Anh bạn xa quê đã lâu vừa về tới đã lên tiếng "cho tôi xin" vài món ăn miền sông nước, bởi đi xa nhớ quá nhưng khó mà kiếm được. Nào là bông súng chấm cá rô kho lạt hay cá linh nấu canh chua bông so đũa.
Anh bạn xa quê đã lâu vừa về tới đã lên tiếng “cho tôi xin” vài món ăn miền sông nước, bởi đi xa nhớ quá nhưng khó mà kiếm được. Nào là bông súng chấm cá rô kho lạt hay cá linh nấu canh chua bông so đũa.
Rồi con tép rong kho nước cốt dừa, con ốc đắng mập ù luộc sả… Anh nói cũng già rồi, ăn uống không bao nhiêu nhưng mỗi món ngon là cả tự tình miền sông nước… nên ăn ở đâu cũng không thấy ngon bằng món quê mình.
Vậy mà, nghe đâu mới đây một doanh nghiệp miệt Đồng Tháp đã tự ý thả nuôi loại tôm hùm đỏ (Procambarus Clarkii) vốn ở nước ta xếp vào “loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại”. Bởi chúng có thể đào hang hóc phá đê bao, kinh mương và gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái bản địa do tính ăn tạp.
Đó là chưa kể chúng còn mang nhiều vi rút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.
Hẳn nhiều người chúng ta vẫn chưa thể quên bài học cay đắng về những loài vật ngoại lai từng du nhập, “xách tay” len lỏi vào miền sông nước, như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ,…
Những con ốc bươu vàng “be bé” đã trở thành nỗi đe dọa cực kỳ nguy hiểm cho “ốc ta” và ruộng đồng. Kể từ đó đến nay, với sự sinh sôi cực nhanh và sức sống “cực khủng” của chúng, nông dân miền Tây đã tốn kém không biết bao nhiêu tiền để tiêu diệt, song, vẫn chưa biết ngày nào mới có thể diệt hết chúng.
Cũng vậy, rùa tai đỏ từng được cho rằng có vẻ ngoài “xinh xinh” với chiều dài chừng gang tay, trên mai có những sọc vàng cam, nên được nhiều người đem nuôi làm cảnh. Trong khi đó, chúng nằm trong danh sách các loài xâm hại toàn cầu và trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.
Vì vậy, cùng với sự quan tâm, quản lý đúng mức của ngành chức năng, mong rằng mọi người hãy hết sức cẩn trọng khi du nhập các sinh vật ngoại lai về nội địa. Bởi chúng có thể mang đến tác hại khôn lường, không chỉ ngay trước mắt mà còn ảnh hưởng rất lâu dài.
Đâu cũng có sông nhưng mỗi nơi mỗi khác. Sông nước miền Tây Nam Bộ với những rặng bần lấp lóe đom đóm đêm khuya, với bông tím lục bình trôi tản mạn, với “bát ngát xa đưa những rặng trâm bầu”… thì xin hãy để những chủng loài của miền sông nước được yên bình, thảnh thơi sinh sôi nảy nở, góp phần tạo nên một miền Tây đặc sắc, khó quên.
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin