285 năm Long Hồ Dinh- tỉnh Vĩnh Long

05:04, 25/04/2017

Phong trào đấu tranh thi hành Hiệp định Genève và chống chính sách "Tố cộng diệt cộng" của Mỹ- ngụy (1954- 1959)

Phong trào đấu tranh thi hành Hiệp định Genève và chống chính sách “Tố cộng diệt cộng” của Mỹ- ngụy (1954- 1959)

Thi hành Hiệp định Genève, bộ đội, cán bộ của tỉnh tập kết về miền Bắc, tỉnh nhà chúng ta không còn chính quyền, không còn lực lượng vũ trang.

Trước sự trả thù, bắt bớ của địch, Tỉnh ủy Vĩnh Long vẫn duy trì một khung cán bộ bất hợp pháp với địch.

Trên địa bàn tỉnh, địch cho xây dựng sân bay, căn cứ thủy quân, trường huấn luyện, hệ thống đồn bót, căn cứ quân sự được xây dựng lại và mở rộng thêm…

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, Mỹ- ngụy đã tổ chức cảnh sát, tình báo do thám gián điệp và tổ chức bộ máy kìm kẹp từ tỉnh đến tận xóm ấp.

Trước tình hình và nhiệm vụ mới, tỉnh đã sắp xếp lại tổ chức, bộ máy hành chính, các cấp ủy, đảng viên và đề ra chủ trương đấu tranh cách mạng mới: “tăng cường đoàn kết, tập hợp tổ chức mọi lực lượng, dựa vào pháp lý của hiệp định Genève để đấu tranh chính trị, đòi dân sinh, dân chủ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, bảo vệ quyền lợi của nhân dân…”.

Thực hiện chủ trương trên, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho các cấp ủy Đảng trong tỉnh tổ chức mít tinh mừng hòa bình, biểu dương lực lượng quần chúng nhân dân.

Tại nhiều nơi trong tỉnh, có hàng trăm ngàn đồng bào với trống mõ, biểu ngữ biểu tình mừng thắng lợi của hiệp định, và hàng chục cuộc biểu tình quy mô lớn đấu tranh phản đối các vụ vi phạm hiệp định giết chóc cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vô tội của bọn Mỹ- ngụy, tạo được tinh thần đoàn kết và sức mạnh tổng hợp từ các tầng lớp nhân dân.

Năm 1955, quân ngụy tổ chức tấn công lực lượng Hòa Hảo ở Cái Vồn- Bình Minh, lực lượng Hòa Hảo bị tan rã, một số đầu hàng giặc, một số chạy vào vùng kháng chiến cũ. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy chủ trương xây dựng lực lượng giáo phái chống Mỹ- Diệm.

Ta đưa một số cán bộ làm nòng cốt cùng lực lượng Hòa Hảo tiến bộ thành lập Liên minh giáo phái chống Mỹ- Diệm.

Sau khi tỉnh Vĩnh Long- Sa Đéc hợp nhất lấy tên tỉnh Vĩnh Long, tháng 8/1957 thành lập Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt là lực lượng vũ trang tuyên truyền của Đảng, tuy vẫn mang danh nghĩa liên quân giáo phái chống Mỹ- Diệm.

Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt hoạt động trong điều kiện chưa có chủ trương hoạt động vũ trang của Đảng, đã kiên trì công tác vận động quần chúng, gây dựng bảo vệ cơ sở, chống địch “Tố cộng, diệt cộng” trên địa bàn.

- Tháng 7/1959, Ngô Đình Diệm lập tòa án quân sự đặc biệt, lê máy chém đi khắp miền Nam và về Vĩnh Long, hòng uy hiếp tinh thần của nhân dân.

Chúng giết hại bất kỳ ai theo cách mạng với phương châm “thà giết nhầm hơn thả nhầm” đã gây ra sự căm phẫn cao độ trong cán bộ đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Cuộc đấu tranh chống Luật 10/59 được sự hướng dẫn kịp thời của trên, Đảng bộ Vĩnh Long đã chỉ thị cho các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào cách mạng, đẩy mạnh diệt ác trừ gian, phá kìm.

Quần chúng và bộ đội Lý Thường Kiệt đã diệt một số tên chỉ điểm ác ôn của địch làm cho bọn ngụy quân, ngụy quyền hoang mang lo sợ… tạo đà cho phong trào diệt ác, phá kìm trên địa bàn tỉnh.

Phong trào Đồng Khởi (14/9/1960)

- Tháng 12/1959, Liên Tỉnh ủy Trung Nam Bộ tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị tại căn cứ Tam Trường với tinh thần “chuyển chiến lược” từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng tàn bạo của địch”.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Vĩnh Long mở hội nghị tại Tân Dương (Sa Đéc), thống nhất từ ngày 14/9/1960 sẽ đồng khởi trong toàn tỉnh, lấy trọng điểm là huyện Châu Thành- Sa Đéc (lúc bấy giờ thuộc Vĩnh Long) và các xã vùng chữ V (Hòa Tân, An Khánh, Phú Long, Mỹ Thuận) làm điểm đột phá.

Đêm 14/9/1960, phong trào Đồng Khởi bùng lên trong toàn tỉnh. Quần chúng nổi dậy với đủ loại vũ khí, gậy gộc, dao mác, súng tự tạo… kéo đi bao vây các đồn bót, truy lùng ác ôn, địa chủ. Bọn lính đồn, tề xã và những tên ngoan cố trốn vào trong đồn cố thủ.

Trước sức mạnh của cuộc nổi dậy đấu tranh như nước vỡ bờ của các tầng lớp nhân dân, nhiều địa bàn xã, ấp ở các huyện Sa Đéc, Châu Thành, Tam Bình, Chợ Lách (Cái Nhum), Vũng Liêm… được giải phóng, nhân dân vùng lên giải tán tề ấp tay sai.

- Phong trào Đồng Khởi 1960 ở Vĩnh Long đánh dấu một bước nhảy vọt của cách mạng miền Nam nói chung, của Vĩnh Long nói riêng; từ chỗ củng cố, xây dựng lực lượng chuyển sang tiến công đánh thắng chiến lược “Tố cộng diệt cộng” làm thất bại cuộc chiến tranh đơn phương của Mỹ- Diệm, đưa cuộc cách mạng của nhân dân ta bước sang giai đoạn đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang song song dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

(Còn tiếp)

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh