285 năm Long Hồ dinh- tỉnh Vĩnh Long (tt)

05:04, 29/04/2017

Chống địch bình định và đánh thắng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ- ngụy

Chống địch bình định và đánh thắng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ- ngụy

Đầu năm 1969, Mỹ chính thức thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Ở Vĩnh Long, chúng lấy mục tiêu bình định, kiểm soát dân là trọng tâm.

Lấy vùng chữ V, chữ Y (vùng giáp 4 huyện: Châu Thành, Sa Đéc, Tam Bình, Bình Minh) làm trọng điểm. Địch hành quân càn quét bắn phá dữ dội, đóng đồn bót dày đặc (tháng 4/1970 có 530, đến cuối năm 1970 là 630 đồn bót, hậu cứ).

Với sức mạnh quân số, khí tài địch được tăng cường, hệ thống đồn bót giăng khắp địa bàn, chúng tăng cường đánh phá, càn quét làm cho nhiều cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh, toàn tỉnh chỉ còn 1 tiểu đoàn bộ binh và các đại đội binh chủng, quân số mỗi đại đội chỉ hơn 10 tay súng.

Lực lượng ta đã kiên cường bám trụ, ngăn chặn đánh trả các cuộc hành quân càn quét của địch, thọc sâu vùng kìm đánh diệt căn cứ bảo an 273 ở Bình Minh, tổ chức đánh nhỏ đánh lẻ tiêu hao sinh lực địch. Năm 1970, các lực lượng vũ trang (LLVT) đã đánh 1.239 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 8.471 tên địch.

Khắc phục nhiều khó khăn thiếu thốn, trước thực trạng địch bình định ác liệt, đồn bót dày đặc trên địa bàn, thực hiện Nghị quyết chống bình định của Khu ủy và chỉ đạo của Tỉnh ủy, các LLVT trong tỉnh đã liên tiếp tổ chức nhiều hoạt động, làm đòn xeo cho phong trào quần chúng phá kìm giành quyền làm chủ xóm ấp.

LLVT tổ chức vũ trang tuyên truyền gầy dựng cơ sở đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh. Đến cuối năm 1971, ta đã chuyển được thế mạnh ở nhiều khu vực, các lực lượng 3 mũi đã bao vây nhiều đồn địch làm chủ được nhiều khu vực.

Mùa hè 1972, phối hợp chiến trường chung, Quân khu đưa lực lượng tiến công diệt Yếu khu Thầy Phó (Hựu Thành- Trà Ôn); lực lượng tỉnh đánh thiệt hại nặng Chi khu Bình Minh; lực lượng các huyện, xã vươn lên lấy đồn giải phóng ấp, giải phóng dân.

Hoạt động kết hợp 2 chân 3 mũi phát triển mạnh, thiếu niên, phụ nữ cũng lấy được đồn.

Đến cuối năm 1972, tỉnh thành lập lại Tiểu đoàn 2, đứng chân hoạt động vùng Nam- Bắc sông Măng Thít, liên tiếp mở các cao điểm hoạt động. Ta đã giải phóng được 26 ấp.

Địch ra sức tái chiếm đóng đồn, ta còn giữ được 14 ấp giải phóng và nhiều ấp tuy địch có đồn nhưng bị bao bó trong đồn, binh lính địch không bung ra được, ta vẫn làm chủ tình hình ngày đêm.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Nhưng ngụy quyền vẫn ra sức phá hoại không thực thi các điều khoản bất lợi cho chúng.

Chúng tổ chức hành quân tràn ngập lãnh thổ, phá thế “da beo” đang có trên chiến trường toàn tỉnh. Thực hiện chủ trương của Khu ủy, LLVT đánh trả địch vi phạm hiệp định, kết hợp 3 mũi đấu tranh giữ vững thành quả cách mạng và đưa phong trào tiến lên. Ta bao vây cô lập đồn bót, chống địch hành quân can viện, chống địch phá địa hình.

Mùa khô 1973- 1974, ở Vĩnh Long quân địch có 14 tiểu đoàn, ở Sa Đéc có 9 tiểu đoàn bảo an và các đơn vị binh chủng khác.

Nhưng địch bị động chiến trường phải phân tán đối phó khắp nơi trong tỉnh và cả ngoài tỉnh. Ta chủ động đánh bại kế hoạch mùa khô của địch, giành đất giữ đất, giành dân, giữ dân, giữ lúa.

Các LLVT tổ chức các cao điểm liên tục dùng 3 mũi tấn công địch, vừa có trọng tâm trọng điểm, vừa có diện có chiều rộng. Kết thúc mùa khô 1973- 1974, toàn tỉnh thắng lợi vượt mức chỉ tiêu, ta bức diệt 129 đồn bót, giải phóng 31 ấp với 24.322 dân.

Phát huy thắng lợi, ta liên tiếp mở các cao điểm hàng tháng và chiến dịch mùa nước 1974 bằng kết hợp 3 mũi liên tiếp tấn công địch.

Địch bị động đối phó, sức can viện giải tỏa giảm sút rõ rệt. Cuối tháng 9/1974, ta giải phóng cơ bản 2 xã, giải phóng phần lớn 6 xã, giải phóng 91 ấp, đưa lên tranh chấp thế ta mạnh 72 ấp, tranh chấp ngang 43 ấp, địch chỉ còn kìm 181 ấp.

(Còn tiếp)

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh