Để tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này, Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn nhanh ông Lê Thế Vinh- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Long.
Việc bổ sung hình ảnh chủ sim đang được rất nhiều chủ thuê bao quan tâm. Bởi, theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24/4/2017, ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao cần phải bổ sung ảnh chụp chân dung chính chủ, áp dụng cho các thuê bao đăng ký mới từ ngày 24/4/2017 về sau. Với các thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017, nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới.
Để tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này, Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn nhanh ông Lê Thế Vinh- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Long.
* PV: Thưa ông, việc phải bổ sung ảnh chân dung khi đăng ký thuê bao nhằm mục đích gì?
- Ông Lê Thế Vinh: Theo thông tin từ ngành thông tin và truyền thông, những năm qua, tuy đã có một số luật, nghị định, thông tư về quản lý thuê bao trả trước, nhưng tình trạng sim thuê bao kích hoạt sẵn, thông tin thuê bao không đúng, sim rác vẫn phổ biến.
Mỗi ngày, lượng tin nhắn rác (xuất phát từ các sim rác) được phát tán khá nhiều. Các tin nhắn rác, nặc danh, lừa đảo này gây rối an ninh trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cũng như an ninh thông tin, quốc phòng...
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý thuê bao di động nhằm khắc phục các kẽ hở pháp lý, tăng tính hiệu quả và khả thi trong công tác quản lý thông tin thuê bao.
* PV: Toàn tỉnh có bao nhiêu thuê bao đang sử dụng cần bổ sung ảnh chân dung, thưa ông?
- Ông Lê Thế Vinh: Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Long có 903.000 thuê bao di động (trả trước và trả sau). Như vậy các doanh nghiệp viễn thông sẽ liên hệ với toàn bộ chủ nhân thuê bao để thực hiện việc chụp ảnh chân dung.
* PV: Việc bổ sung ảnh sẽ được thực hiện khi nào và chủ thuê bao cần chuẩn bị gì, thưa ông?
- Ông Lê Thế Vinh: Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông lập kế hoạch và triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP đến ngày 30/6/2017 và báo cáo kết quả triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP về Sở Thông tin và Tuyền thông trước ngày 31/7/2017.
Theo quy định khoản 1 Điều 4 của Nghị định quy định điều khoản chuyển tiếp quy định, trong 3 tháng đầu, các doanh nghiệp di động phải rà soát, thông báo, thanh lý hợp đồng với đại lý phân phối SIM; ký hợp đồng với điểm ủy quyền.
Do đó, các chủ thuê bao sẽ đến các điểm ủy quyền của doanh nghiệp để làm thủ tục, khi đi cần mang theo giấy CMND, không phải tốn chi phí khi làm thủ tục.
* PV: Được biết, việc sử dụng CMND để đăng ký như trước thì đã có sẵn hình ảnh, có thông tin rõ ràng. Theo ông, tại sao chủ thuê bao cần phải bổ sung hình ảnh?
- Ông Lê Thế Vinh: Theo báo cáo của Cục Viễn thông, thống kê của Bộ Công an, giữa năm 2016 có hơn 75% thông tin bị sai, có nghĩa là có hơn 80 triệu thông tin thuê bao sai.
Hơn nữa, việc các cá nhân làm điểm đăng ký thuê bao khi sai phạm thì doanh nghiệp và cá nhân thường đổ lỗi cho nhau, gây nên khó khăn cho nhà quản lý. Thêm vào đó, mức xử phạt cho hành vi này còn quá nhẹ, tối đa chỉ có 70 triệu đồng đối với 500 thuê bao thông tin sai trở lên.
Trên cơ sở đó, tháng 8/2016, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Nghị định 49/2017/NĐ-CP, đồng thời qui định pháp lý ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, các điểm đăng ký thuê bao và cá nhân sử dụng thuê bao.
- PV: Thưa ông, doanh nghiệp thu thập thông tin, hình ảnh cá nhân nếu bị rò rỉ thì doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?
- Ông Lê Thế Vinh: Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực 1/7/2016. Luật này quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng;
mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Theo quy định của luật đưa ra là không ai được thu thập, tiết lộ thông tin cá nhân nếu không được chủ thể đó đồng ý.
Luật cũng quy định cá nhân có quyền khởi kiện các hành vi này. Để hạn chế thông tin người dân bị rò rỉ, rao bán trên mạng như hiện nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ điều tra và xử lý nghiêm hành vi ăn cắp, mua bán thông tin cá nhân. Bởi đó là hành vi trục lợi, kinh doanh trái phép.
* PV: Vấn đề cuối cùng xin được trao đổi cùng ông là đối với những cá nhân sử dụng thuê bao di động có hoàn cảnh đặc biệt (gặp khó khăn trong việc đi lại) thì nhà mạng có hỗ trợ gì không?
- Ông Lê Thế Vinh: Nếu trường hợp những cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt thì doanh nghiệp sẽ cử người đến nhà để làm thủ tục khi có yêu cầu.
* Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!
|
Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, số lượng sim trả trước đối với mỗi tổ chức, cá nhân được sử dụng sẽ không bị hạn chế như trước đây (3 thuê bao/cá nhân); khách hàng đăng ký thuê bao sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng số thuê bao đã được cấp, cũng như khi chuyển nhượng thuê bao.
Các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, kể cả các đại lý được ủy quyền; đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin thuê bao.
Doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng để chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu thuê bao, trước khi phải chịu phạt tiền nếu bị phát hiện thông tin thuê bao sai lệch… |
TẤN ANH (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin