Tại buổi khảo sát, giám sát của tổ đại biểu HĐND TX Bình Minh về việc thu phí qua phà, qua đò đối với các bến phà, bến đò trên địa bàn thị xã, đã cho thấy: việc niêm yết giá, thu phí hành khách, thực hiện miễn giảm cho các đối tượng và các quy định đối với các bến ngang sông có cự ly dưới 1.000m đều được triển khai thực hiện tốt và chấp hành đảm bảo theo quy định.
Tại buổi khảo sát, giám sát của tổ đại biểu HĐND TX Bình Minh về việc thu phí qua phà, qua đò đối với các bến phà, bến đò trên địa bàn thị xã, đã cho thấy: việc niêm yết giá, thu phí hành khách, thực hiện miễn giảm cho các đối tượng và các quy định đối với các bến ngang sông có cự ly dưới 1.000m đều được triển khai thực hiện tốt và chấp hành đảm bảo theo quy định.
Tuy nhiên, có 2 bến phà, đò dọc có cự ly trên 1.000m đều thu phí vượt mức so với quy định.
Bến đò Thành Phước- Cần Thơ đông đúc khách qua lại. |
Vẫn còn trường hợp thu phí vượt mức quy định
Trên địa bàn TX Bình Minh hiện có 7 bến đò ngang sông do cá nhân và hợp tác xã (HTX) đầu tư khai thác. Thực hiện Nghị quyết 160/2015/HĐND, nhìn chung các chủ bến đò có cự ly dưới 1.000m đều thực hiện đúng quy định. Song bến đò có cự ly trên 1.000m thu phí không đúng
quy định.
Bến đò Đông Thành- Lục Sĩ (Trà Ôn) có đến 2 bảng giá thu phí. Hôm đoàn khảo sát đến, chị Dương Châu Ngọc Nương vội mang bảng giá cũ ra so sánh với bảng giá mới treo tường ngay bến đò. Chị cho biết: bảng mới theo giá quy định, còn bảng cũ theo giá thực tế. Nếu so ra, bảng giá mới thấp hơn 2.000 đ/lượt.
Cụ thể, nếu như bảng mới quy định 7.000 đ/lượt xe máy 2 người thì bảng cũ là 9.000đ; bảng mới 3.000 đ/lượt người đi xe đạp, còn bảng cũ 5.000đ... Theo chủ bến Dương Châu Ngọc Nương: niêm yết giá mới nhưng thật ra vẫn thu theo giá cũ, nếu không sẽ “bị lỗ vì hàng ngày lượt khách qua lại thưa thớt mà cự ly vận chuyển khá xa, tới 2.800m”.
Thường xuyên qua lại bến đò này, chị Lê Thị Ngọc (xã Phú Thành- Trà Ôn) cho hay: “Đoạn đường qua lại cũng xa, so với giá 9.000 đ/lượt xe máy 2 người thì cũng được, nhưng tui chỉ thắc mắc sao bảng giá là 7.000đ nhưng thu phí hơn 2.000đ lận”.
Cũng tương tự vậy, ở bến đò Thành Phước- Cần Thơ cũng thu phí giá cao hơn quy định. Chị Huỳnh Thị Ngọc Thủy- hành khách bến đò cho biết: mỗi lượt đi xe máy+ 2 người mua vé 10.000đ. “Lâu lâu mình có nhu cầu qua đò thì không sao nhưng với người lao động qua lại hàng ngày như thế cũng là “gánh nặng”- chị Thủy nói.
Lúc đoàn đến bến đò Thành Phước- Cần Thơ (chủ bến là HTX Bến đò ngang sông), ông Đặng Văn Xinh- Chủ nhiệm HTX Bến đò ngang sông- vội viết lại giá tiền đã bị phai màu trên bảng nội quy. Dòng chữ giá tiền vừa ghi khá rõ: người đi bộ 1.250đ; xe honda 5.000đ; xe đạp 2.500đ.
Qua tìm hiểu của đoàn thì mặc dù giấy phép kinh doanh đăng ký ở Vĩnh Long nhưng HTX không thu phí ở địa bàn mà chuyển sang bến Cần Thơ thu và có giá thu thực tế cao hơn quy định. Cụ thể là: xe đạp+ người lái xe có giá 5.000đ; xe máy+ người: 7.000đ...
Theo chủ nhiệm HTX thì cự ly cây số hoạt động từ phía bờ Bình Minh qua bến phà Cầu Bắc (Trần Phú, phường Cái Khế) dài 2.400m, đoạn đường trên dài gấp 2,5 lần so với quy định nên phải qua bến Cần Thơ thu phí để giá tiền được cao hơn.
Bảng giá niêm yết mới bến đò Đông Thành- Lục Sĩ là vậy nhưng mức thu thực tế lại cao hơn. |
Điều chỉnh mức thu phí với nhiều cự ly
Qua trao đổi, các chủ bến đò thu phí có giá cao hơn Nghị quyết 160 đều lý giải: việc quy định mức phí qua phà, đò đối với cự ly trên 1.000m còn thấp.
Bởi theo chị Nương thì mỗi chuyến qua lại tốn khoảng 10.000đ tiền xăng, trong khi lượt khách ít lại phải cạnh tranh với các bến đò lân cận. “Vừa tiền xăng, tiền nhân công nếu mình thu phí theo quy định thì kinh doanh sẽ không có lợi nhuận”- chị Nương nói.
Còn theo chú Khúc Văn Thành- Phó Chủ nhiệm HTX Bến đò ngang sông, mỗi giờ chỉ chạy được 6 lượt qua lại. Mỗi lượt chở được 5 người đi bộ, 2 xe đạp và 13 xe máy. Trong khi ngoài các khoản lương nhân công còn phải đóng thuế và thêm các khoản phí an ninh, quỹ Vì người nghèo, tu sửa đường... “Vì vậy, chúng tôi mong muốn được thu theo giá hiện tại”.
Thực hiện Nghị quyết 160, địa phương cho biết vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như: ý thức của hành khách qua sông chưa chấp hành tốt việc mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi khi phà xuất bến và lưu thông; vẫn có bến không niêm yết giá qua phà, không thực hiện công khai giá cước theo quy định, không niêm yết đối tượng được miễn giảm.
Đồng thời, chưa có giải pháp để xử lý vi phạm việc thu phí qua đò, phà cao hơn quy định khi chủ phương tiện tổ chức thu phí tại bến ngoài địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND TX Bình Minh- Nguyễn Văn Dân kiến nghị: cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh mức thu phí qua đò ngang áp dụng đối với cự ly vận chuyển trên 1.000m với nhiều cự ly (từ 1.000- 2.000m, từ 2.000- 3.000m và trên 3.000m); UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo thống nhất việc thu phí tại bến Thành Phước- Cần Thơ.
Việc thu phí qua phà, qua đò cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ bến và hành khách, chính vì vậy ông Nguyễn Minh Dũng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh- lưu ý địa phương cần phải tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật đường thủy nội địa; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh niêm yết phí đúng quy định và xử lý các trường hợp vi phạm. Riêng UBND tỉnh cần phối hợp với các tỉnh (có bến đò, phà liên tỉnh) có kế hoạch thống nhất trong quy định thu phí.
Đối với các kiến nghị, HĐND tỉnh sẽ xem xét sớm sửa đổi một số mức phí chưa hợp lý tại Nghị quyết 160/2015/NQ-HĐND.
|
Theo Nghị quyết 160/2015/HĐND:
Phí đò ngang bằng phương tiện cơ giới:
- Cự ly vận chuyển từ 500m đến 1.000m
+ Hành khách: 1.000 đ/người
+ Xe đạp: 2.000 đ/xe (kể cả người lái xe)
+ Xe đạp điện, xe máy điện: 3.000 đ/xe (kể cả người lái xe)
+ Xe máy: 4.000 đ/xe (kể cả người lái xe)
- Cự ly vận chuyển trên 1.000m: (Tùy tình hình thực tế giao UBND các huyện- thị- thành quy định giá cước cho phù hợp nhưng không vượt quá 25% giá cước cự ly vận chuyển từ 500m đến 1.000m). |
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin