Khi xã hội càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của con người ngày một nâng cao thì xuất hiện ngày càng nhiều những đứa trẻ "mãi không lớn".
Khi xã hội càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của con người ngày một nâng cao thì xuất hiện ngày càng nhiều những đứa trẻ “mãi không lớn”.
“Mãi không lớn” ở đây không phải chỉ sự bất di bất dịch về hình thể và tâm sinh lý của những đứa trẻ, mà chỉ thái độ của nhiều phụ huynh đối với con mình- dù tuổi nào thì chúng cũng là trẻ con.
Những đứa trẻ “mãi không lớn” được gia đình bảo bọc và chăm lo từ A đến Z. Cô bạn thời đại học của tôi là một ví dụ điển hình.
Từ tỉnh lẻ lên thành phố học, trong khi bạn bè cùng sống tự lập ở ký túc xá, nhà trọ, tự đi học, tự nấu cơm,… thì cô bạn tôi được mẹ thuê nhà cho ở rồi mẹ phải bỏ việc lên để “cơm bưng nước rót” vì… lo lắng cho con.
Cũng chính từ sự yêu thương và ôm đồm lo hết mọi thứ của gia đình mà những đứa trẻ “mãi không lớn” không có nổi một ước mơ, lý tưởng cho cuộc đời mình.
Chúng không được đưa ra chính kiến, lớn lên với sự áp đặt của gia đình rằng phải học trường chuyên lớp chọn, rằng phải đỗ đại học trọng điểm, việc làm lương cao và thậm chí chồng/vợ trong tương lai “ba mẹ đặt đâu con ngồi đó”.
Luôn sống trong môi trường trải đầy hoa hồng, những đứa trẻ “mãi không lớn” sẽ có thói quen sống thụ động, ỷ lại, lười biếng và không phấn đấu, nỗ lực hết mình. Đến khi ra đời va chạm và gặp phải áp lực, những đứa trẻ này sẽ không đủ bản lĩnh để vượt qua.
Mỗi năm khi đến kỳ thi THPT quốc gia hay xét tuyển ĐH, dư luận lại xôn xao vì tình trạng các em bị trầm cảm hay quá tuyệt vọng dẫn đến tự tử cũng vì áp lực gia đình đặt lên đôi vai em quá lớn.
Phụ huynh nào chẳng thương con và kỳ vọng chúng hoàn hảo. Tuy nhiên, tình thương ấy nên thể hiện bằng việc hiểu con, hướng chúng đến những điều phù hợp và tôn trọng ý kiến của con.
Nếu chưa uống vài ngụm nước trong bể bơi thì bạn sẽ không biết bơi. Nếu không ngã một vài lần thì bạn sẽ không biết chạy xe đạp.
Con người chỉ có thể trưởng thành từ những trải nghiệm và thất bại của chính mình. Ba mẹ không thể nào song hành cùng con cả đời nên đã đến lúc “thả” chúng ra chứ không nên bao bọc như ấp trứng trong lồng công nghiệp.
PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin