25 năm trước, những người làm báo Cửu Long có cuộc "chia ly" bùi ngùi không tránh khỏi những xáo trộn, bâng khuâng, cả những giọt nước mắt trước cảnh "kẻ ở, người đi", để thành lập Báo Vĩnh Long và Báo Trà Vinh.
25 năm trước, những người làm báo Cửu Long có cuộc “chia ly” bùi ngùi không tránh khỏi những xáo trộn, bâng khuâng, cả những giọt nước mắt trước cảnh “kẻ ở, người đi”, để thành lập Báo Vĩnh Long và Báo Trà Vinh.
Trước những sự kiện lớn, phóng viên tìm mọi góc nhìn để có những tấm ảnh đẹp. Trong ảnh: Các phóng viên tác nghiệp tại lễ khánh thành đường Võ Văn Kiệt. |
Một phần tư thế kỷ nhìn lại, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế- xã hội, là sự lớn mạnh của đội ngũ làm báo tỉnh nhà. Đã có bao thế hệ làm báo nối tiếp nhau, nhưng nghĩa tình Vĩnh Long- Trà Vinh vẫn đong đầy “anh em ruột thịt”.
Làm báo “thời bao cấp”
Việc tái lập 2 tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh diễn ra trong hoàn cảnh đất nước đang bắt đầu giai đoạn chuyển mình để bước ra khỏi cơ chế bao cấp; giữa những khó khăn thiếu thốn mọi bề thì việc tách mỏng lực lượng của đội ngũ làm báo càng chồng chất, thêm nặng nề trách nhiệm.
Nhưng đó cũng chính là giai đoạn “đẹp nhất” của cái thời những phóng viên “đầu trần chân đất” cùng “xe đạp ơi” lăn mình vào những chuyến công tác mà chất liệu, hơi thở của cuộc sống, thời đại ngồn ngộn, gian truân mà đầy ắp ân tình.
Đây cũng là thời kỳ “khai phá”, gầy dựng nền móng cho nền báo chí tỉnh nhà mãi về sau, khi có sự tiếp nối của thế hệ làm báo trẻ, được dìu dắt, rèn luyện từ lớp cha, chú dày dạn kinh nghiệm, vững vàng về bản lĩnh chính trị vừa “bước ra” từ cuộc kháng chiến vĩ đại của đất nước.
Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long Phạm Hoàng Khải xúc động nhắc lại: “Anh em một nhà, Báo Cửu Long phải tách làm hai, để rồi người phải về Trà Vinh để xây dựng Báo Trà Vinh, người ở lại xây dựng Báo Vĩnh Long.
Bao nhiêu năm ân tình gắn bó, bao nhiêu năm chia ngọt sẻ bùi cùng chia nhau gói xôi, nửa ổ bánh mì trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước để tác nghiệp, để có được những tin, bài ảnh thời sự trên báo Vĩnh Trà, báo Cửu Long, xây dựng nền báo chí cách mạng tại địa phương”.
Trong điều kiện kinh tế- xã hội đất nước nói chung và tỉnh Cửu Long nói riêng còn vô vàn những khó khăn, thiếu thốn, các nhà báo còn nhiều hạn chế về trình độ học vấn, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và phương tiện làm báo nhưng giàu lòng yêu nước, yêu nghề và bầu nhiệt huyết nên đã không ngại khó, ngại khổ, luôn có mặt nơi tuyến đầu của các mặt trận.
“Lần giở lại các tờ báo, trang báo cũ, tôi bắt gặp những tin, bài, những hình ảnh về khai hoang trên các vùng kinh tế mới xa xôi, trên các công trình thủy lợi lớn như đập Bến Giá, kinh Tuổi Trẻ, kinh 3 Tháng 2, kinh Thống Nhất... hoặc những đợt tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ.
Hay khi chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam nổ ra và kéo dài cho đến khi Đảng, Nhà nước quyết định cử quân đội sang giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa bị diệt chủng do tập đoàn Pol Pot- Ieng Sary gây ra, thì nhiều phóng viên Báo Cửu Long cũng có mặt theo đoàn quân làm nghĩa vụ quốc tế và phản ánh trên báo nhà”- ông Phạm Hoàng Khải nhớ lại một thời làm báo mà có những lúc phóng viên phải tác nghiệp nơi chiến trường Campuchia ác liệt.
Nhìn lại giai đoạn làm báo “thời bao cấp” không tránh khỏi những bồi hồi, xúc động, nhưng cũng thật tự hào và vui mừng hơn khi giờ đây “ngôi nhà Báo Vĩnh Long” vẫn còn đó đội ngũ làm báo ngày xưa, tiếp tục dìu dẫn, “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, dù cho có bao nhiêu biến chuyển, đổi thay, vẫn giữ cho được “cái chất” Báo Vĩnh Long ngày đậm đà hơn, hiện đại mà luôn chan chứa nghĩa tình, đó là cái tình giữa đồng nghiệp, cái tình với nhân dân và nghĩa vụ cao cả đối với quê hương đất nước.
Báo chí Vĩnh Long “tuổi 25”!
Lớn lên cùng báo chí nước nhà, báo chí Vĩnh Long đã có sự phát triển ổn định và từng bước lớn mạnh. Hiện, toàn tỉnh có 3 cơ quan báo chí là Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long (THVL) và Tạp chí Văn nghệ Cửu Long, 2 cơ quan báo trung ương đặt văn phòng đại diện, 37 đơn vị được cấp phép xuất bản bản tin và nhiều cơ quan báo chí có phóng viên thường trú hoạt động đưa tin trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là sự phát triển, lớn mạnh vượt bậc của THVL, chỉ sau chưa đầy 40 năm hình thành, kể cả về nhân lực, tài lực và thực lực.
Với việc chủ động, sáng tạo và đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện các chương trình, THVL tiếp tục khẳng định chỗ đứng trong lòng công chúng, trở thành một trong những đài phát thanh- truyền hình được yêu thích nhất trong khu vực ĐBSCL, đặc biệt kênh THVL1 luôn có chỉ số khán giả cao và ổn định trong tốp đầu của cả nước.
Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, THVL còn tổ chức thực hiện tốt các hoạt động từ thiện- xã hội, đền ơn đáp nghĩa nhằm góp phần cùng với địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Ông Lê Quang Nguyên- Giám đốc Đài PT-TH tỉnh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long khẳng định, trong thời gian qua, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng bộ máy tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thiết bị kỹ thuật công nghệ; phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền và cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đáp ứng nhu cầu thông tin, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong và ngoài tỉnh.
Có thể nói, thời gian qua, báo chí tỉnh nhà đã góp vai trò hết sức quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; thông tin kịp thời, phản ánh toàn diện bức tranh sinh động của đời sống chính trị- xã hội của địa phương, từ đó cung cấp cho độc giả và khán giả nhiều kiến thức, thông tin nhiều mặt, nhiều chiều, đồng thời góp phần quan trọng cho công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Thắm thoát đã 25 năm trôi qua, có dịp cùng nhắc lại chuyện xưa để cùng “ôn cố tri tân” bởi những phóng viên trẻ ngày nay được trang bị đầy đủ kiến thức, học thuật, kỹ thuật “đầy mình”, công tác... vi vu xe gắn máy đời mới, bon bon trên mọi nẻo đường từ QL cho đến nông thôn mới; sẽ khó lòng mà hiểu được những chuyến công tác phải “đu xe đò” xuống tận vùng duyên hải, hay phải lội bộ hàng mấy chục cây số về vùng nông thôn “nắng bụi, mưa bùn”, trên vai quảy tòng teng mấy cái bánh ú, mấy đòn bánh tét... phòng thân.
Đó mới là cái vốn quý nhất, để đội ngũ làm báo được tôi luyện và biết “yêu thương”, gắn bó với đồng nghiệp, với nhân dân với từng tổ chức, chính quyền mà mình công tác.
Trang bị kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng; đồng thời người làm báo phải luôn biết bồi đắp tình cảm, tâm hồn trong sáng, hết lòng phục vụ sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, xứng đáng với tình cảm, niềm tin, trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu đánh giá, báo chí tỉnh nhà tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền với nhân dân, phản ánh trung thực sinh động dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, góp phần xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các chủ trương chính sách phù hợp; hiến kế những giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh; phát huy mạnh mẽ chức năng giám sát xã hội và phản biện xã hội. |
Bài, ảnh: THUẦN QUYÊN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin