Người lính Điện Biên những ngày bên Bác

08:05, 20/05/2017

Cuộc đời ông Hoàng Văn Hiển (82 tuổi- tỉnh Long An) có được vinh dự lớn nhất là khi trực tiếp tham gia Chiến dịch Điên Biên cho đến trận đánh cuối cùng và được diện kiến Tướng Võ Nguyên Giáp ngay tại chiến trường vừa ngưng tiếng súng.

 

Ông Hoàng Văn Hiển kể chuyện về Bác Hồ.
Ông Hoàng Văn Hiển kể chuyện về Bác Hồ.

Cuộc đời ông Hoàng Văn Hiển (82 tuổi- tỉnh Long An) có được vinh dự lớn nhất là khi trực tiếp tham gia Chiến dịch Điên Biên cho đến trận đánh cuối cùng và được diện kiến Tướng Võ Nguyên Giáp ngay tại chiến trường vừa ngưng tiếng súng.

Đặc biệt, cơ duyên đã đưa người lính Điện Biên vừa về tiếp quản Thủ đô lại nhận được nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Trung ương và Bác Hồ. Đó là quãng thời gian đẹp nhất, đã trở thành những ký ức quan trọng nhất trong suốt cuộc đời ông.

Đơn vị “bỏ cơm” sau chiến thắng lịch sử

Những con hẻm ngoằn ngoèo dẫn vào khu phố Bình Quân 2 (Phường 4, TP Tân An- Long An), những dãy nhà san sát nhưng khá yên tĩnh, những khoảng sân chen dày cây xanh, tiểu cảnh- anh bạn đồng nghiệp ở Báo Long An giới thiệu đây là khu phố “mẫu mực” có nhiều cán bộ về hưu.

Chúng tôi đến khi ông Hiển vừa đi ngoài Bưu điện về. “Ra hỏi thăm báo chí sao mấy hôm nay tới chậm”- giọng xứ Nghệ sang sảng, ông Hiển niềm nở chào đón chúng tôi.

Câu chuyện trở lại với những tháng năm ác liệt nhất của thời kỳ “9 năm làm một Điên Biên”, không khí toàn dân vào trận. 13 tuổi, ông Hiển bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình bằng công tác giao liên để “chờ thời” được đủ tiêu chuẩn vào bộ đội.

Năm 16 tuổi, ông chính thức từ giã quê hương Đô Lương xứ Nghệ tình nguyện vào bộ đội, được vào đơn vị chính quy, trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến trận đánh cuối cùng, đơn vị ông đánh chiếm đồi C2 và nóc hầm Tướng De Castries đã phất phới lá cờ chiến thắng của quân đội ta.

Đó là thời khắc lịch sử tạo cơn “địa chấn” toàn cầu, ngay giây phút đó ông đã ở đó và là một trong những người lính trẻ lần đầu tiên được diện kiến con người huyền thoại- Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Hiển nhớ lại: “Lính trẻ tụi tui có gặp Đại tướng bao giờ đâu, nhìn từ xa thấy một người có dáng rất đẹp còn nghĩ chắc là chuyên gia Trung Quốc”.

Khi Đại tướng dừng lại chỗ đơn vị ông dặn dò: “Anh em thu chiến lợi phẩm cẩn thận mìn, còn đồ hộp phồng hơi (cũ) cũng nhiều lắm, cẩn thận ăn uống nhé” thì lúc ấy chúng tôi mới biết là Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người vừa làm nên chiến thắng chấn động thế giới”.

Câu chuyện chợt trầm lắng, giọng ông Hiển chùng xuống xúc động: “Tôi từ Đại đội 34 vừa chuyển sang Đại đội 35, trước khi vào trận đánh cuối cùng thì anh Ngạch- Đại đội trưởng Đại đội 34- còn tươi cười chào nhau vậy mà giờ anh đã hy sinh rồi, cả Đại đội chỉ còn hơn chục người”.

Đó là thời khắc không thể nào quên trong đời người lính, cũng là lúc mà cảm xúc con người giằng xé giữa niềm vui chiến thắng trào dâng và nỗi buồn khó tả khi nhớ lại từng ánh mắt, nụ cười, những câu nói, những ước mơ của đồng đội mình vừa mới đây thôi trước khi bước vào trận đánh cuối cùng, giờ thì không còn nữa, nhiều đơn vị thiệt hại rất nặng nề.

Đó là cái giá của chiến thắng, cái giá rất đắt nhưng cũng rất vinh quang. Sau đó, là những phút giây yên tĩnh đáng sợ, khi mọi người ngồi trước những mâm cơm đầy ắp thức ăn mà buồn không muốn cầm đũa, nhớ quá, thương quá đồng đội ơi- những người lính ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ!

Ông Hoàng Văn Hiển- ảnh chụp ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ông Hoàng Văn Hiển- ảnh chụp ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Những tháng năm bên Bác

Sau Chiến dịch Điện Biên, ông Hiển và một số chiến sĩ thuộc E98- F316 được cấp trên chọn đi làm nhiệm vụ “đặc biệt”- đó chính là nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Trung ương và Bác Hồ.

“Khi nhận được nhiệm vụ, lòng tôi như vỡ oà, thật sung sướng biết bao, ước mong được một ngày gặp Bác đã trở thành hiện thực. Tôi nhớ như in ngày 11/10/1954, anh em chúng tôi trong trang phục gọn gàng, súng đạn sẵn sàng tiến quân vào Hà Nội, cơ quan Trung ương đóng tại Nhà thương Đồn Thủy (nay là Quân y viện 108)”- ông Hiển nhớ lại.

“Công tác bảo vệ đương nhiên là có rất nhiều đơn vị, được tổ chức vòng trong, vòng ngoài, công khai và bí mật, có 3 trung đội được bố trí quanh Phủ Chủ tịch, tôi thuộc Trung đội 2, có rất nhiều cơ hội gặp Bác.

Vui nhất là những ngày cuối tuần hay có văn nghệ, chiếu phim, lúc ấy anh em có xem phim đâu mà cứ ngẩn ngơ nhìn Bác Hồ mãi. Hạnh phúc nhất là những lúc được quây quần bên Bác nghe nói chuyện.

Bằng chất giọng xứ Nghệ ấm áp, truyền cảm, Bác chỉ bảo những việc tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng thật cần thiết cho lính trẻ chúng tôi: từ lời ăn, tiếng nói khi tiếp xúc với dân; phải lễ phép ra sao, khiêm tốn thế nào, phải tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán đến cách đi đứng trong cơ quan, ngoài đường đến cả việc thường ngày như khi thể dục, đánh răng, rửa mặt,... chẳng khác gì người cha hiền chỉ bảo đàn con thương yêu”- ông Hiển nhớ lại những khoảnh khắc, ký ức đẹp nhất đời mình, đã ảnh hưởng sâu sắc tạo dựng nên nhân cách sống, tác phong làm việc cho mãi đến sau này.

Ông Hiển nói ấn tượng lớn nhất đối với ông là hình ảnh Bác Hồ vô cùng giản dị và đức tính khiêm tốn, không thích phô trương của Người. Người không thích báo chí, mọi người ca ngợi về mình nhiều quá.

Tại Phủ Chủ tịch (tòa nhà cũ của viên Toàn quyền Pháp) dù đầy đủ tiện nghi nhưng Bác không hề đụng đến. Thường ngày Bác vẫn mặc bộ bà ba màu nâu dân dã, chân đi đôi dép lốp từ khi còn ở chiến khu.

Những lúc vui vẻ hay được ăn uống ngon miệng Bác Hồ luôn nhắc đến mọi người, nhất là mấy chú bộ đội, Người luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm chu đáo đến với tất cả mọi người từ những cử chỉ, hành động nhỏ nhặt nhất.

Về hình ảnh của Bác Hồ, ông Hiển còn nhớ: “Năm đó, Bác còn khỏe và đi đứng nhanh nhẹn. Làm nhiệm vụ bảo vệ Bác thì các anh em phải tác phong nhanh, lề mề là không theo kịp Người đâu”.

Ông Hiển xúc động giới thiệu bức ảnh chụp chung với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nhân dịp ông được trở lại thăm Phủ Chủ tịch.
Ông Hiển xúc động giới thiệu bức ảnh chụp chung với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nhân dịp ông được trở lại thăm Phủ Chủ tịch.

Cảm động lắm mỗi khi nhận được tiền nhuận bút viết báo từ Liên Xô, Bác đều gửi hết cho chúng tôi, chu đáo đến mức Người thường gửi trước những dịp lễ, ngày kỷ niệm gì đó hàng tháng trời. Bác cẩn thận dặn dò: “Nhiều no, ít đủ, Bác không có nhiều tiền, số tiền này tặng cho các chú thêm vào mua con giống. Cố gắng tăng gia để đơn vị có thêm cá, thịt bồi dưỡng sức khỏe...”

Chúng tôi nhận từ tay Bác đồng tiền nhỏ nhưng tràn đầy ý nghĩa, càng thấm thía về sự quan tâm sâu sắc của Bác, lòng thầm hứa phải cố gắng rèn luyện, tu dưỡng bản thân để xứng danh là bộ đội Cụ Hồ...”.

Rời khỏi nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ vào năm 1958, ông Hiển được cử đi học, ra trường và công tác tại Bộ Công nghiệp (Khu gang thép Thái Nguyên). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được điều động vào Long An tăng cường cho đội ngũ cán bộ khoa học, đến năm 1991 thì nghỉ hưu.

Ông Hiển chân tình dặn dò chúng tôi: “Tôi già rồi đầu óc nhớ không còn mạch lạc nữa. Nếu có dịp nào thì cứ đến chúng ta nói chuyện tiếp nhé!” Chúng tôi dặn lòng sẽ trở lại thăm ông, để được nghe về những hồi ức đẹp đẽ của người lính Điện Biên có cơ duyên gần 5 năm ở bên cạnh Bác Hồ.

  • ™Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- KHÁNH DUY
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh