Khai thác cát gây sạt lở là phải dừng ngay

07:07, 23/07/2017

"Nếu tỉnh cấp phép khai thác cát mà phát hiện gây sạt lở bờ sông, thì phải dừng ngay hoạt động khai thác"- ông Nguyễn Hoàng Học khẳng định như vậy. 

 

 

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên- Môi trường, việc quản lý, cấp phép khai thác cát sông đảm bảo theo quy định của luật.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên- Môi trường, việc quản lý, cấp phép khai thác cát sông đảm bảo theo quy định của luật.

Ông Nguyễn Hoàng Học- Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh- đã thông tin cho báo chí tại buổi họp báo quý II/2017 vào ngày 19/7/2017. 

Theo ông, hiện Vĩnh Long đang cấp phép khai thác khoảng 30% trữ lượng cát sông của tỉnh. Quan điểm của tỉnh là tiếp tục quản lý chặt chẽ khai thác cát, trong đó vấn đề môi trường, đời sống, tài sản của người dân phải được đặt lên trên hết. Nếu khai thác mà có hiện tượng sạt lở bờ sông thì phải dừng ngay.

Khai thác cát mỏ Mỹ Hòa- Phú Thành có gây sạt lở?

Trả lời một số cơ quan báo chí về việc người dân xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh) và xã Phú Thành (Trà Ôn) bức xúc do UBND tỉnh vẫn cấp phép cho Hợp tác xã (HTX) Tân Bình Minh khai thác cát ở mỏ Mỹ Hòa- Phú Thành, trong khi khu vực này đang sạt lở nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng cũng như tài sản của người dân; ông Trần Minh Khởi- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường cho biết, việc lấy ý kiến cộng đồng là đúng quy định về tham vấn cộng đồng trong việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM). 

Theo đó, qua họp tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án, UBND xã Mỹ Hòa và xã Phú Thành đã có công văn đồng ý nội dung ĐTM và đề nghị HTX Tân Bình Minh phải thực hiện khai thác đúng độ sâu, giờ khai thác; khai thác đảm bảo không gây ảnh hưởng nhân dân.

Sau khi được cấp phép, năm 2016, khoảng 30 hộ dân của 2 xã đã ngăn cản không cho HTX Tân Bình Minh khai thác cát vì lo sợ sạt lở đất và có đơn đề nghị rút giấy phép.

Qua nhiều đợt phối hợp kiểm tra, rà soát giữa Sở Tài nguyên- Môi trường cùng địa phương và các cuộc đối thoại với người dân, đến ngày 29/5/2017, UBND TX Bình Minh đã có Công văn 460 đề nghị HTX Tân Bình Minh tạm dừng khai thác cát trên sông tại mỏ Mỹ Hòa- Phú Thành.

Về thông tin khu vực này đang diễn ra sạt lở nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng, tài sản của người dân, ông Trần Minh Khởi cho biết Sở Tài nguyên- Môi trường với cơ quan chuyên môn kết hợp với 7 hộ dân khảo sát thực tế.

Năm 2017, theo Công văn 28 của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, thì khu vực được cấp phép khai thác mỏ cát Mỹ Hòa- Phú Thành không nằm trong danh sách 15 điểm có nguy cơ sạt lở.

Chính vì thế, theo ông Trần Minh Khởi, trình tự, thủ tục cấp phép khai thác là đúng quy định pháp luật. Qua khảo sát thực tế tại khu vực mỏ cát Mỹ Hòa- Phú Thành không có hiện tượng sạt lở bờ sông.

Từ khi HTX Tân Bình Minh được cấp phép khai thác (tháng 1/2016) cho đến nay không có hoạt động khai thác, do mỗi lần HTX đưa phương tiện khai thác thì các hộ dân ngăn cản. Hiện nay, HTX chấp hành ý kiến của cấp thẩm quyền đã tạm dừng khai thác tại địa điểm trên.

Nguồn cát sông ở ĐBSCL trước đây chủ yếu cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh.
Nguồn cát sông ở ĐBSCL trước đây chủ yếu cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh.

Ưu tiên đảm bảo môi trường, tài sản người dân

Nói về quan điểm của tỉnh Vĩnh Long trong việc quản lý, cấp phép khai thác cát sông, ông Nguyễn Hoàng Học cho rằng: Vĩnh Long sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ khai thác cát, trong đó vấn đề môi trường, đời sống, tài sản của người dân phải được đặt lên trên hết.

“Nếu tỉnh cấp phép khai thác cát mà phát hiện gây sạt lở bờ sông, thì phải dừng ngay hoạt động khai thác”- ông Nguyễn Hoàng Học khẳng định như vậy.

Cũng theo ông, Vĩnh Long cần khai thác cát sông để cung cấp cho các công trình xây dựng và việc khai thác cát phải ưu tiên cung cấp cho các công trình xây dựng, dân dụng của địa phương. Nếu quản lý tốt nguồn cát khai thác, Vĩnh Long có thể đáp ứng đủ nguồn cát cho các công trình xây dựng của địa phương.

Ông Nguyễn Hoàng Học cũng cho rằng, vì tài nguyên cát sông không phải vô tận, nên Vĩnh Long không đặt vấn đề khai thác cát lên trên hết. Hiện tỉnh cấp phép khai thác cát sông chỉ khoảng 30% trữ lượng được đánh giá, khảo sát.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 5 HĐND tỉnh khóa IX, ông Roãn Ngọc Chiến- Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường đã cho rằng, công tác quản lý nhà nước tài nguyên cát sông, việc cấp phép khai thác cát sông đảm bảo theo quy định của luật. Nhu cầu cát bình quân của tỉnh để san lấp mặt bằng hàng năm khoảng 3- 3,5 triệu m3/năm, trong tổng trữ lượng 32 triệu m3. Nhưng tỉnh chỉ cấp phép khai thác cho 25 mỏ cát với khối lượng 3,6 triệu m3/năm và cơ bản đáp ứng được nhu cầu của địa phương.


 

Bờ sông không bị sạt lở do khai thác cát

 

Cũng theo Sở Tài nguyên- Môi trường Vĩnh Long, ngày 15/6/2017, sở đã tổ chức đoàn công tác đi khảo sát 4 ngày trên 4 tuyến sông (có các điểm mỏ gồm: sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hậu và sông Pang Tra) trên toàn tỉnh, cùng chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Thiết bị công nghiệp (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) và một số đơn vị chức năng, địa phương… để đánh giá tình hình sạt lở tại các khu vực có mỏ cát.

 

Đánh giá của Sở Tài nguyên- Môi trường cho thấy, đối với 28 mỏ cát được cấp phép, trong đó có mỏ Mỹ Hòa- Phú Thành, bờ không bị sạt lở do khai thác cát và các cọc giám sát đường bờ của các khu vực mỏ khai thác chưa có hiện tượng ngã, đổ. 

Bài, ảnh: LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh