Mới đây, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long) triển khai đầu tư thí điểm gia cố sạt lở bờ sông bằng "kè mềm
Mới đây, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long) triển khai đầu tư thí điểm gia cố sạt lở bờ sông bằng “kè mềm”- Giải pháp dùng bao đựng cát bằng chất liệu vải địa kỹ thuật làm kè chống xói lở với ưu điểm thời gian thi công nhanh, chi phí thấp, phù hợp để nhân rộng nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông.
Thi công “kè mềm” gia cố bờ sông Long Hồ ở ấp Long Thuận B (xã Long Phước- Long Hồ). |
Kè mềm gia cố sạt lở bờ sông Long Hồ dài 50m tại ấp Long Thuận B (xã Long Phước- Long Hồ) với tổng kinh phí 500 triệu đồng do Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ AT&T (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ kinh phí và đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện.
Anh Nguyễn Thiên Võ- giám sát công trình, cho biết: “Việc thi công kè mềm khá đơn giản, chỉ cần một chiếc xe cuốc và vài nhân công là có thể thực hiện được.
Với đoạn kè dài 50m, thời gian thi công hoàn thiện là 22 ngày. Riêng công trình này thì sẽ được thi công hoàn thiện trong vài ngày tới”.
Cũng theo anh Võ, các bước thi công khá đơn giản, đầu tiên là đóng cừ tràm tại điểm sạt lở, sau đó trải vải địa kỹ thuật lên trên.
Bao đựng cát bằng vải địa kỹ thuật được xếp theo chiều ngang đề chống xói phần chân kè. Sau khi gấp vải địa kỹ thuật lại, các bao cát tiếp tục được chồng lên nhau xếp theo chiều dọc và giật cấp cho đến khi đạt cao độ thiết kế.
Khi thi công hoàn thiện thì mặt kè mềm vẫn kết hợp làm đường giao thông tốt mà không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Theo ông Trần Nguyễn Anh Tú- Trưởng Phòng Quản lý công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn (Chi cục Thủy lợi), kè mềm có chi phí tương đối thấp so với giải pháp cứng (dùng rọ đá hay kè bê tông), trung bình khoảng 10 triệu đồng mỗi mét kè, tuổi thọ công trình lên đến 10- 15 năm.
Riêng việc gia cố tạm tại các điểm sạt lở bằng cừ dừa, cừ tràm, bao cát, đắp đất như trước nay có thể chi phí thấp hơn kè mềm nhưng tuổi thọ công trình không cao.
Qua so sánh chi phí, giải pháp, thời gian thi công cũng như tuổi thọ công trình, kè mềm đang cho thấy những ưu điểm rất đáng quan tâm để ứng dụng gia cố, phòng chống sạt lở bờ sông hiện nay.
Theo ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, đây là dự án đầu tiên của tỉnh ứng dụng công nghệ mới ứng phó sạt lở bờ sông.
Bước đầu của dự án nhằm đánh giá hiệu quả của giải pháp chống sạt lở bờ sông bằng giải pháp kè mềm trên địa bàn tỉnh cũng như khắc phục sạt lở, phòng, chống lũ, triều cường, bảo vệ dân cư và sản xuất, phục vụ đi lại của người dân trong khu vực.
Hiện một số tỉnh- thành ĐBSCL đã ứng dụng công nghệ này và cho thấy hiệu quả ứng phó sạt lở khá cao.
Với chi phí đầu tư tương đối thấp, thời gian thi công nhanh, có thể nói giải pháp kè mềm bước đầu cho thấy thích hợp để ứng dụng trong việc gia cố, phòng chống sạt lở bờ sông ở tỉnh ta hiện nay.
Kết cấu chính của hệ thống kè mềm là các bao địa kỹ thuật Soft Rock tạo thành từ các lớp vải địa kỹ thuật không dệt, được sản xuất tại Đức. Độ bền đặc biệt của các lớp vải không dệt giúp bao có thể chịu được các điều kiện khắc nghiệt bên ngoài như địa hình không bằng phẳng, thủy triều, các loại tải trọng va đập. Ngoài ra, khả năng chống xói mòn sẽ tăng lên sau khi thảm thực vật được tạo thành trên bề mặt bao. Công tác thi công đê mềm không quá phức tạp, vật liệu lấp đầy bao địa kỹ thuật Soft Rock có thể tận dụng nguồn đất cát có sẵn tại hiện trường. Điều này giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển, chi phí vận liệu, chi phí thi công, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho toàn bộ công trình. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin