Chưa có tổ chức nào thu gom, xử lý triệt để nên nhiều loại chất thải nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người vẫn nghiễm nhiên xuất hiện dưới sông, thùng rác hay ven đường...
Chưa có tổ chức nào thu gom, xử lý triệt để nên nhiều loại chất thải nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người vẫn nghiễm nhiên xuất hiện dưới sông, thùng rác hay ven đường...
Ý thức bảo vệ môi trường còn kém
Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình trạng vi phạm về môi trường vẫn còn, nhất là trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… Bên cạnh đó, các hộ dân sống ven sông rạch, khu vực nhà sàn trên sông do có thói quen thải rác, nước thải xuống sông, rạch làm nguồn nước mặt bị ô nhiễm.
Nước thải từ chợ, khu thương mại, dịch vụ, khách sạn phần lớn đều thải ra sông, rạch khi chưa được xử lý. Chất thải rắn ở nhiều khu dân cư (chủ yếu ở các hẻm nhỏ, nơi không có xe thu gom rác đi qua) đổ trực tiếp xuống sông, rạch gây ô nhiễm nguồn nước.
Nhiều loại rác thải nguy hại được bán như phế liệu hoặc bỏ ven đường. |
Trong đó, nhiều chất thải nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như bóng đèn huỳnh quang, bình ắc quy... vẫn được nhiều người quăng xuống sông, ra đường, vào thùng rác.
Theo ghi nhận, tình trạng người dân vứt rác bừa bãi ra lòng lề đường và mương rãnh vẫn còn phổ biến gây ô nhiễm nguồn nước.
Chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt nếu không được thu gom, vận chuyển, xử lý đúng thì không chỉ ảnh hưởng mỹ quan đô thị mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Một trong những dạng chất thải nguy hại xem là ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường là các chất hữu cơ bền.
Những hợp chất này tồn tại lâu trong môi trường, là tác nhân gây ra hàng loạt các bệnh nguy hiểm đối với con người, phổ biến nhất là ung thư.
Đặc biệt, các chất hữu cơ trên được tận dụng nhiều trong đời sống hàng ngày của con người ở các dạng dầu thải trong các thiết bị điện trong gia đình, các thiết bị ngành điện như tụ điện, đèn huỳnh quang, dầu chịu nhiệt, dầu chế biến, chất làm mát trong truyền nhiệt...
Ông Trần Minh Phong- chuyên viên phụ trách môi trường thuộc Phòng Tài nguyên- Môi trường TP Vĩnh Long cho hay:
Công tác giáo dục tuyên truyền chưa sâu rộng, nên ý thức bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Người dân vẫn còn thói quen vứt rác bừa bãi trên đường phố, sông rạch, nơi công cộng. Bên cạnh đó, phân loại rác tại nguồn chưa thực hiện được.
Rác thải đô thị thu gom được còn lẫn rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng nên công tác xử lý rác gặp khó khăn. Hiện tỉnh chưa có bãi chôn lấp rác công nghiệp cũng như chất thải nguy hại.
Hiện chất thải nguy hại trong y tế xử lý được khoảng 95%, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thu gom và xử lý rác công nghiệp phát sinh từ hoạt động của cơ sở mình, còn lại các loại chất thải khác tại hộ gia đình đều thải xuống sông hay bỏ vào thùng rác.
Trong khi đó, nhiều người dân bày tỏ, không có nơi thu gom, vận chuyển, xử lý- nên dù biết là chất thải nguy hại cũng không biết để đâu, xử lý như thế nào.
Chú Nguyễn Thanh Long (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: Thỉnh thoảng bóng đèn hư phải bỏ nhưng tôi không biết để đâu, dù biết chất huỳnh quang trong bóng đèn có chứa photpho, rất độc hại cho sức khỏe nhưng cũng chỉ biết bỏ vào bọc kín lại rồi... để vào thùng rác”.
Cần có biện pháp xử lý lâu dài
Bóng đèn chứa chất huỳnh quang, nhưng vẫn bị quăng vào thùng rác. |
Không có biện pháp xử lý lâu dài nên hiện chất thải nguy hại đang được chôn lấp, quăng bừa bãi tại nhiều nơi. Việc phân loại chất thải tại nguồn chưa được thực hiện nghiêm ngặt, trong khi đó một số doanh nghiệp lại muốn né tránh hợp đồng xử lý chất thải.
Một số nơi trộn lẫn các loại chất thải nguy hại và không nguy hại để giảm thiểu chi phí xử lý rác thải, làm cho một khối lượng lớn chất thải nguy hại vẫn được chôn lấp hoặc xử lý chung với chất thải đô thị, gây ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Minh Phong cho hay: Việc quản lý lượng chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố còn là một vấn đề khó.
Trong khi chất thải ngày càng gia tăng, thì việc phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại tại nguồn chưa có chế tài áp dụng và không đồng bộ cho các công đoạn thu gom, xử lý.
Thêm vào đó, kinh phí chi cho xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại tốn kém, công nghệ xử lý còn thiếu, lạc hậu là nguyên nhân khiến chất thải không được xử lý triệt để.
Để xử lý hiệu quả chất thải công nghiệp nguy hại rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cơ quan chức năng, cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường, không để tình trạng chất thải nguy hại trôi nổi ô nhiễm môi trường.
“Về lâu dài cần thiết phải xây dựng lò đốt chất thải nguy hại, quản lý chặt từ chủ nguồn thải đến người thu gom, vận chuyển, xử lý..., nếu chỉ dựa vào Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long thu gom thì rất khó”- ông Trần Minh Phong nói.
Trong năm 2016, Thanh tra Sở Tài nguyên- Môi trường đã tổ chức kiểm tra định kỳ việc vận hành hệ thống xử lý nước thải và khí thải, việc thu gom, quản lý, xử lý chất thải nguy hại của các chủ nguồn thải... Kết quả, có 28 tổ chức thực hiện chưa đúng hồ sơ môi trường đã được phê duyệt. Cấp huyện và Ban quản lý Các khu công nghiệp tổ chức kiểm tra 412 cơ sở, qua đó có 29 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với trên 247 triệu đồng, chủ yếu vi phạm về xử lý nước thải vượt quy chuẩn cho phép (Mang Thít), hoạt động mà không có hồ sơ môi trường, không thực hiện việc giám sát môi trường (Vũng Liêm).. |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin