Dân phản ánh: bụi như rắc tiêu chén cơm

05:07, 05/07/2017

Phát hiện một cơ sở kinh doanh dùng vải, nhựa (phế thải) làm chất đốt gây bụi và mùi hôi khó chịu, nhiều người dân ở ấp Tân Vinh (xã Tân Quới- Bình Tân) phát hoảng. Qua nhiều lần trực tiếp yêu cầu chủ cơ sở dừng nhưng không thành, người dân nơi đây đã cầu cứu khẩn cấp đến chính quyền địa phương và đường dây nóng Báo Vĩnh Long.

Phát hiện một cơ sở kinh doanh dùng vải, nhựa (phế thải) làm chất đốt gây bụi và mùi hôi khó chịu, nhiều người dân ở ấp Tân Vinh (xã Tân Quới- Bình Tân) phát hoảng. Qua nhiều lần trực tiếp yêu cầu chủ cơ sở dừng nhưng không thành, người dân nơi đây đã cầu cứu khẩn cấp đến chính quyền địa phương và đường dây nóng Báo Vĩnh Long.

Cơ sở sản xuất đã đốt chất thải từ vải, da gây ảnh hưởng môi trường.
Cơ sở sản xuất đã đốt chất thải từ vải, da gây ảnh hưởng môi trường.

Phát hoảng vì bụi và mùi khét

Qua đường dây nóng của Báo Vĩnh Long, nhiều bà con ở Tổ 7 (ấp Tân Vinh) yêu cầu được giúp đỡ.

Ông T.D.K. cho biết, cách đây một tháng, cả xóm xuất hiện bụi và mùi hôi. Mới đầu bà con xung quanh không biết từ đâu, nhưng khi tìm hiểu thì mới hoảng hồn khi phát hiện chủ cơ sở tại địa phương đã lấy đồ phế thải từ vải, da, nhựa để làm chất đốt.

Chỉ tay xuống sàn nhà, bà N.T.M. nói: “Bụi nó nằm lừ khứ ở dưới kìa”. Bà M. cho biết: “Mở hết cửa ra thì hực mùi hôi mà đóng kín bít thì không được”.

Vậy là nhiều người dân ở đây tránh bụi bằng cách đóng cửa hướng bụi bay vào và mở cửa kia để có không khí xung quanh. Vì vậy, “bụi bay tùm lum hết, đầy trên nền nhà, vật dụng gia đình, kể cả… phòng đóng kín”- bà M. bức xúc.

“Ở riết chịu hết nổi”, bà P.T.N. tỏ vẻ khó chịu rồi nói tiếp: “Ngày quét 4-5 lần mà cũng dơ. Nó giống như nhớt. Nhà tui tối ngày lau chùi hoài vẫn đen. Con cháu tui chơi trong nhà lát gạch vậy mà chân đóng đen thui. Riết rồi nó mang dép vô nhà luôn”.

Dẫn tôi đến gần cơ sở đang đốt lò, ông T.D.K. chỉ tay rồi nói: “Bữa nay đốt 2 lò thì còn đỡ, chứ bữa nào đốt 6 lò là hôi lắm. Còn khi nào đốt hết 9 lò thì khói đen kịn, mùi không chịu nổi, nhức đầu lắm! Có lúc hừng sáng nấu, có lúc trưa nấu, lúc chiều nấu”.

Rồi ông K. rầu rĩ: “Tui thấy cái này là chất độc đó. Bữa đốt nhiều, nhà tui dọn cơm ra để một chút là coi như rắc tiêu, đang ăn mà nó bay vào chén cơm thì bỏ, không dám ăn”.

Ông K. nhận định: “Tui thấy một cơ sở làm ăn phải bảo vệ môi trường cho bà con. Nhờ ở trên giải quyết cho người dân, trả lại không khí trong lành cho bà con ở đây.

Cái này mới hít có một tháng chắc cũng không sao, chỉ sợ dài lâu thì nguyên xóm này sẽ bị bệnh hết. Tội nghiệp nhất là những trẻ em nhỏ”.

Phát triển kinh tế phải đảm bảo vệ sinh môi trường

Những hạt bụi li ti trên nền nhà người dân.
Những hạt bụi li ti trên nền nhà người dân.

Theo lời người dân, từ khi phát hiện, bà con xung quanh đã đến phản ánh trực tiếp với chủ cơ sở nhiều lần. Chủ cơ sở nói khắc phục nhưng không thấy có tác dụng gì nên người dân đã tiếp tục cầu cứu chính quyền địa phương.

Chủ tịch UBND xã Tân Quới Trần Phú Hữu cho biết, ngay sau khi có đơn cầu cứu của bà con, chúng tôi đã nhanh chóng phối hợp với cán bộ Phòng Tài nguyên- Môi trường thành lập đoàn đến làm việc với người dân và chủ cơ sở.

Qua khảo sát ban đầu, đoàn ghi nhận có bụi và mùi hôi như người dân đã báo. Qua đó, đoàn đã mời ông Nguyễn Thành Văn (ấp Tân Vinh, Tân Quới) là chủ cơ sở sản xuất T.H.H. (chuyên sản xuất mặt hàng nước mắm, nước tương, tương, chao,…) lên làm việc.

Qua làm việc, ông Văn thừa nhận vừa qua có sử dụng vải, da làm chất đốt, ảnh hưởng đến môi trường. “Chủ cơ sở cho biết, gần đây có kinh doanh thêm sản phẩm là muối và đường phèn.

Qua nắm thông tin, chỗ doanh nghiệp báo là do khoảng 1 tháng trước đây, mưa nhiều nên các củi đốt lò bị ướt.

Do vậy, đã mua vải, da (phế thải) của các cơ sở sản xuất ở Sài Gòn rồi thuê một đơn vị vận chuyển. Rồi lấy chất thải này để làm mồi đốt cho dễ cháy củi”- ông Trần Phú Hữu cho biết vậy.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Quới, chủ cơ sở cũng cho biết sau khi người dân phản ánh thì cơ sở đã có khắc phục. Bằng cách đưa những vòi nước lên ống khói để phun sương, khói bụi rớt lại. Tuy nhiên, cách làm tạm thời này vẫn ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

“Do đó, đoàn đã yêu cầu chủ cơ sở tạm ngưng sử dụng chất đốt bằng vải, da và có hướng giải quyết để không ảnh hưởng môi trường trong quá trình sản xuất.

Đồng thời yêu cầu chủ cơ sở T.H.H. lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường đối với ngành hàng sản suất đường phèn và muối”- ông Nguyễn Trọng Ân- chuyên viên Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Bình Tân cho biết.

Vì sao việc đốt vải, da nguy hại mà chỉ tạm ngưng mà không dừng hẳn? Theo ông Nguyễn Trọng Ân, “đây là chất thải công nghiệp, nếu có đủ các điều kiện và công nghệ đốt không gây ô nhiễm môi trường thì được phép làm nhiên liệu”.

Địa phương luôn khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế ở địa phương nhưng phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

“Nếu doanh nghiệp vẫn còn để xảy ra khói, bụi và mùi hôi làm ảnh hưởng đến môi trường, đề nghị bà con báo đến UBND xã hoặc Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Bình Tân để có hướng giải quyết theo quy định của pháp luật”- thông báo của Chủ tịch UBND xã gửi đến hộ dân.

Tuy nhiên, sau ngày chủ cơ sở cam kết tạm ngưng, chúng tôi đến làm việc với người dân thì ghi nhận vẫn còn mùi hôi và xuất hiện những hạt tro bụi li ti bay khắp nơi, trên cả trang giấy ghi chép. Một số người dân ở đây nhận xét: “Thấy còn bụi và mùi hôi. Trước 10 phần, nay giảm được 3 phần chứ chưa hết hẳn”.

Chúng tôi sẽ theo dõi và thông tin tiếp theo về sự việc trên.

Bài, ảnh: THẾ QUÂN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh