Tháng 7 về thăm Bình Tân, càng thấm thía hơn ý nghĩa lịch sử của vùng đất anh hùng, với những nhân chứng, những câu chuyện của một thời đấu tranh vô cùng ác liệt. Cũng trên mảnh đất này, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt đã được thành lập. Đây là lực lượng vũ trang tuyên truyền của Đảng, tiền thân của Tiểu đoàn 857 ngày nay.
Tháng 7 về thăm Bình Tân, càng thấm thía hơn ý nghĩa lịch sử của vùng đất anh hùng, với những nhân chứng, những câu chuyện của một thời đấu tranh vô cùng ác liệt. Cũng trên mảnh đất này, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt đã được thành lập. Đây là lực lượng vũ trang tuyên truyền của Đảng, tiền thân của Tiểu đoàn 857 ngày nay.
Chuyện bên dòng kinh Mười Thới
Kinh Mười Thới ngày nay là con đường lưu thông đường thủy khá nhộn nhịp, xuồng ghe lớn nhỏ qua lại nối liền từ huyện Bình Tân vào đến ngã năm Đồng Tháp.
Chú Tư Cóc- chiến sĩ Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt năm xưa. |
Ngày xưa chỉ là con kinh nhỏ, do Tây đào, bắt đầu từ cầu Chú Bèn (xã Thành Lợi) đi qua các xã: Thành Đông, Thành Trung, Tân Thành tiếp nối vào địa phận tỉnh Đồng Tháp.
Đây cũng là vùng căn cứ cách mạng nên diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, bom đạn địch cày xới và những trận càn lớn nhỏ trải qua suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và rồi chống Mỹ.
Dọc theo con kinh vào ấp Tân Lập (xã Tân Thành), chúng tôi về thăm nhà chú Tư Cóc (Lê Hoàng Minh)- người chiến sĩ của Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt năm xưa, người chứng kiến phút giây lịch sử thành lập tiểu đoàn mà ban đầu chỉ được mang tên gọi “ẩn danh” là Liên minh giáo phái chống Mỹ- Diệm.
Căn nhà ngó mặt ra dòng kinh Mười Thới, cũng chính là căn chòi ngày xưa chú Tư Cóc bám trụ đã trải qua 9 lần bị giặc đốt trụi. 84 tuổi, chú Tư vẫn còn rất khỏe, hàng ngày vẫn lội bộ ra nhà thuốc Nam của xã.
Khi mà giờ đây tất cả bạn bè, đồng đội cùng trang lứa ngày xưa lớp hy sinh, lớp thì “về với đất” vì tuổi tác thì công việc xã hội gắn bó với chú bao năm nay này cũng là niềm vui lớn.
Chú Tư chỉ tay lên bàn thờ có tấm bằng liệt sĩ Lê Hoàng Cảnh- người anh Hai trong gia đình- đã hy sinh vào ngày 11/12/1950 để nhắc lại cái mốc mình bắt đầu tham gia cách mạng.
Ban đầu, chú được các cô chỉ bảo cho làm giao liên, mấy năm sau trực tiếp tham gia lực lượng Liên minh giáo phái chống Mỹ- Diệm và sau này được đổi tên thành Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt.
Chú cứ luôn miệng câu nói: “Thời đó khổ lắm mấy cháu ơi, nhưng vui lắm mấy cháu ơi”, đó là cái thời mà “mới thấy đó rồi chết đó, nhưng sau mỗi trận đánh, buông ra là vui lắm”, cả vùng này còn hoang sơ rừng rậm, mà tôm cá thì nhiều vô kể, chất chà quây lưới là cá lóc bông nó nhảy như vãi trấu, một buổi đi bắt rắn cả mấy bao hổng sức mà ăn...
Nhưng muỗi mòng, đĩa vắt thì cũng khỏi nói luôn. Câu chuyện mà mấy chục anh em xúm xít ăn bên nồi cơm to đùng, cho đến khi gần tới đáy thì thấy lộ ra con đĩa “bự chảng” bằng ngón tay cái, đồng chí Sáu Ức biết rồi cũng giả bộ quay qua hỏi: “Con gì vậy Tư Cóc?”, rồi chú cũng giả đò cho qua chuyện: “Chắc con lươn quá anh Sáu ơi”.
Vậy nhưng rồi cũng tiếp tục ăn, còn nạo lớp cơm cháy dưới đáy nồi gói lại để dành... “Thiệt tình khổ lắm mà vui lắm mấy cháu ơi!”- chú Tư Cóc lại nhắc và cười sảng khoái.
Nhưng nhớ nhất vẫn là từng trận đánh, từng kỷ niệm và tên tuổi từng đồng đội: Ba Mật, Sáu Da Lu, Minh Họt, Thành “móm”, Sáu Cóc... cả những anh em được tăng cường từ Tam Bình lên.
Chú Tư còn nhớ như in, ngay thời điểm khó khăn về lực lượng lại được tiếp đón 16 chiến sĩ từ Tam Bình qua, đồng chí Sáu Ức nói như reo: “Mình có thêm quân tiếp viện rồi Tư Cóc ơi”.
Trải qua bao nhiêu trận đánh làm sao nhớ hết, chỉ biết trong người trúng đạn, ghim miểng thẹo vít đầy mình, chú Tư nói: “May mà sống được cho đến ngày đất nước thống nhất, rồi còn mạnh khỏe đến tuổi này để thấy quê hương đổi thay không thể tưởng tượng được, hạnh phúc vô cùng”.
Còn quá nhiều câu chuyện của một thời chiến đấu, chú Tư hẹn lâu lâu ghé xuống chơi, nhớ tới đâu kể tới đó.
Trước khi ra về, chú Tư Cóc có nhắc đến tên Tư Đê cũng là chiến sĩ du kích kỳ cựu của xứ này. Chúng tôi lại tiếp tục tìm đến ấp Tân Yên (xã Tân Thành) ghé thăm chú Tư Đê (Nguyễn Văn Tư), người lính du kích có số phận cũng khá lạ kỳ trải qua nhiều biến cố không ngờ.
“Cưới vợ xong... là đi”
Anh Nguyễn Văn Phát (phải)- cán bộ phụ trách lao động- thương binh và xã hội xã Tân Thành- đến thăm nhà chú Tư Đê. |
Trẻ hơn chú Tứ Cóc, nhưng chú Tư Đê cũng sắp bước sang hàng 80 rồi. Khi nghe nhắc chuyện xưa, ban đầu chú chỉ “ậm ừ”, còn thím Tư Đê- người gắn bó, chịu đựng “sơn trường” với người chồng du kích của mình- thì vui vẻ, xởi lởi nhớ vanh vách về một thời kháng chiến.
Thím Tư Đê còn nói đùa: “Ổng mà vô 1 xị mới nhớ rành mạch chuyện hồi đó”. Mà chuyện gia đình chú Tư Đê đúng là mang đậm dấu ấn của sự chia ly trắc trở vì chiến tranh, khi mà người con đầu và người con thứ hai cách nhau gần 9 tuổi, đó chính là khoảng thời gian mà thím Tư một thân một mình nuôi con giữa đạn bom ì đùng như cơm bữa.
Ngồi bên cạnh dỗ đứa cháu nội ngủ, thím Tư Đê góp chuyện: “Ta nói, ông Tư Đê gan lì lắm. Nhiều khi bên giặc nó kéo vô rần rần tới mé sông bên kia, ở đây ổng còn lấp ló quan sát chớ chưa chịu kiếm đường rút. Vậy nên mấy lần tưởng tiêu rồi chớ”.
Cái lần bị bắt cũng do “gan lì” trốn trong cây rơm sát bên chân tụi nó, xui rủi sao có thằng leo lên cây nhìn xuống thấy Tư Đê trốn trong đó nên mới bị bắt.
Chúng trói thúc ké ra sau lưng, một thằng lên đạn đòi bắn bỏ tại chỗ, thằng kia lại can chờ điện thoại cho thằng Tổng đồn Vằn- một tên ác ôn khét tiếng trong vùng. Thời may, thằng Tổng đồn Vằn biểu khoan đợi nó ngồi tắc ráng vô coi sao.
Chú Tư Đê tiếp lời: “Trận đó nó giải về đồn nhốt một đêm. Khai thác không được, nó đưa luôn xuống huyện, bị đánh nhừ tử, đối đế khai bậy bạ mấy anh em đã hy sinh.
Sau đó, chúng đưa ra nhà tù Phú Quốc hơn 5 năm trời. Cho đến đợt trao trả tù binh năm 1973, tui được đón về an dưỡng 1 năm ở tỉnh Thanh Hóa”.
Cuộc đời của một chiến sĩ du kích ở tận miền Tây, không ngờ có ngày được ra Bắc giữa lúc chiến tranh cả nước đang vô cùng ác liệt thì mình được nuôi nấng, chăm sóc vô cùng đặc biệt “thiệt bụng nó cũng rất khó chịu”.
Nhưng rồi như duyên may mắn, Tư Đê được trở về Nam theo đường Trường Sơn vào nhập quân tại vùng Đồng Xoài ở cửa ngõ Sài Gòn. Nhờ đó mới được chứng kiến giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn, mừng đất nước hoàn toàn thống nhất.
Sau giải phóng trở về quê nhà, năm sau thì đứa con thứ hai ra đời cách đứa con đầu gần 9 năm, rồi tiếp tục... thêm 6 đứa nữa. Hạnh phúc đề huề lui về làm ruộng cho tới ngày nay.
Về thăm huyện Bình Tân anh hùng trong những ngày này, may mắn hội ngộ 2 con người đặc biệt tại chính nơi khai sinh ra Tiểu đoàn 857 anh hùng, thêm nhắc nhớ rằng mảnh đất này còn biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu chiến công chưa kể hết.
Đó cũng là niềm tin, là lý do để chúng tôi chân thành hẹn với gia đình sẽ quay lại đây trong vài ngày tới, thong thả hơn, có thời gian hơn để thấm sâu hơn tình đất thiêng liêng đã một thời chở che bộ đội mình đánh giặc.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin