn vào đồng lúa, bò lên cả mảnh vườn làm người dân chới với, không kịp trở tay, chính quyền thì lúng túng vì dự báo không chính xác. Hậu quả của nó để lại rất nặng nề mà đến nay chính quyền và người dân vẫn còn đang khắc phục.
Năm nay, lũ lại về và dự báo sẽ là một con lũ lớn. Khi nghe thông tin này, người dân trong vùng hy vọng sẽ có một mùa lũ đẹp để mưu sinh và có cơ hội để “sống chung với lũ”.
Nước lũ về nhiều, tuy gây ngập lụt nhưng lại có tác dụng rất lớn trong việc tháo chua, rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh, vệ sinh đồng ruộng; đặc biệt là bồi đắp phù sa. Kinh nghiệm cho biết, năm nào lũ cao, chắc chắn mùa vụ Đông Xuân của khu vực ĐBSCL sẽ trúng đậm.
Theo các nhà khoa học, lũ có về đồng bằng hay không do 2 nguyên nhân chính là các đập ở thượng nguồn và ảnh hưởng của lượng mưa trên sông
Chuyện các con đập chặn dòng chính sông Mekong được các chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng sẽ giảm đến 50% lượng phù sa và làm cắt đứt quá trình bồi tụ phù sa, gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển… vì ĐBSCL được hình thành do phù sa sông Mekong.
Đây là chuyện đáng lo, bởi vì đã và đang có hàng chục đập thủy điện chặn dòng chính sông
Trước những dự báo trên, đã đến lúc các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương cần đổi mới tư duy làm kinh tế cho khu vực này, quy hoạch chọn lựa hướng sản xuất thích ứng, phù hợp.
Ngoài ra, cần có một tư duy khác trong việc phát triển và khai thác ĐBSCL, theo đó điều ưu tiên nhất là những kịch bản để ứng phó dù có lũ hay không có lũ, dù có hạn hay xâm nhập mặn để 20 triệu người dân trong khu vực ĐBSCL- vùng trọng điểm lúa của cả nước có thể yên tâm sinh sống và sản xuất.
THANH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin