Tổng điều tra kinh tế nhằm phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế- xã hội của đất nước (*)

06:03, 14/03/2017

Để triển khai và tổ chức thực hiện tốt cuộc Tổng điều tra kinh tế (TĐTKT) năm 2017 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1672/QĐ -TTg ngày 26/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 24/2/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, theo đó, đầu tháng 3/2017 sẽ ra quân Tổng điều tra trên phạm vi cả nước ở giai đoạn 1.

Để triển khai và tổ chức thực hiện tốt cuộc Tổng điều tra kinh tế (TĐTKT) năm 2017 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1672/QĐ -TTg ngày 26/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 24/2/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, theo đó, đầu tháng 3/2017 sẽ ra quân Tổng điều tra trên phạm vi cả nước ở giai đoạn 1.

Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Ẩn- Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ TĐTKT năm 2017 của tỉnh về vấn đề này. Ông Nguyễn Ngọc Ẩn cho biết:

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn.

- TĐTKT năm 2017 thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp nhằm đáp ứng các mục đích sau:

Một là, đánh giá sự phát triển về số lượng cơ sở và lao động của các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bổ của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương;

Hai là, tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) năm 2016 theo Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trong nước trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia;

Ba là, bổ sung số liệu và cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong thời kỳ tiếp theo của ngành thống kê, các bộ, ngành và địa phương.

Để đáp ứng các mục đích nêu trên thì cuộc TĐTKT năm 2017 phải đảm bảo các yêu cầu sau:

(1) Thu thập, tổng hợp và công bố các số liệu có độ tin cậy cao, đầy đủ các nội dung điều tra, đảm bảo tính kế thừa và so sánh với tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012, đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế;

(2) Nội dung điều tra phản ánh xác thực tình hình kinh tế- xã hội, đáp ứng yêu cầu tổng hợp số liệu thống kê chính thức năm 2016;

(3) Giảm số lượng các cuộc điều tra thống kê, tránh trùng chéo trong hoạt động thống kê năm 2017;

(4) Thông tin đầu ra phong phú, chi tiết theo ngành, vùng kinh tế và địa phương; cách thức công bố đa dạng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người sử dụng thông tin;

(5) Khắc phục những hạn chế về nghiệp vụ và tổ chức thực hiện của các lần TĐTKT trước, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

* Vậy trong cuộc TĐTKT năm 2017 thì phương án điều tra quy định thu thập thông tin ở những đối tượng nào?

- Trong cuộc TĐTKT năm 2017, phương án điều tra quy định thu thập thông tin ở các cơ sở đang hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc mọi loại hình kinh tế, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thỏa mãn cả 3 điều kiện sau đây:

- Có địa điểm cố định trên lãnh thổ Việt Nam để trực tiếp thực hiện hoặc quản lý, điều hành các hoạt động thuộc các ngành kinh tế;

- Có chủ thể sở hữu và người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động, có lao động chuyên nghiệp;

- Có thời gian hoạt động liên tục hoặc định kỳ theo mùa vụ hoặc theo tập quán kinh doanh.

Riêng đối với loại hình kinh tế cá thể (không thu thập thông tin các cơ sở thuộc ngành nông- lâm nghiệp, thủy sản đã được điều tra trong TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016)

* Ông có thể cho biết về nội dung điều tra trong cuộc TĐTKT năm 2017 là gì?

- Nội dung điều tra bao gồm 6 nhóm thông tin sau:

(1) Nhóm thông tin chung về cơ sở: thông tin định danh của cơ sở, ngành hoạt động sản xuất kinh doanh, loại hình sở hữu, loại hình tổ chức, cơ sở...;

(2) Nhóm thông tin về lao động và thu nhập của người lao động: thông tin về người đứng đầu cơ sở; lao động của cơ sở; thu nhập của người lao động;

(3) Nhóm thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh: tài sản, nguồn vốn, kết quả, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh; thuế và các khoản nộp ngân sách; vốn đầu tư thực hiện; tiêu dùng năng lượng; tình hình sử dụng công nghệ trong các doanh nghiệp; các chỉ tiêu thống kê chuyên ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 và Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam 2010;

(4) Nhóm thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin: sử dụng máy tính, mạng Internet cho sản xuất kinh doanh; sử dụng hình thức thương mại điện tử qua hoạt động mua, bán hàng hóa, kinh doanh qua mạng Internet;

(5) Nhóm thông tin về tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp: mục tiêu, kết quả tiếp cận và lý do bị từ chối tiếp cận các nguồn vốn;

(6) Nhóm thông tin chuyên đề về doanh nghiệp: đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp chế biến, chế tạo, gia công hàng hóa xuất, nhập khẩu với
nước ngoài.

* Thưa ông, thời điểm, thời gian thu thập thông tin của cuộc TĐTKT năm 2017 thì phương án điều tra quy định như thế nào?

- Theo phương án TĐTKT năm 2017 thì thời điểm điều tra được quy định như sau:

- Khối doanh nghiệp và hành chính, sự nghiệp: ngày 1/3/2017;

- Khối cá thể và khối tôn giáo: ngày 1/7/2017.

Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn được quy định chung cho cả nước cụ thể như sau:

- Đối với khối doanh nghiệp: Tiến hành thu thập thông tin trong 75 ngày, từ ngày 15/3- 31/5/2017;

- Đối với khối hành chính, sự nghiệp: Tiến hành thu thập thông tin trong 60 ngày, từ ngày 1/4- 31/5/2017;

Đối với khối cá thể, tôn giáo: Tiến hành thu thập thông tin trong 30 ngày, từ ngày 1- 30/7/2017.

* Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

HOÀNG MINH (thực hiện)

* Nhan đề do Tòa soạn đặt

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh