Mấy ngày gần đây, trên các trang báo xuất hiện thông tin "hơn nửa triệu đồng một củ khoai lang Nhật", nghe mà hết hồn. Bởi tính ra giá gấp cả trăm lần khoai lang giống Nhật trồng ở Việt Nam luộc sẵn bán rong. Dẫu vậy, khoai này chiếm rất nhiều "cảm tình" của thực khách.
Mấy ngày gần đây, trên các trang báo xuất hiện thông tin “hơn nửa triệu đồng một củ khoai lang Nhật”, nghe mà hết hồn. Bởi tính ra giá gấp cả trăm lần khoai lang giống Nhật trồng ở Việt Nam luộc sẵn bán rong. Dẫu vậy, khoai này chiếm rất nhiều “cảm tình” của thực khách.
Loại khoai lang này nghe đâu nổi tiếng về chất lượng và độ an toàn. Hiện trên thị trường bán loại xắt lát, ép vỉ nilon khoảng 2 miếng/gói, khách mua về chỉ cần làm nóng lại là ăn được ngay. Thêm nữa, món khoai lang này cực kỳ thơm ngon, ngọt hơn khoai lang Nhật trồng ở Việt Nam.
Nói tới đây, hẳn nhiều người liên tưởng tới vùng khoai lang Bình Tân và tự… cảm thấy tiếc! Bởi nói khoai lang xứ mình đâu thiếu, diện tích trồng của Vĩnh Long lớn nhất nhì đồng bằng.
Trong đó, khoai lang giống Nhật hẳn hoi chiếm khoảng 90% diện tích, hàng năm gieo trồng hơn 10.000ha, sản lượng mỗi năm hơn 200.000 tấn. Vậy mà nhiều vụ bán cả tạ khoai cũng chỉ mua... được 1 củ khoai lang xứ người. Quá xót, nhưng ngẫm lại cũng phải thôi.
Dù giống khoai lang Nhật trồng ở Việt Nam thua chất lượng thì đã đành chịu, còn xét về công nghệ chế biến củ khoai xem ra mình càng thua xa.
Anh bạn đi Nhật Bản về cho biết người Nhật rất thích khoai lang, đến nổi xem món này là “đại diện tiêu biểu nhất cho mùa thu Nhật Bản”.
Họ “chấp nhận” không nhiều diện tích nhưng quy trình sản xuất thì phải được quản lý phân thuốc rất nghiêm ngặt nên chất lượng khoai ngon và an toàn.
Và khâu chế biến, bao bì “lên đời” cho củ khoai càng được quan tâm. Như báo chí đã thông tin, khoai nhập từ Nhật được xắt lát mỏng, hấp chín, đóng gói vào túi hút chân không và có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 3- 4 ngày mà vẫn đảm bảo độ ngon của chúng.
Mấy năm gần đây, mấy doanh nghiệp “ngành khoai” cũng nghĩ tới việc chế biến bột khoai lang, rượu khoai lang, tinh bột khoai lang, bánh khoai lang… nhưng chưa mấy thành công, vì thế những “thương hiệu” từ khoai lang cũng chỉ “lưu hành nội bộ”.
Họ tính toán, một củ khoai lang chế biến thành phẩm giá trị gấp vài chục lần củ khoai xuất khẩu thô. Khi đó chỉ cần xuất bán 50% sản lượng khoai mỗi năm, dân trồng khoai cũng trở thành triệu phú. Càng nghĩ càng thấy tiếc!
HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin