Bão số 2 giật cấp 9, cấp 10 hướng thẳng Vịnh Bắc Bộ

06:07, 15/07/2017

Chiều nay (15/7), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 2 trong năm 2017 và có tên quốc tế là Talas.

 

Chiều nay (15/7), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 2 trong năm 2017 và có tên quốc tế là Talas.

Vị trí và đường đi của bão số 2 chiều 15/7
Vị trí và đường đi của bão số 2 chiều 15/7

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 15/7, vị trí tâm bão nằm ngay trên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.

Với tốc độ di chuyển 15km/h theo hướng Tây Bắc, đến 13 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Nam Định - Nghệ An khoảng 320 km về phía Đông Đông Nam. Cường độ gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Theo dự báo, vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió xoáy mạnh từ cấp 6 trở lên, biển động) là ở vĩ tuyến 15,5 đến 20,00N; phía Tây kinh tuyến 113,00E.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 01 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão nằm ngay trên bờ biển các tỉnh Nam Định-Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa-Hà Tĩnh và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, từ sáng mai (16/7) ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 3-4m; Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Do ảnh hưởng của bão, từ chiều và đêm ngày 16/7 đến ngày 18/7 ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm. Riêng Thanh Hoá, Nghệ An và một số tỉnh miền núi Bắc Bộ có thể lên đến 400 mm. Vì vậy các tỉnh đồng bằng cần đề phòng ngập úng diện rộng; vùng núi đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2.

Trong đêm nay và ngày mai, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động.

Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. 

Tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông diễn ra sáng nay 15/7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cảnh báo đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà.

Thống kê từ các tỉnh ven biển và Bộ đội Biên phòng, đến sáng nay 15/7, vùng ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới đang có nhiều tàu, thuyền hoạt động. Cụ thể khu vực từ 15 - 20 vĩ độ bắc, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa có 16.842 tàu, thuyền hoạt động với trên 73.000 lao động. Cho đến sáng nay, Bộ đội Biên phòng tuyến biển đã thông báo cho trên 28.000 phương tiện đang hoạt động xa bờ và gần bờ, thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, để chủ động phòng tránh, tránh xa vùng biển nguy hiểm.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng đã có công điện gửi các tỉnh từ Ninh Bình đến Khánh Hoà theo dõi chặt diễn biến của áp thấp nhiệt đới; đồng thời tổ chức kiểm đếm, giữ thông tin thường xuyên và hướng dẫn chủ các tàu thuyền tránh vùng nguy hiểm.

Các tỉnh vùng núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng chủ động biện pháp ứng phó với lũ quét, sạt lở đất và phương án đảm bảo an toàn hạ du trong trường hợp hồ xả lũ.

Theo cơ quan khí tượng, mùa mưa bão năm 2017 có khoảng 13-15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, nhiều hơn so với trung bình các năm trước (12 cơn). Trong đó 3-4 cơn đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, tập trung ở Trung Bộ.

Theo Duy Uyên (Công lý)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh