Các địa phương trong tỉnh bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân hơn một tuần qua. Vào những ngày này, nhiều thương lái, người chăn nuôi đến tận ruộng mua rơm sau thu hoạch. Nông dân phấn khởi vì tăng thu nhập từ việc mua bán này.
Các địa phương trong tỉnh bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân hơn một tuần qua. Vào những ngày này, nhiều thương lái, người chăn nuôi đến tận ruộng mua rơm sau thu hoạch. Nông dân phấn khởi vì tăng thu nhập từ việc mua bán này.
Một số nông dân sẵn sàng đầu máy cuộn rơm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. |
Rơm giờ quý lắm!
Hiện, trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ, thậm chí tuyến sông chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh những chiếc xe, ghe chở rơm đầy ắp. Trong đó, các xe tải mang biển số Trà Vinh, Bến Tre chiếm số đông.
Đang mua rơm tại đồng xã Phú Đức (Long Hồ), ông Phạm Văn Hoàng (xã Tân An Hội- Mang Thít) cho biết, nhà có nuôi hơn chục con bò nái, nên cứ đến mùa gặt vụ Đông Xuân là ông lại đến các cánh đồng tìm mua rơm.
Chỉ tay về đống rơm cuộn vừa mua, ông Hoàng bộc bạch: “Tui mua ở đây được gần 9 công rơm, rồi tranh thủ qua đồng khác tìm mua thêm nữa mới đủ cho bò ăn cả năm. Con bò ăn cỏ nhưng phải có thêm rơm thì mới đủ chất dinh dưỡng”.
Theo ông Hoàng, tùy theo rơm đẹp, xấu mà mua giá cao hay thấp. Tuy nhiên, “rơm giờ quý lắm rồi”, ông hỏi mua trễ nên nhiều chủ ruộng tại đây đã bán cho chủ khác, chỉ còn số ít.
Giá mua vì vậy mà tăng hơn, với 140.000 đ/công. Ông cho biết, để về tới nhà mỗi cuộn rơm tốn khoảng 30.000đ. Bởi, ngoài mua rơm, còn phải tốn tiền thuê thêm các chi phí khác như máy cuộn 7.000 đ/bó, thuê xe gom 2.000 đ/bó, thuê xe tải 500.000 đ/chuyến (loại xe chở 100 cuộn/chuyến).
Anh Sơn Hoàng Tha (xã Ngãi Hùng, Tiểu Cần- Trà Vinh)- chủ máy cuộn rơm cũng là người chăn nuôi bò- cho biết: “Năm nay lượng rơm có phần hụt hơn mọi năm trong khi người mua thì nhiều nên giá rơm tăng lên. Giá rơm ở tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long từ 120.000- 150.000 đ/công, còn tại Sóc Trăng giá chỉ từ 40.000- 50.000 đ/công”.
Còn theo anh Văn Thà (Trà Vinh), so với Tiền Giang, Vĩnh Long,… thì giá rơm ở Sóc Trăng rẻ hơn nên ở đây tấp nập người đến mua. “Giá trung bình 50.000 đ/công. Tuy nhiên, do tính thêm tiền thuê chở về quá xa nên giá thành cũng không rẻ hơn là mấy”- anh Thà chia sẻ.
Nhận thấy rơm khan hiếm ở Bến Tre, anh Tư Khá (xã Hòa Bình- Trà Ôn) vốn làm nông nhưng cứ vào vụ Đông Xuân là anh lại đi mua rơm. Anh Khá cho biết: “Tôi thuê người cuộn, người gom, ghe chở sang huyện Giồng Trôm (Bến Tre) để bán, mỗi vụ cũng kiếm được vài chục triệu đồng”.
Bên cạnh, vào vụ rơm, các ghe, xe tải chở thuê cũng kiếm được bộn tiền. “Mùa lúa Đông Xuân, tôi chủ yếu mua lúa trữ trong kho, ghe đậu không cũng buồn nên nhận chở rơm. Một chuyến từ 2- 3 ngày kiếm được vài triệu đồng”- anh Trí Hiểu (huyện Mỹ Tú- Sóc Trăng) phấn khởi nói.
Thuận mua vừa bán
Rơm được thương lái tìm đến tận nơi để mua với giá ngày càng hấp dẫn. |
Lui cui chất rơm xuống ghe, chú Huỳnh Văn Ve (ấp Bến Xoài, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc- Bến Tre) vui vẻ: “Chỗ tui bây giờ rơm hiếm bởi mặn ngày càng nhiều.
Dân chỉ trồng lác, đâu còn làm ruộng nên không có rơm. Tui có 5 con bò, mua đợt này được 7 công rơm, về rồi trở qua làm chuyến nữa”.
Chú Ve chân tình: “Năm ngoái, sốt bò mà sốt vì giá rẻ. Vì nước mặn lên, lúa chết, cỏ cũng không có nên nông dân tung ra bán gần hết. Nhưng bây giờ nhiều nơi trong tỉnh Bến Tre bắt đầu khôi phục đàn bò”. Chúng tôi thắc mắc vì sao hiếm rơm mà vẫn nuôi?
Chú nói: “Từ nào tới giờ nuôi bò, đã trở thành truyền thống nên khó bỏ lắm. Đặc biệt là bò Ba Tri có tiếng. Nhiều người xóa nghèo cũng vì nuôi bò”. “Bán rơm có giá, chủ đất họ vui, mà mình mua được rơm tốt để cho bò ăn cũng mừng không kém”- chú cười phấn khởi.
Năm nào chú Bé Hai (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) cũng tìm mua rơm để trữ cho bò ăn. Theo chú Bé Hai, trung bình mỗi công có 14 cuộn rơm.
“Rơm mà cuộn vậy để 2 năm khỏe re luôn, không hư hao gì. Hồi trước không có máy cuộn phải thuê người, mất thời gian mà chi phí lại cao hơn. Giờ máy cuộn, mình thuê thêm tiền chở tới nhà tốn có buổi là xong”- chú Bé Hai cho hay.
Tương tự, bác nông dân Huỳnh Văn Chỉnh (Ấp 8, xã Mỹ Lộc- Tam Bình) cho biết, nhờ có máy cuốn rơm nên đỡ tốn công hơn trước, thêm vào đó, giá rơm đang được thương lái đến mua tận ruộng với giá cao nên hầu như hiện nay nếu không bán thì cũng để cho bò ăn, ít có cảnh “đốt đồng”.
“Năm ngoái dù có cao mấy cũng từ 50.000- 70.000 đ/công, nhưng năm nay giá 100.000 đ/công. Các tỉnh khác đem xe tải lại đây mua hết cánh đồng, cuốn sạch sẽ luôn. Nhờ vậy mà nhiều bà con cũng có được khoản tiền”- ông Chỉnh nói.
Theo chân một số nông dân, chúng tôi phấn khởi bởi khi nghe họ cho biết, nếu đốt đồng chẳng những mất khoản tiền “trời cho” này lại phải tốn thêm tiền công dọn, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Còn giờ bán rơm tiện lợi cho cả người mua lẫn người bán.
Bài, ảnh: TẤN ANH- NGỌC LIỄU
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin