Kỳ cuối: Đường trắc trở, khó kêu gọi đầu tư

08:04, 12/04/2017

QL54 là một trong những tuyến giao thông huyết mạch của ĐBSCL. Tuy nhiên, "nút thắt" của QL54 đoạn qua Vĩnh Long đang là cản trở lớn trong phát triển kinh tế vùng.

QL54 đi qua 3 tỉnh Đồng Tháp- Vĩnh Long- Trà Vinh nằm cặp bờ Bắc sông Hậu. Mặt khác, QL54 giao nhau với QL80 tại Vàm Cống (huyện Lấp Vò- Đồng Tháp), QL1 tại nút giao CI1 (phường Đông Thuận- TX Bình Minh), QL60 tại xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần- Trà Vinh), QL53 tại xã Tập Sơn (huyện Trà Cú- Trà Vinh).

Vì vậy, QL54 là một trong những tuyến giao thông huyết mạch của ĐBSCL. Tuy nhiên, “nút thắt” của QL54 đoạn qua Vĩnh Long đang là cản trở lớn trong phát triển kinh tế vùng.

Đường hẹp, tải trọng yếu nhưng nhu cầu vận tải tăng, xe trọng tải cao lưu thông làm đường càng xuống cấp nhanh.
Đường hẹp, tải trọng yếu nhưng nhu cầu vận tải tăng, xe trọng tải cao lưu thông làm đường càng xuống cấp nhanh.

Đường hẹp, thương lái ép nông dân

Ven QL54, đoạn qua các xã Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa, Phong Hòa (huyện Lai Vung) là vườn cam, quýt hồng, hoa huệ... thắm một màu xanh hy vọng. Xe bon bon trên đường láng nhựa, thấy vậy tưởng rằng người dân Đồng Tháp phấn khởi, ai dè... niềm vui chưa trọn.

Nói về QL54 được làm xong, bà con vui, tuy nhiên nhiều người tỏ ra lo lắng, vì đoạn Vĩnh Long chưa làm, nên thương lái “đổ thừa” không đi xe lớn được, khi qua Cần Thơ thì phải chuyển bằng xe nhỏ, chi phí cao nên bị ép giá.

Ông Trần Văn On ở ấp Hòa Bình (xã Tân Hòa- Lai Vung) tâm sự: “Dân ở đây mừng, vì có đường láng đẹp, chạy êm, nhưng nông dân chúng tôi chưa thỏa nguyện, bởi thương lái mua trái cây giá thấp hơn những vùng bên QL80.

Họ cho rằng phía bên kia đường rộng, chở đi TP Hồ Chí Minh dễ dàng, đi Cần Thơ cũng vậy. Ở đây cách Cần Thơ đâu bao xa, nhưng họ đổ thừa để ép giá. Chúng tôi cũng mong đường bên Vĩnh Long cũng làm như vầy thì thương lái sẽ hết lý do viện cớ ép giá”.

Rời Lai Vung sang Vĩnh Long, không cần phải hỏi nữa, tất cả đều chung ý nguyện: “Mở rộng đường!”

Ông Bùi Văn Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Tân- cho biết: Huyện Bình Tân là xứ hoa màu, mà chủ lực là khoai lang. Lưu lượng xe chở hàng hóa và hành khách tăng lên, làm mặt đường hư hỏng nhanh, nhưng chỉ lấp vá làm mặt đường mấp mô, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông, nhất là người đi xe 2 bánh.

Trước kia, Bình Tân có tuyến xe buýt Bình Tân- Cần Thơ và Bình Tân- Vĩnh Long nhưng hiện tại không còn thấy hoạt động, trong khi nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao. Theo ông, Bình Tân là xứ sở khoai lang, nhưng lại không có vựa khoai.

Các thương lái dùng xe tải nhỏ vào ruộng thu gom khoai ra vựa ở Bình Minh, sau đó phân loại rồi lên xe tải lớn, xe container vận chuyển đi tiêu thụ.

Làm như vậy thêm công đoạn vận chuyển và bốc vác lên xuống nên chi phí tăng và họ phải giảm giá mua khiến nông dân bị thiệt. Trong khi đó, nếu lộ lớn, đủ tải trọng, các thương lái sẽ mở vựa tại chỗ, thu gom rồi đi thẳng các tuyến tiêu thụ nên sẽ thuận tiện cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Điều cũng cực kỳ quan trọng nữa là ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Khi cầu lớn hơn lộ thì đường thắt lại rất nguy hiểm. Xuống hết mố cầu, xe đi vào ban đêm rất dễ bị sụp lề- nhất là người “lạ nước lạ cái”, không rành đường.

Cụ thể là tại cầu Cống số 2 (xã Thành Lợi), 2 bên đầu cầu thường xuyên xảy ra tai nạn sụp lề gây thương vong cho người đi xe 2 bánh do đường thắt lại đột ngột.

Văn phòng UBND huyện cũng thường xuyên nhận điện thoại phản ánh trực tiếp của nhân dân về tình trạng đường hẹp, đường mấp mô mất an toàn giao thông, ô nhiễm khói bụi ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, kinh doanh của người sống ven QL54...

Ông Nguyễn Hoàng Chương- Chủ tịch UBND xã Đông Thành (TX Bình Minh) cho biết: Tại cầu Dừa (xã Đông Thành) có bến hàng hóa, đó là bến trung chuyển bưởi.

Cứ vào khoảng từ mùng 10- 13 và 20- 27 âm lịch hàng tháng, tại bến có 5- 7 xe tải cỡ 5- 8 tấn đậu chờ thương lái lên bưởi chở đi TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, những tháng giữa năm và cuối năm, mỗi ngày có hơn chục xe cả chục tấn đến lấy bưởi. Từ đó cho thấy, nhu cầu vận tải đường bộ hiện nay rất cao nên cần nâng cấp đường, tạo điều kiện thuận lợi giao thương.

Đường hẹp, nhà đầu tư... ngán

Huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh) là 2 địa bàn giáp ranh, chỉ có QL54 là trục đường chính để giao thương phát triển kinh tế nhưng hiện gặp rất nhiều khó khăn do đường không đáp ứng năng lực vận chuyển hàng hóa.

Từ đó dẫn đến việc rất khó kêu gọi đầu tư. Có nhiều doanh nghiệp đến khảo sát rồi lại “im hơi lặng tiếng” vì “giao thông quá kém”, xe tải dưới 10 tấn qua lại cũng rất khó khăn; trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu của DN chủ yếu bằng xe container.

Ông Nguyễn Văn Trạng- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn- cho biết: Từ sau khi cầu tuyến QL54 hoàn thành, xe tải chở hàng hóa từ Trà Vinh đi Cần Thơ tăng cao, từ đó gây áp lực về hạ tầng giao thông.

Đặc biệt là từ 17 giờ trở về tối, xe tải lưu thông liên tục, từ đó cũng gây mất an toàn giao thông. Hiện toàn huyện có khoảng 3.000ha cam đang trong thời kỳ thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch.

Việc chăn nuôi thủy sản, gia cầm, gia súc ngày càng tăng. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng tăng theo từng ngày, nhưng đường hẹp nên xe chỉ chạy từng chiếc một, vận chuyển hàng hóa giảm về tải trọng, vận tốc xe cũng bị rất hạn chế. Thời gian vận chuyển vì thế cũng lâu hơn nên nhà đầu tư, doanh nghiệp “lo thiệt hại lớn, nhất là chuyên chở gia cầm và gia súc”.

Chính rủi ro hao hụt lớn trong quá trình vận chuyển, nên thương lái cũng tính mức hao hụt trong giá mua khiến nông dân “méo mặt” khi hòa vốn, thậm chí lỗ lã.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn Nguyễn Văn Trạng cho biết: Qua những lần tiếp xúc cử tri, tất cả ý kiến đều có yêu cầu mở rộng QL54 để phát triển kinh tế địa phương, nhưng huyện, tỉnh cũng chỉ có thẩm quyền kiến nghị với Trung ương thôi.

Ông bức xúc: “Huyện Trà Ôn hiện là huyện thuần nông, muốn phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, sử dụng nguồn nhân lực địa phương thì phải kêu gọi đầu tư cho công nghiệp, dịch vụ, nhưng vì vậy mà không làm được. Có nhiều doanh nghiệp đến khảo sát rồi đi, vì giao thông kể cả đường bộ và đường thủy đều không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa thành phẩm cũng như nguyên liệu”.

Tương tự như huyện Trà Ôn, QL54 qua huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đã được mở rộng thông thoáng, đạt cấp IV đồng bằng, nhưng cũng không kêu gọi đầu tư được, vì phải lệ thuộc đoạn QL54 qua địa phận tỉnh Vĩnh Long.

Ông Lưu Văn Nhạnh- Chánh Văn phòng UBND huyện Cầu Kè cho biết: Hàng nông sản của huyện tiêu thụ ở khu vực trên 50%, còn lại về TP Hồ Chí Minh. QL54 đoạn qua tỉnh Trà Vinh đã thông thoáng.

Tuy nhiên, đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Long là nút thắt, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa qua TP Cần Thơ, do đường quá hẹp, xe tải và xe khách loại lớn không đi được. Nếu đi đường QL54 ra TP Trà Vinh vòng lên QL53 qua Cần Thơ thì quá xa, mất gần hơn 150km, trong khi đi thẳng QL54 qua Cần Thơ chỉ chưa tới 70km.

Hiện Cụm công nghiệp Vàm Bến Cát đã được phê duyệt, nhưng khó kêu gọi đầu tư, có 6 doanh nghiệp đăng ký nhưng chưa triển khai. Bên cạnh việc vận chuyển hàng hóa, ngành du lịch cũng bị hạn chế. Huyện Cầu Kè có điểm du lịch tâm linh như: chùa Ông Bổn, du lịch văn hóa- lịch sử chùa Khmer, nhà tưởng niệm bà Út Tịch, du lịch xanh cồn Tân Quy,... nhưng chưa thể khai thác hết.

“Vừa qua, Công ty Giày da Mỹ Phong đến khảo sát để mở chi nhánh, nhưng khi khảo sát tuyến giao thông QL54 đoạn qua Vĩnh Long, họ thấy không đủ trọng tải xe container lưu thông vận chuyển hàng hóa, nên ngưng.

Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đến khảo sát để liên kết mở tuyến du lịch, nhưng rồi cũng quay lưng, vì đường quá nhỏ, trong khi đơn vị vận chuyển tour sử dụng xe lớn tới 50 chỗ; vận chuyển khách du lịch trên QL53 vào Đường tỉnh 906 cũng hẹp và QL54 xuống cũng không an toàn, vì vậy họ không dám mở tuyến”- ông Lưu Văn Nhạnh tiếc nuối.

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường bộ ngày càng tăng, đường thắt ngang địa phận tỉnh Vĩnh Long không những gây trở ngại khó cho tỉnh Vĩnh Long mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực Bắc sông Hậu.

Chính quyền và người dân Đồng Tháp- Vĩnh Long- Trà Vinh đang trông chờ vào dự án mở QL54 ngang qua Vĩnh Long để tìm cơ hội phát triển kinh tế địa phương, cũng như kết nối kinh tế khu vực Tây Nam Bộ nhưng chờ đến bao giờ?

 

Ông Bùi Văn Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Tân (Vĩnh Long)

 

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở Bình Tân và khu vực lân cận là rất lớn, nhưng tình trạng đường hiện nay là chỉ dùng được xe tải nhỏ nên không đủ năng lực vận chuyển, từ đó, hàng nông sản của nông dân bị ép giá, do chi phí vận chuyển cao.

 

Ông Thạch Ni- Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè (Trà Vinh)

 

QL54 đoạn Trà Vinh đã thông thoáng, nhân dân huyện Cầu Kè mừng nhưng chưa vui trọn vẹn vì đoạn qua tỉnh Vĩnh Long thắt lại làm ảnh hưởng phát triển kinh tế của cả vùng Bắc sông Hậu. Đoạn Vĩnh Long chưa xong thì không chỉ riêng Vĩnh Long buồn, mà cả mấy huyện của Trà Vinh cũng chưa vui.

 

Bài, ảnh: HÙNG HẬU- MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh