Giữa năm 1961, Mỹ- ngụy thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" với kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng.
Phong trào phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn (1961-1965)
Giữa năm 1961, Mỹ- ngụy thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng.
Địch càn quét, bình định, lập ấp chiến lược khắp nơi. Các lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Long đã cùng nhân dân chống địch bình định và đẩy mạnh phá ấp chiến lược.
Địch đưa máy bay, tàu chiến, pháo binh, xe bọc thép, yểm trợ bộ binh dùng pháo bom đánh phá ác liệt. Đồng thời, đưa Sư đoàn bộ binh số 9 từ Bình Định vào đứng chân Vĩnh- Sa- Trà, ở cấp tiểu khu chúng tăng cường thành lập lực lượng bảo an.
Lực lượng cách mạng của tỉnh phải đối phó với 2 tỉnh, 2 tiểu khu quân sự của địch. Các lực lượng vũ trang tỉnh ta, gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn vũ khí trang bị, thiếu nguồn bổ sung.
Vượt qua khó khăn các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã kiên cường chiến đấu làm “đòn xeo” cho phong trào quần chúng phá ấp chiến lược.
Nhiều trận đánh với chiến thắng vang dội như chống càn ở Bà Khạo, Lung Bồn (Châu Thành), chống càn ở Xẻo Bứa (Tam Bình), chống càn ở Kinh Cũ, Phong Hòa (Bình Minh), đại đội cơ động tỉnh, một đêm gỡ 3 đồn ở Bình Minh, các cao điểm phá “ấp chiến lược” được liên tục tổ chức...
Cuối năm 1964, ta cơ bản đã phá rã các "ấp chiến lược" do địch xây dựng, đánh bại quốc sách ấp chiến lược góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ- ngụy.
Giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện Chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam tổ chức các chiến dịch phản công với hai gọng kềm “Tìm diệt và bình định”.
Ở Vĩnh Long, địch lấy bình định làm chính. Đồng thời đẩy mạnh hành quân tiêu diệt với công thức bộ binh ngụy, hỏa lực Mỹ, bằng các thủ đoạn chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” và hàm đội nhỏ trên sông.
Các lực lượng vũ trang trong tỉnh được kiện toàn phát triển cả về bộ binh và các binh chủng đặc công, công binh, pháo binh, thông tin.
Quân khu bổ sung cho một số trang bị hỏa lực tương đối mạnh. Tỉnh ủy, Tỉnh đội lãnh đạo các đơn vị thực hiện phương châm “Tập trung, phân tán linh hoạt”, địa bàn tác chiến là “Đứng vững vùng ven, tấn công vùng kềm, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng”.
Ta đã tổ chức các trận tập kích bằng hỏa lực thẳng vào sân bay Vĩnh Long diệt nhiều máy bay, phương tiện chiến tranh của địch; đánh mạnh vào vùng kềm, hút địch ra vùng ven rồi tổ chức tập kích diệt gọn 1 đại đội chủ lực ở Tân Nhơn (Tân Hạnh); diệt một đại đội chủ lực khác ở Vựa Tro (thị trấn Long Hồ); đánh thiết xa vận ở Bình Thạnh Trung (Lấp Vò);
chống càn đánh bại chiến thuật trực thăng vận ở Phú Quới; tập kích diệt một đại đội chủ lực địch ở lò gạch xã Tân Xuân; nhiều lần chống càn bẻ gãy các cuộc càn quét tìm diệt quy mô lớn của địch.
Bộ đội địa phương các huyện vừa độc lập chiến đấu, vừa phối hợp lực lượng tỉnh và lực lượng quân khu chiến đấu chống càn quét, diệt đồn bót mở lõm, mở vùng: đánh diệt tề xã Giồng Ké (Vũng Liêm); đánh đồn Trà Kiết, bẻ gãy cuộc càn lớn của địch vào Tầm Vu (Bình Minh). Du kích nhiều xã chiến đấu tốt, bắn rơi máy bay trực thăng của Mỹ.
Quân và dân Vĩnh Long đã tự lực, tự cường, tiến hành chiến tranh nhân dân dùng 3 mũi giáp công chống địch bình định lập ấp chiến lược, bảo vệ vùng nông thôn giải phóng và đã giành thắng lợi to lớn, toàn diện, phá vỡ hệ thống kềm kẹp của địch ở nông thôn, mở rộng vùng giải phóng, góp phần phá sản chiến lược, chiến tranh đặc biệt của Mỹ-ngụy.
(Còn tiếp)
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin