Nên quy định về xã hội hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý

Cập nhật, 16:34, Thứ Năm, 01/06/2017 (GMT+7)

Ngày 1/6/2017, Quốc hội chia tổ thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định về xã hội hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý tại Điều 5 dự thảo luật.

Theo một số đại biểu, nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng, đặc biệt là người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa.

Do đó, nên mở rộng chủ thể tham gia, đa dạng hóa các hình thức trợ giúp pháp lý để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, nhất là khuyến khích các tổ chức luật sư tham gia tự nguyện hỗ trợ pháp lý cho người dân.

Để thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào trợ giúp pháp lý, đại biểu đề nghị cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ, vì nếu không có chính sách hỗ trợ thì việc xã hội hóa khó triển khai trên thực tế.

Một vấn đề đại biểu quan tâm là quy định về hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý (Điều 31) quá rườm rà, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Đại biểu đề nghị, việc tư vấn pháp luật đối với những vụ việc đơn giản chỉ cần người cần tư vấn cung cấp được một số thông tin chứng minh thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý, thông tin về vụ việc cần tư vấn là đủ và có thể giải quyết tại chỗ không cần phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, người yếu thế trong xã hội được tiếp cận với pháp luật được thụ hưởng quyền lợi chính đáng của họ.  

TÂM- THI