Xã Thuận An- mức thu nhập cao nhất tỉnh

04:03, 29/03/2017

Quy chuẩn đối với tiêu chí thu nhập của xã nông thôn mới (NTM) năm 2015 bình quân đạt 29 triệu đồng/ người/ năm, và đến năm 2020 phải đạt 49 triệu đồng/ người/ năm. 

Quy chuẩn đối với tiêu chí thu nhập của xã nông thôn mới (NTM) năm 2015 bình quân đạt 29 triệu đồng/ người/ năm, và đến năm 2020 phải đạt 49 triệu đồng/ người/ năm.

Hợp tác lao động vừa có thu nhập cao vừa tạo niềm vui đoàn kết.
Hợp tác lao động vừa có thu nhập cao vừa tạo niềm vui đoàn kết.

Như vậy, mỗi năm muốn đạt và giữ vững xã NTM, bình quân mỗi người dân trong xã phải có mức tăng thu nhập thêm 4 triệu đồng. Thế nhưng ở xã Thuận An (TX Bình Minh) ngay năm 2016 đã đạt ngưỡng trên 48 triệu đồng/ người/ năm.

Thuận An đạt thu nhập cao

Theo BCĐ Xây dựng NTM, các địa phương xác định đây là một trong những tiêu chí động và khó cho các xã thuần nông, nhưng yêu cầu hàng năm phải nâng cao theo chuẩn mới thì mới được tái công nhận và mục tiêu cuối cùng là nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao mức sống cho người dân nông thôn.

Trong khi nhiều xã phấn đấu khá vất vả mới đạt chuẩn của tiêu chí thu nhập từng năm, thì ở Thuận An- xã đang hoàn thành 19 tiêu chí để được công nhận xã NTM- trong đầu năm 2017 đã có thu nhập đạt được con số khá ấn tượng- trên 48 triệu đồng/ người/năm 2016.

Ông Trương Thành Đến- Phó Chủ tịch UBND xã- cho biết: Thuận An có lợi thế hơn một số địa phương khác là nhờ điều kiện đất đai rất phù hợp với các loại cây màu.

Trong đó, thế mạnh là xà lách xoong và rau diếp cá- được bà con quen trồng từ mấy chục năm qua. Đặc biệt, vài năm trở lại đây địa phương thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong nông nghiệp, từ đó mà nhiều nông dân đang phát huy rất tốt.

Chủ tịch Hội Nông dân xã- Lâm Văn Thuận cho biết, hiện bà con nông dân vẫn duy trì 2 loại cây màu chủ lực (xà lách xoong 126ha, diếp cá 70ha), bởi tuy giá bán thấp hơn năm ngoái nhưng bà con vẫn có lời khá.

Trong đó, riêng thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xã đã hỗ trợ gần 70 triệu đồng cho 39 hộ vay đầu tư trồng hai loại cây màu này. Đặc biệt, năm 2016 giá màu ổn định ở mức khá mang lại lợi nhuận cao cho người trồng.

Một công xà lách xoong thu nhập gấp hơn 4 lần lúa, nên diện tích lúa ở Thuận An còn không nhiều, như ấp Thuận Tiến A hoàn toàn không còn trồng lúa.

Riêng năm ngoái, qua những lứa thu hoạch xà lách xoong, nhiều hộ dân đã có thêm nhà mới khang trang (xây mới và sửa chữa nâng cấp). Nhiều hộ làm giàu từ 2 loại màu này như hộ ông Nguyễn Văn Hà, Đào Hữu Do, Nguyễn Văn Phương, Bùi Văn Trọng, Bùi Văn Thọ,…

Nhờ sản xuất theo hướng sạch hơn

Chúng tôi đến với nông dân tiêu biểu Trần Thanh Dũng ở ấp Thuận Phú A. Anh Dũng chia sẻ: “Tôi trồng được hơn 4 công xà lách xoong, thu hoạch lứa này bán giá 4.000 đ/kg.

Mỗi năm thu 7- 8 lứa, tức khoảng 1 tháng rưỡi thì cắt một lứa và mỗi công thu hoạch được khoảng trên 1 tấn. Năm rồi 4 công tôi lời khoảng 200 triệu đồng. Bán cũng khỏe lắm, thương lái các nơi đến mua đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố và tận ngoài đảo Phú Quốc”.

Anh Nguyễn Hoàng Nam- Phó Bí thư chi bộ ấp- giới thiệu chúng tôi đến tìm hiểu chuyện trồng rau diếp cá của hộ anh Bùi Thế Hải ở ấp Thuận Phú B.

Trên ruộng rau tươi tốt thấy ham, Hải cho biết cứ khoảng 2 tháng cắt một đợt khoảng 3 tấn/công, giá hiện tại hơi thấp- 3.000 đ/kg tại ruộng, lợi nhuận cũng tương đương trồng xà lách xoong. Năm rồi có lúc giá sốt lên đến 30.000 đ/kg.

Vô giỏ xà lách xoong để dễ vận chuyển đi tiêu thụ.
Vô giỏ xà lách xoong để dễ vận chuyển đi tiêu thụ.

“Nhưng trung bình giá 6.000- 7.000 đ/kg là bà con có thu nhập khá và sống ổn định”- Trưởng ấp- Nguyễn Hoàng Nam cho biết.

“Bây giờ bà con trồng xà lách xoong, diếp cá thì việc đầu tư vốn và nhân công giảm đáng kể. Trước đây, bà con phải làm giàn tre, che lá dừa cho ruộng xà lách xoong.

Thời gian ngắn nên phải đầu tư tiếp, khá tốn kém. Nay thay bằng trụ đá, che lưới chống nắng nên có thời gian sử dụng lâu hơn.

Còn việc tưới rau trước đây phải tưới từng thùng rất tốn công, nay bơm tưới bằng mô tưa điện hoặc thiết lập hệ thống tưới phun. Khi cần tưới, chỉ bật cầu dao điện trong vài phút là xong cả ruộng rau”- Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm Văn Thuận so sánh.

Anh Trần Thanh Dũng chia sẻ thêm: Trồng các loại rau này rất cần nước tưới. Mỗi ngày tưới nhiều đợt tùy theo thời tiết, phải làm sao giữ cho ruộng rau lúc nào cũng ẩm ướt.

Hiện nay, bà con chúng tôi trồng rau chủ yếu xài phân chuồng có thời gian ủ đúng cách, phân tro rơm,… nên cũng rất hạn chế sâu bệnh, nếu có sâu cũng sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ đúng theo kỹ thuật hướng dẫn của ngành nông nghiệp, đảm bảo chất lượng rau tương đối sạch cung cấp cho thị trường.

Hệ thống bơm tưới rau giảm nhiều chi phí nhân công so với trước đây.
Hệ thống bơm tưới rau giảm nhiều chi phí nhân công so với trước đây.

Đặc biệt, xà lách xoong Thuận An có vị đăng đắng nồng và hậu ngọt mà rau cùng loại nơi khác hiếm có được.

Theo cán bộ Hội Nông dân xã và nông dân trồng rau, ngoài sản xuất theo kinh nghiệm và phương pháp truyền thống, để giữ vững thị trường, phát triển được sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập cho bà con, hướng tới tiếp tục đi vào sản xuất theo hướng sạch hơn nữa và thông qua hợp tác xã để xây dựng được thương hiệu xà lách xoong, diếp cá của Thuận An- Bình Minh đứng vững trong lòng người tiêu dùng gần xa.

Tính đến cuối năm vừa qua, toàn tỉnh có 48/89 xã đạt tiêu chí thu nhập theo quy chuẩn của xã NTM năm 2016. Trong số này có 44 xã nâng lên giữ vững tiêu chí thu nhập và có 4 xã phấn đấu đạt mức thu nhập theo chuẩn mới. Nhưng xã có mức thu nhập vượt trội như Thuận An vẫn chưa nhiều.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh