Có một mùa nắng nóng- có lẽ nóng nhất trong các mùa, đó là mùa nắng ngoài đường phố.
1. Có một mùa nắng nóng- có lẽ nóng nhất trong các mùa, đó là mùa nắng ngoài đường phố.
Nghe đâu người ta đã làm thử, chỉ cần để quả trứng gà hoặc chai nước lọc ra giữa trời nắng nóng như vầy, sau vài chục phút là có thể “ăn chín uống sôi”. Vậy mà chị bán rau trái hay chút bánh quê, xấp vé số vẫn kẽo kẹt quảy gánh hàng, lầm lụi đi qua biết bao đường phố. Che bên nắng, đậy bên nóng… kiểu gì thì người hay rau đều héo hon vì nóng.
Bên vỉa hè, có anh thợ xây ra ngồi dăm ba phút nhấp ngụm trà đá, anh nói càng leo lên tầng cao nắng càng ác. Người phụ nữ chuyên phụ việc vặt che kín mít, chỉ còn chừa đôi mắt, nói nóng sao mà nóng quá, tưởng cháy cả da. Anh xe ôm lại bảo tôi ngồi ngoài đường “phơi nắng” vầy riết khô quéo luôn. Giờ nắng ăn hết nổi.
Vài người cảm thương, nói sao không nghỉ vài bữa, say nắng đổ bệnh thì sao. Nói vậy thôi, chứ ai cũng biết đi làm tính công, nghỉ sao được! Mùa mưa lạnh đã lo nhưng nắng nóng càng vất vả cho người lao động nghèo.
2. Nhà cô ở mặt tiền phố, phía trước có gốc cây bằng lăng nho nhỏ nên bà bán vé số hay cô bán hàng rong thường ghé tạm nghỉ chân, phe phẩy nón cho đỡ nắng. Cô nhanh tay làm ngay một ca nước đá mang ra “mời khách”, ca nước không bao nhiêu tiền nhưng thật mát dạ người nghèo. Vậy là hàng phố ới nhau, người mua giúp mớ rau, miếng thịt… mau cho chị em về nghỉ nắng.
3. Phố bỗng dường như bớt nóng, còn cái nắng thì cứ vàng tươi. Nhiều người đã nhanh nhạy “đón nắng” để làm ăn. Chị thợ may đầu hẻm vui vẻ cho biết đã may hàng trăm bộ đồ mát cho phụ nữ và trẻ em, bạn hàng hối làm không kịp ngơi tay.
Nhiều bạn trẻ ra ngay quầy nước ép trái cây bán đắt như tôm tươi. Như cô sinh viên phát tờ rơi mặt đỏ hồng vì nắng vẫn tươi cười “em thích nắng”.
Nhìn những giọt mồ hôi của người lao động, như nhắc nhở em rằng, cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, lo toan và ai ai cũng phải cố gắng. Trong nắng, miệt mài làm việc để mưu sinh và còn để kịp hoàn tất công việc được giao. Trên hết, là để hướng tới tương lai bằng chính đôi tay lao động của mình.
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin