Phát triển đô thị bền vững- nhìn từ quy hoạch

07:07, 19/07/2017

Trong bối cảnh phát triển vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu- nước biển dâng, các đô thị (ĐT) Vĩnh Long cần có bước chuẩn bị như thế nào để phát triển bền vững?

 

 

Định hướng quy hoạch xây dựng để phát triển đô thị bền vững trong tương lai.
Định hướng quy hoạch xây dựng để phát triển đô thị bền vững trong tương lai.

Trong bối cảnh phát triển vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu- nước biển dâng, các đô thị (ĐT) Vĩnh Long cần có bước chuẩn bị như thế nào để phát triển bền vững?

Báo Vĩnh Long xin giới thiệu ý kiến của Ths. Nguyễn Quốc Duy- Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long- dưới góc nhìn của một nhà quản lý, kiến trúc sư trong việc “định hướng quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Long, phát triển ĐT bền vững”.

Thời gian qua, các ĐT Vĩnh Long đã tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, cảnh quan môi trường được quan tâm. Các ĐT có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng ĐT đạt 100%.

Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu (1/2000) đối với các ĐT đạt 100%. Hiện trạng kết cấu hạ tầng ĐT đạt tiêu chuẩn theo cấp ĐT khoảng 60%. Bên cạnh, các công trình văn hóa, y tế, giáo dục… đã được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, các ĐT Vĩnh Long vẫn còn những hạn chế. Theo đó, tác động của quá trình ĐT hóa khiến kinh, mương bị thu hẹp, quá trình thấm nước giảm, dẫn đến ngập, úng trong mùa mưa, gia tăng dòng chảy. Bên cạnh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ.

Chưa kể những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu- nước biển dâng ảnh hưởng lớn đến điều kiện, môi trường sống của ĐT.

Đặc biệt, công tác dự báo và lập các đồ án quy hoạch mang tính định hướng, phát triển chưa mang tính khả thi cao; chưa nghiên cứu kỹ tác động, hậu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường cũng như đề xuất phương án định hướng phát triển bền vững.

Theo đó, mô hình phát triển bền vững cho các ĐT trong tỉnh là: gắn quy hoạch tỉnh vào phát triển không gian vùng ĐBSCL.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển ĐT, phân bố một hệ thống ĐT trung tâm nhiều cấp. Kết hợp giữa nâng cấp các ĐT hiện hữu và ĐT mới để tạo thế cân bằng phát triển giữa các vùng.

Chú trọng phát triển khu vực trọng điểm theo hướng ĐT hóa để các điểm ĐT thành trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ- tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, điều chỉnh phân bố lại dân cư.

Bên cạnh, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng phát huy thế mạnh của từng ĐT, xứng tầm khu vực theo hướng liên kết chùm ĐT…

Để ĐT phát triển bền vững, cần có những nhóm giải pháp quy hoạch phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, nhóm giải pháp quy hoạch phát triển bền vững về kinh tế: Rà soát quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết từ cách tiếp cận (ĐT xanh, sinh thái, kinh tế,…).

Cần nâng cao công tác quy hoạch để góp phần giảm thiểu tình trạng ngập, úng ở đô thị.Ảnh: TUYẾT HIỀN
Cần nâng cao công tác quy hoạch để góp phần giảm thiểu tình trạng ngập, úng ở đô thị.Ảnh: TUYẾT HIỀN

Quy hoạch và hình thành các khu sản xuất- dịch vụ, khu nhà ở, khu ĐT mới… các trục giao thông nhằm tạo động lực, thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển ĐT bền vững;

kết hợp chặt chẽ quá trình ĐT hóa và xây dựng nông thôn mới, tập trung nguồn lực thích đáng cho việc đầu tư nâng cấp phát triển các ĐT nhỏ, thị trấn giữ vai trò đầu tàu (trung tâm) tăng trưởng cấp huyện, xã hay một cụm xã.

Bên cạnh, nhóm giải pháp quy hoạch phát triển bền vững về xã hội: Quy hoạch xây dựng tạo hấp dẫn, phân bố hợp lý dân cư và lao động, thúc đẩy ĐT hóa đồng bộ, giảm thiểu chênh lệch giữa ĐT- nông thôn; tập trung đầu tư phát triển các khu- cụm công nghiệp sạch và tiểu thủ công nghiệp vùng trọng điểm nhằm tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế;

phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp ĐT và nông thôn, giải quyết tốt vấn đề tam nông “nông nghiệp, nông thôn và nông dân” như là 3 trụ cột ở khu vực nông thôn để phát triển bền vững.

ĐT hóa nông thôn, trên cơ sở duy trì mô hình nông thôn truyền thống, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, quản lý tốt môi trường sản xuất...

Trong khi đó, nhóm giải pháp quy hoạch phát triển bền vững về môi trường là: cần quy hoạch phân vùng chức năng hợp lý đảm bảo hiệu quả kinh tế- sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, làm việc…;

tập trung thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng, đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện môi trường, tạo thuận lợi thu hút đầu tư; đẩy mạnh bảo vệ môi trường ĐT, lồng ghép bảo vệ môi trường trong xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp ĐT, kinh tế trang trại...

 

Hiện Chính phủ giao Bộ Xây dựng rà soát, điều chỉnh đồ án Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt theo Quyết định số 1581/QĐ-TTg, ngày 9/10/2009 Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh chiến lược phát triển không gian vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu- nước biển dâng, phải điều chỉnh mô hình phát triển ĐT từ tập trung đa cực sang mô hình phân tán theo các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, gắn với quá trình công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp.

TUYẾT HIỀN (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh