Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 5 HĐND tỉnh khóa IX, đại biểu HĐND tỉnh chất vấn thời gian qua, việc quản lý nguồn tài nguyên cát trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện như thế nào?
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 5 HĐND tỉnh khóa IX, đại biểu HĐND tỉnh chất vấn thời gian qua, việc quản lý nguồn tài nguyên cát trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện như thế nào?
Gần đây, giá cát biến động tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xây dựng các công trình trong tỉnh, ngành tài nguyên- môi trường có giải pháp gì để việc khai thác cát đảm bảo được nhu cầu san lấp và bình ổn được giá cát?
Ông Roãn Ngọc Chiến- Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường. |
Trả lời vấn đề này, ông Roãn Ngọc Chiến- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường cho biết, thời gian qua công tác quản lý về khoáng sản cát sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long rất được quan tâm, cụ thể:
Về công tác quản lý nhà nước tài nguyên cát sông, việc cấp phép khai thác cát sông luôn đảm bảo tuân thủ theo quy định của luật.
Riêng tỉnh Vĩnh Long còn phải đảm bảo theo các quy định của UBND tỉnh (trong đó có Chỉ thị số 12 ngày 11/11/2013 và Chỉ thị số 10 ngày 13/6/2017).
Theo đó, tổ chức, cá nhân đề nghị khai thác cát phải được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương trên cơ sở đồng thuận của người dân và UBND cấp xã, huyện nơi dự kiến khai thác (là ưu tiên 1).
Khu vực khai thác không nằm trong vùng cấm hoạt động khoáng sản; không là điểm nóng về sạt lở; phải có đủ các điều kiện để xem xét cấp giấy phép như: phải tiến hành lập báo cáo thăm dò đánh giá trữ lượng; đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo phục hồi môi trường kèm theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh; phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với ngành nghề khai thác cát sông; có dự án, công trình san lấp... mới được xem xét cấp phép. Sản phẩm khai thác phải luôn ưu tiên phục vụ các công trình trên địa bàn tỉnh (Quyết định của UBND tỉnh).
Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình khai thác cát diễn biến rất phức tạp, trong đó có 2 vấn đề cử tri quan tâm, đó là giá cát xây dựng đã có biến động tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng các công trình.
Tại địa bàn Vĩnh Long, việc tăng giá cát có các nguyên nhân chủ yếu như sau: do nhu cầu sử dụng cát tăng bởi một số địa phương giáp ranh với tỉnh Vĩnh Long (Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp…) ngưng cấp phép mới, không gia hạn hoặc tạm dừng hoạt động đối với các mỏ đã cấp phép làm cho nguồn cung cấp cát trong khu vực mất cân đối, dẫn đến giá cát tăng cao tạo cơn sốt.
Bên cạnh đó, các mỏ cát khai thác phân bổ không đồng đều trên toàn tỉnh, cụ thể trong 4 tuyến sông (sông Hậu, sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Bang Tra) gần như thiếu hẳn tuyến Sông Hậu (Bình Minh- Tam Bình), do có một số mỏ cát được cấp phép nhưng không khai thác được do người dân phản đối gay gắt (địa bàn huyện Trà Ôn, TX Binh Minh);
địa bàn không có mỏ cát như Tam Bình, dẫn đến nguồn cung cát phân bố không đồng đều và khi cần cát, các địa phương phải vận chuyển cát từ nơi khác đến làm tăng giá do chi phí vận chuyển lớn.
Ngoài ra, lợi dụng thời điểm thị trường cát có những biến động về nguồn cung, các cơ sở trung gian thu mua tại mỏ chở đến công trình tự ý tăng giá cát rất cao (gấp 2- 5 lần). Đa số các nhà thầu xây dựng thường mua cát không rõ nguồn gốc, không hợp đồng cung cấp với các chủ mỏ cát (vì giá thường thấp).
Một trong những nguyên nhân khiến giá cát bán ra trên thị trường đẩy lên cao, là bị tác động chuẩn bị thực hiện Thông tư số 44 của Bộ Tài chính có hiệu lực ngày 1/7/2017. Theo đó khung giá tính thuế đối với cát san lấp từ 56.000- 80.000đ (hiện tại tỉnh quy định giá cát để tính thuế là 12.000đ).
Theo khung giá mới này, dự kiến thời gian tới, khi UBND tỉnh ban hành giá tính thuế đối với cát trên địa bàn tỉnh sẽ tác động mạnh mẽ đến giá cát thị trường và cảnh báo theo đó nguy cơ khai thác cát “trộm” có thể tăng mạnh.
Các doanh nghiệp đã cam kết việc khai thác cát sông ưu tiên phục vụ các công trình trên địa bàn tỉnh. |
Về nhu cầu cát của tỉnh, qua theo dõi các năm, bình quân tỉnh Vĩnh Long có nhu cầu cát để san lấp mặt bằng hàng năm khoảng 3- 3,5 triệu mét khối/năm. Về trữ lượng cát của tỉnh Vĩnh Long, theo kết quả thăm dò và kết quả kiểm kê trữ lượng của 25 mỏ cát trên địa bàn tỉnh, có tổng trữ lượng là 32 triệu mét khối.
Nhưng tỉnh chỉ cấp phép cho doanh nghiệp khai thác với tổng khối lượng cho 25 mỏ cát là: 3,6 triệu mét khối/năm (chiếm khoảng 10- 20% trữ lượng). Như vậy, đối với Vĩnh Long, việc cấp giấy phép khai thác với khối lượng nêu trên đảm bảo 100% nhu cầu cát san lấp sử dụng cho các công trình xây dựng.
Trước những thông tin về tình hình giá cát tăng cao và tình hình khai thác cát diễn biến phức tạp, tỉnh đã thực hiện ngay những biện pháp: mời toàn bộ các doanh nghiệp khai thác cát (chủ mỏ) đến để tuyên truyền và các doanh nghiệp đã cam kết không tăng giá bán, sẽ niêm yết giá bán cát tại phương tiện khai thác và ưu tiên khai thác phục vụ cho công trình trong tỉnh, nếu doanh nghiệp vi phạm, doanh nghiệp chấp nhận thu hồi giấy phép khai thác đã cấp.
Ngoài ra, để góp phần bình ổn giá cát, đảm bảo cung cấp đủ lượng cát san lấp cho các công trình, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh giám sát việc mua bán, lưu thông vận chuyển sử dụng cát, thường xuyên nắm thông tin về giá cả, nguồn cung, đặc biệt là việc niêm yết giá bán cát công khai, minh bạch, chống việc đầu cơ, tích trữ để tăng giá.
Đề nghị các ngành, địa phương thống kê đầy đủ và cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng cát của các công trình định kỳ 6 tháng/lần.
Phối hợp với sở, ngành kiểm tra các chủ đầu tư công trình về nguồn cát sử dụng và đề nghị mua cát tại mỏ, thực hiện tốt việc phân khúc thị trường.
Song song đó, các ngành sẽ phối hợp làm việc với các chủ mỏ về bình ổn giá bán, đồng thời cung cấp đầy đủ các thông tin về mỏ cát trên địa bàn tỉnh cho chủ đầu tư xây dựng công trình có nhu cầu sử dụng cát để mua cát trực tiếp phục vụ công trình, giảm chi phí trung gian. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khai thác cát sông.
Duy trì các chốt giám sát, tổ công tác liên ngành thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt đối với những đối tượng khai thác cát trái phép.
UBND tỉnh đã chỉ đạo nhiều biện pháp để quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát sông. Kết quả, từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Tài nguyên- Môi trường phối hợp với các ngành, UBND các xã, huyện tiến hành kiểm tra và giám sát 300 lượt tại các tuyến sông Tiền, sông cổ Chiên, sông Bang Tra (đặc biệt các khu vực giáp ranh với các tỉnh bạn như Tiền Giang, Bến Tre), phát hiện 27 trường hợp bơm hút cát vi phạm (chủ yếu các cá nhân vi phạm bơm hút cát trái phép vào ban đêm), đã ban hành quyết định xử phạt với tổng số tiền là 523 triệu đồng. |
THANH TÂM (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin