Kỳ Son là ấp lớn nhất trong 12 ấp của xã Loan Mỹ (Tam Bình), với 315 hộ/474 hộ là đồng bào Khmer.
Kỳ Son là ấp lớn nhất trong 12 ấp của xã Loan Mỹ (Tam Bình), với 315 hộ/474 hộ là đồng bào Khmer.
Là một địa bàn vùng sâu, nhưng Kỳ Son đang từng ngày “sáng bừng” lên về mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội, những ngôi nhà mới khang trang, những con đường làng lót đan, tráng nhựa mát rượi dưới hàng cây; đặc biệt, những nụ cười rạng rỡ của bà con trước những đổi thay của một vùng quê, đang dần bước qua nghèo khó.
Nét đẹp đường quê ấp Kỳ Son. |
Ở tuổi 88, ông Thạch Tên (ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ- Tam Bình) mới tận hưởng niềm vui trong căn nhà mới.
Dù đến giữa tháng 4 mới được bàn giao nhà nhưng cũng như bà con đồng bào Khmer khác, những ngày này, ông bà Thạch Tên cũng hân hoan chuẩn bị cho cái Tết Chol Chnam Thmay đã gần kề.
Đây là căn nhà được Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long tài trợ hoàn toàn, trị giá 40 triệu đồng/căn.
Anh Sô Phát- Trưởng ấp Kỳ Son- phấn khởi cho biết, trong năm 2016, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đã hỗ trợ cất 22 căn nhà đại đoàn kết.
Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, đã cất thêm được 50 căn và tiếp tục khảo sát 34 căn cho các hộ nghèo của ấp Kỳ Son.
Với trị giá mỗi căn nhà là 40 triệu đồng, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đã giúp cho riêng Kỳ Son trên 100 căn nhà, góp phần rất lớn cho bộ mặt vùng nông thôn sâu này trở nên khang trang hẳn lên.
Điều đáng nói, những ngôi nhà mới chính là cái “nền” để nhiều hộ gia đình phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nếu cứ mãi nghèo khó trong những căn nhà lụp xụp, rách nát thì khó lòng mà nói chuyện xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư, trong cộng đồng phum sóc, ông Thạch Tên luôn miệng cười móm mém và không ngớt lời “mang ơn nhà đài nhiều lắm!”
Câu chuyện “văn hóa” tiếp tục bên vườn cam nhà anh Sô Phát. Anh không giấu được niềm vui, niềm tự hào về gia đình mình cũng như gia đình bên vợ, khi mà mọi người đều có cơ ngơi, việc làm khá tốt.
Trong khi Sô Phát làm cán bộ ấp thì vợ anh- chị Thạch Phước Canha Sô Phonl- cùng 3 người em gái là giáo viên và làm y tế học đường, còn người anh lớn là Thạch Phước Sô Banh đang là Phó Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tam Bình.
Trong khi chúng tôi trò chuyện thì ba vợ anh Sô Phát là ông Thạch Phước lui cui chuẩn bị 2 ly nước, tô cơm và thức ăn, dắt tay đứa cháu ngoại ra ngoài đầu ngõ đứng đợi “dâng cơm cho sư”.
Chú Thạch Kim Thòn- một người uy tín trong đồng bào Khmer- giải thích cho tôi hiểu thêm việc dâng cơm là việc làm thường nhật của đồng bào Khmer, thể hiện lòng tôn kính đối với các vị sư sãi, lòng thành tâm hướng Phật.
Đây cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, vì thể hiện tấm lòng báo hiếu đối với cha mẹ, thông qua nhà chùa, thông qua nhà sư, họ mong được sự cầu an hoặc cầu sự siêu thoát với cha mẹ, ông bà đã khuất.
Chú Kim Thòn cho biết, những ngày này bà con đang bận rộn việc đồng áng, những người làm ruộng thì đang chăm lúa vừa sạ.
Tuy nhiên, mọi người đều nôn nao chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.
Cũng như ngày Tết Nguyên đán của người Kinh, bà con cũng gói bánh tét, dọn dẹp, sửa sang lại căn nhà; nhất là bày trí trang trọng bàn thờ cúng ông bà.
Nhưng mọi nghi thức quan trọng, cũng như những hoạt động vui nhất đều gắn với nhà chùa, đó là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, tâm linh quan trọng nhất đối với đồng bào Khmer.
“Có thể khẳng định rằng, việc “xây dựng đời sống văn hóa” ở ấp Kỳ Son, những năm gần đây được chính quyền quan tâm và nhận được sự đồng tình ủng hộ của bà con trong phum sóc.
Vấn đề điện, nước sạch nông thôn là điểm nổi bật. Bên cạnh đó là những cuộc vận động và công tác tuyên truyền, làm thay đổi nếp nghĩ, bà con ý thức hơn về vệ sinh môi trường”- anh Sô Phát vui mừng cho biết.
Những năm gần đây, nhà cửa trong ấp Kỳ Son khang trang hẳn lên, công việc làm ăn thuận lợi khi có một số đông thanh niên có việc làm ở Khu công nghiệp Hòa Phú, trung bình mỗi người tích lũy được trên 3 triệu đồng/tháng.
Đó cũng là lý do những ngày lễ hội ngày càng đông vui hơn; tệ nạn xã hội giảm hẳn, an ninh trật tự trong phum sóc được giữ gìn.
Anh Sô Phát- Trưởng ấp Kỳ Son, phấn khởi cho biết, với trị giá mỗi căn nhà là 40 triệu đồng, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đã giúp cho riêng Kỳ Son trên 100 căn nhà, góp phần rất lớn làm cho bộ mặt vùng nông thôn sâu này trở nên khang trang. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin