Khai thác đất mặt ruộng- thiệt hại khôn lường

05:03, 23/03/2017

Việc hạ độ cao đất gò để tạo thuận lợi cho việc canh tác lúa được nông dân áp dụng từ rất lâu đời. Tuy nhiên, việc làm này cho đến nay vẫn mang tính tự phát, trong đó, việc thực hiện sai phương pháp khiến việc cải tạo vô tình trở thành phá hoại mà nông dân không ai hay biết.

 

Ngành chức năng, chính quyền địa phương cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc khai thác đất mặt ruộng.
Ngành chức năng, chính quyền địa phương cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc khai thác đất mặt ruộng.

Việc hạ độ cao đất gò để tạo thuận lợi cho việc canh tác lúa được nông dân áp dụng từ rất lâu đời. Tuy nhiên, việc làm này cho đến nay vẫn mang tính tự phát, trong đó, việc thực hiện sai phương pháp khiến việc cải tạo vô tình trở thành phá hoại mà nông dân không ai hay biết.

Vô tư khai thác

Sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, trên những cánh đồng trơ rạ xuất hiện nhiều máy cày, máy cuốc, xe tải lớn nhỏ,…

Đây không chỉ là những máy móc phục vụ dọn đất, chuẩn bị cho vụ lúa tiếp theo, mà còn là những công cụ để cào lấy đi lớp đất mặt ruộng. Theo lời của nông dân, việc cào lớp đất mặt là việc làm… bình thường, diễn ra từ rất nhiều năm nay.

Ghi nhận của chúng tôi, trên Đường tỉnh 909, 904 đi qua các huyện Tam Bình, Long Hồ, tình trạng cào lớp đất mặt diễn ra khá sôi nổi sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân.

Những chiếc xe cuốc, xe tải hì hục cả ngày lẫn đêm trên những cánh đồng. Những lớp đất mặt được xe cuốc cào trực tiếp với độ sâu từ 10- 15cm, rồi đưa thẳng lên xe tải chở đi khắp nơi. Ngoài việc đất mặt được bán ở các tỉnh khác, đất mặt ruộng còn hiện diện trên các tuyến giao thông, từ nông thôn đến thành thị.

Theo tìm hiểu, tại một số nơi giá bán lớp đất mặt tùy vào độ sâu, thường với độ sâu 10cm giá từ 1- 1,5 triệu đồng/công (1.000m2).

Trên Đường tỉnh 909 đoạn xã Hậu Lộc (Tam Bình), một số nông dân ở ấp Kinh Ngay cho biết, có 2 xe cuốc, hàng chục xe tải (khoảng 1,5 tấn), chạy từ sáng đến 10 giờ đêm “mà làm không kịp”. Tại đây, một số chủ ruộng “cho luôn, có người còn năn nỉ lấy nhiều”, thậm chí với giá 80.000 đ/xe, có người còn “phụ thêm” cho người xin đất 10.000 đ/xe.

Một nông dân ở ấp Thuận An (xã Phú Đức- Long Hồ) cho biết, chị có người quen làm nghề chăm sóc kiểng và mỗi năm, sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân là tìm đất mặt ruộng để mua “nhưng đất gò mà, nên ai cũng cho không”.

Vậy là, sau khi xới đất, chị mướn nhân công xúc đất vào bao, rồi đưa lên xe tải chở bán ở các tỉnh lân cận như Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ. Mỗi vụ, chị xin được khoảng 10.000 bao đất (mỗi bao khoảng 30kg) rồi chở đi bán, “nếu bán không hết tôi vựa lại bán dần dần”.

Không chỉ vậy, việc khai thác lớp đất này để làm vườn, hoặc lấp ao, làm nền nhà cũng diễn ra khá sôi nổi.

“Tui đi xuống Cầu Mới, thấy bà con làm nên bắt chước làm theo. Hồi trước, tới mùa nước nổi thì lấy đất gò, bây giờ đâu có ghe mà được cái có máy móc nên làm dễ hơn. Năm nay có vài người làm, qua năm chắc nhiều dữ lắm, vì đất ở khu này còn gò lắm”- một nông dân ở ấp Thông Quan (xã Phú Đức- Long Hồ) cho biết.

Lấy đất sai phương pháp, nhiều rủi ro

Theo quan sát của chúng tôi, để hạ độ cao đất ruộng, người dân cho xe cuốc hoặc máy cày sâu rồi sau đó lấy đi toàn bộ lớp đất mặt ruộng phía bên trên. Việc làm này liệu có ảnh hưởng gì sau này?

Khai thác sai phương pháp sẽ ảnh hưởng lâu dài.
Khai thác sai phương pháp sẽ ảnh hưởng lâu dài.

Đặt vấn đề này, Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh- cho rằng, việc lấy đất mặt quá nhiều nhất định sẽ bị ảnh hưởng đến sản xuất. Ông phân tích, đất mặt là tầng canh tác, chiếm vị trí rất quan trọng.

Tầng này có lượng phù sa, chứa nhiều dưỡng chất, hữu cơ. Đối với những vùng đất gò cao, không thể chủ động được nước, cỏ dại nhiều sẽ rất khó canh tác, thì bà con lấy đất để hạ tầng độ cao là một trong những giải pháp.

Nhưng theo Ths. Nguyễn Văn Liêm, biện pháp lấy đất cần đặc biệt chú ý. Cụ thể là để hạ độ cao, theo nguyên lý là cào lớp đất mặt, để riêng. Sau đó tiến hành lấy lớp đất dưới. Rồi kế đó chúng ta khỏa lớp đất mặt trả lại để duy trì được tầng canh tác. Tuy vậy, trong những vụ tiếp theo cây lúa vẫn không sinh trưởng tốt.

Vì vậy, để giảm thiệt hại cho sản xuất lúa, giữ được năng suất ở các vụ tiếp theo, bà con cũng cần có biện pháp cải tạo đất. Tức là, tùy theo độ PH đo được mà chúng ta bón số lượng phân lân, bón vôi cho phù hợp. Thêm vào đó, chúng ta phải tăng cường bón phân hữu cơ để trả lại hữu cơ cho đất, đồng thời giúp hấp thu tốt khi bón phân vô cơ.

Theo người trồng lúa, việc bán hoặc cho lớp đất mặt ruộng hầu như diễn ra thường xuyên hàng năm. Và cho đến nay, để hạ độ cao đất ruộng, hầu như toàn bộ chủ ruộng đều bán hoặc cho đi lớp đất màu mỡ này.

Khi trao đổi về cách thức cải tạo đất ruộng, hầu như toàn bộ nông dân đều thực hiện sai, thậm chí không biết đến biện pháp cải tạo, phục hồi cho đất sau đó.

Thêm một điều đáng quan tâm là tình trạng này diễn ra rầm rộ, qua nhiều năm mà đến nay chưa có chính quyền địa phương, ngành chức năng nào can thiệp hoặc hướng dẫn. Việc cải tạo đất dường như đang đi ngược với mục đích của nó?

 

Ai sẽ quản lý?

Theo Sở Tài nguyên- Môi trường Vĩnh Long: “Lớp đất mặt là lớp đất thổ nhưỡng thuộc bên ngành nông nghiệp quản lý. Và UBND tỉnh cũng đã có văn bản giao UBND huyện chỉ đạo phòng nông nghiệp- PTNT các huyện lập “Đề án cải tạo đất nông nghiệp- kết hợp tận thu đất sét”. Liên hệ với Phòng Nông nghiệp- PTNT Tam Bình, được biết đề án trên chỉ đề cập việc khai thác đất gò còn “cù” lại trước đây khi khai thác đất làm gạch (gồm các xã Loan Mỹ, Ngãi Tứ, Bình Ninh và một phần xã Mỹ Thạnh Trung).

  • ™Bài, ảnh: TẤN ANH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh