Điểm mặt dự án giao thông "xương sống" đồng bằng

01:03, 28/03/2017

Cùng với nhiều công trình giao thông (GT) được triển khai trước đó sẽ hoàn thành trong năm 2017- 2018, thì cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận dự kiến triển khai thi công vào quý II/2017; cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ triển khai quý III/2018 sẽ giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng GT và nâng cao năng lực kết nối của vùng ĐBSCL với nhiều tỉnh- thành trong cả nước.

 

Cùng với nhiều công trình giao thông (GT) được triển khai trước đó sẽ hoàn thành trong năm 2017- 2018, thì cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận dự kiến triển khai thi công vào quý II/2017; cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ triển khai quý III/2018 sẽ giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng GT và nâng cao năng lực kết nối của vùng ĐBSCL với nhiều tỉnh- thành trong cả nước.

Cầu Rạch Miễu nối 2 tỉnh Tiền Giang- Bến Tre.
Cầu Rạch Miễu nối 2 tỉnh Tiền Giang- Bến Tre.

Theo một báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về đầu tư, xây dựng GT vận tải khu vực ĐBSCL mới đây, ngoài những dự án GT kết nối các tỉnh- thành trong vùng đang được kêu gọi đầu tư, thì cũng có nhiều dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2017 và 2018.

Cụ thể, gồm dự án mở rộng QL63 đoạn qua nội ô TP Cà Mau, dự án mở rộng QL61B đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị trấn Long Mỹ (Hậu Giang), dự án xây dựng cầu Long Bình (tỉnh An Giang), dự án mở rộng mặt đường QL54 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp và dự án đầu tư xây dựng QL30- đoạn Hồng Ngự- Dinh Bà.

Trong khi đó, với các dự án sử dụng vốn ODA, có 3 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư là 17.508 tỷ đồng, gồm dự án phát triển cơ sở hạ tầng GT ĐBSCL hợp phần đường bộ và đường thủy, dự án đường hành lang ven biển phía Nam và dự án thay thế 27 cầu trên các tuyến quốc lộ.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch- Đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư 17 dự án quan trọng như mở rộng QL91, đoạn từ ngã tư bến xe Trà Nóc; mở rộng QL57 đoạn qua tỉnh Bến Tre; QL61B đoạn qua Sóc Trăng,… với tổng kinh phí khoảng 23.000 tỷ đồng.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng để đáp ứng nhu cầu cho vùng, Bộ Giao thông Vận tải cũng kêu gọi đầu tư xã hội hóa, bằng hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao) gồm dự án nâng cấp QL62 từ Âu Rạch Chanh- Mộc Hóa, cầu Châu Đốc, tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo (giai đoạn 2).

Cầu Cần Thơ sau khi đưa vào sử dụng năm 2010 góp phần không nhỏ phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL.
Cầu Cần Thơ sau khi đưa vào sử dụng năm 2010 góp phần không nhỏ phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL.

Một số dự án trước đây đã dự kiến đầu tư BOT như dự án nâng cấp QL54 tỉnh Vĩnh Long, 5 cây cầu trên QL80 tỉnh Đồng Tháp, tuyến nối ngã năm cầu Cần Thơ- cảng Cái Cui đang được rà soát, xem tính khả thi của các dự án.

Cùng với nhiều công trình GT được triển khai trước đó sẽ hoàn thành trong năm 2017- 2018, thì hệ thống cao tốc đưa vào sử dụng và chuẩn bị đầu tư được cho là “xương sống” thúc đẩy kinh tế- xã hội của vùng phát triển.

Theo báo cáo, hiện có 91km đoạn cao tốc đang khai thác (TP Hồ Chí Minh- Long Thành- Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh-Trung Lương), 106km đang thi công xây dựng (Bến Lức- Long Thành, Trung Lương- Mỹ Thuận). 

Theo đó, dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 14.678 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT, triển khai từ năm 2015, dự kiến thi công từ quý II/2017 và hoàn thành vào quý III/2020.

Nguồn kinh phí hoàn vốn cho dự án sẽ từ 2 nguồn- thu phí đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương (khoảng 11 năm) và thu phí đoạn Trung Lương- Mỹ Thuận (khoảng 20 năm).

Dự án cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 6.384 tỷ đồng theo hình thức BOT, đã được phê duyệt đề xuất năm 2016, hiện đang triển khai công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Tiến độ dự kiến triển khai thi công bắt đầu từ quý III/2018 và hoàn thành vào quý III/2021. Toàn bộ vốn đầu tư cho dự án là vốn vay thương mại, không sử dụng ngân sách.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sau khi kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Sài Gòn- Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ vào đầu tháng 3 đã khẳng định, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh đi Cà Mau, trong đó có đoạn cao tốc Trung Lương- Cần Thơ, là tuyến GT “xương sống” của khu vực ĐBSCL, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế- xã hội của cả khu vực.

Đồng thời, có vai trò kết nối giữa vùng ĐBSCL với khu vực phát triển năng động nhất của cả nước- vùng TP Hồ Chí Minh.

Vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rút ngắn tiến độ 1 năm đoạn Trung Lương- Mỹ Thuận, đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ rút ngắn tiến độ 2 năm để đưa vào khai thác vào năm 2019.

Cùng với vấn đề tiến độ thì dự án phải đảm bảo chất lượng, thiết kế kỹ thuật và thi công công trình.

Ngoài hệ thống đường cao tốc hiện có cũng như đang thi công xây dựng, ĐBSCL còn một số đường cao tốc theo quy hoạch, bao gồm Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng dài 200km, Hà Tiên- Rạch Giá- Bạc Liêu dài 225km và Cần Thơ- Cà Mau dài 150km.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh