Với việc xác định đúng hướng đi, tạo đà cho những thế mạnh truyền thống và nhiều mô hình làm ăn mới, Long Hồ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, đã đem lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân.
Với việc xác định đúng hướng đi, tạo đà cho những thế mạnh truyền thống và nhiều mô hình làm ăn mới, Long Hồ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, đã đem lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân.
Các mô hình vườn cây- ao cá ở các xã cù lao đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: DƯƠNG THU |
Làm tốt công tác quy hoạch
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững” giai đoạn 2014- 2020 trên địa bàn huyện Long Hồ, nhận thức của các cấp các ngành và nông dân về đề án từng bước được nâng lên.
Trước hết, là công tác tập trung tổ chức, sắp xếp lại ngành trồng trọt theo quy hoạch sử dụng đất, trong đó chú trọng sản xuất theo hướng sạch, an toàn, hiệu quả và bền vững.
Long Hồ tiếp tục phát triển mở rộng diện tích cánh đồng lớn, củng cố lại các tổ hợp tác sản xuất nhằm giảm chi phí canh tác, tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhằm đem lại hiệu quả cao hơn.
Trong 3 năm qua, Long Hồ đã triển khai thực hiện 62 mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.
6 công màu của anh Trần Văn Truyền ở xã Long Phước được chuyển đổi từ đất trồng lúa. |
Đối với vùng sản xuất lúa, xây dựng cánh đồng mẫu để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; vùng màu xen lúa phát triển nhiều mô hình theo hướng VietGAP, trồng rau an toàn; riêng vùng cây ăn trái huyện hỗ trợ bà con phòng trị một số bệnh trên nhãn, chôm chôm, chuyển đổi giống cây sạch bệnh có hiệu quả kinh tế cao; đồng thời khuyến khích phát triển du lịch sinh thái là một thế mạnh đặc thù trên 4 xã cù lao.
Việc chuyển đổi vùng rau màu, canh tác theo quy trình đảm bảo an toàn tiến tới tạo dựng niềm tin, xây dựng cho vùng rau sạch xã Phước Hậu là điển hình cho sự thành công của công tác quy hoạch.
Ông Trần Văn Hiền- Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hậu, cho biết: “Trong khoảng 5 năm trở lại đây, rau sạch Phước Hậu đã tạo được niềm tin với khách hàng truyền thống và khách hàng tiềm năng mới; đó là do sản xuất theo quy trình VietGAP và theo điều kiện an toàn; có kiểm tra mẫu rau định kỳ hàng tháng và tập huấn thường xuyên cho nông dân”.
Hiện hợp tác xã có 35 xã viên, canh tác 15ha với gần 20 chủng loại gồm rau ăn lá và rau mùi. Trong đó, các xã viên được tập huấn kỹ thuật, có ý thức chủ động về sử dụng phân thuốc đảm bảo thời gian cách ly.
Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hậu là đơn vị nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiều từ Huyện ủy, UBND huyện Long Hồ, cũng như chính quyền địa phương, với mong muốn dần mở rộng diện tích rau an toàn, xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường.
Đồng thời cũng xây dựng những vùng chuyên canh màu bền vững, tránh những cơn sốt và sự chuyển đổi ồ ạt gây mất cân đối quy hoạch vùng cây trồng, cũng nhằm tránh khủng hoảng thiếu hoặc thừa nông sản.
Những mô hình “trăm triệu”
Chôm chôm là một loại cây trồng thế mạnh của Long Hồ. |
Điều quan trọng là cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã làm chuyển biến tư tưởng, khát vọng làm giàu của nông dân. Qua phát động phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có trên 96% hộ nông dân đăng ký thực hiện với nhiều mô hình phong phú, đa dạng đạt hiệu quả cao.
Điển hình như các mô hình nuôi gà, vịt, trồng màu ở xã Phước Hậu, Phú Quới; trồng chuối già Nam Phi xã Long Phước; nuôi bò sinh sản ở các xã: An Bình, Phú Quới, Thạnh Quới, Phú Đức; nuôi dê sinh sản ở các xã: Long Phước, Hòa Phú, Bình Hòa Phước;...
Anh Võ Văn Nhật (47 tuổi, ấp Phú An 2, xã Bình Hòa Phước) cho biết: “Trước đây, nguồn thu nhập chính là vườn nhưng từ khi nhãn bị bệnh chổi rồng, gia đình lâm vào cảnh khó khăn.
Từ nguồn vốn hỗ trợ, tôi chuyển qua nuôi dê sinh sản, chỉ từ 2 con dê ban đầu giờ đây đã tăng đàn lên 25 con, mỗi con dê cho lợi nhuận vài triệu đồng/năm.
Phát triển vườn cây ăn trái, kết hợp phát triển du lịch tăng hiệu quả kinh tế cao. |
Tôi đầu tư thêm lò bánh mì gặp thuận lợi, nên tổng thu nhập gia đình hàng năm trên 350 triệu đồng. 4 công vườn, tôi chuyển đổi trồng nhãn Ido (Edor) cũng sắp cho trái mùa đầu tiên”.
Điều đáng mừng là việc thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như trường hợp của anh Nhật không phải là đặc biệt.
Có rất nhiều hộ đạt lợi nhuận từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm, như mô hình vườn nhãn Ido của anh Huỳnh Văn Viên (ấp Tân Hòa, xã Tân Hạnh); mô hình vườn- ao- chuồng của ông Nguyễn Văn Tấn (ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú) đạt trên 1 tỷ đồng/năm...
Một điểm chung của bà con nông dân Long Hồ là nắm khá chắc về khoa học kỹ thuật và rất nhạy bén với thị trường. Anh Huỳnh Văn Viên cho rằng: “Làm nông nghiệp bây giờ phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới có hiệu quả, phải am hiểu quá trình sinh trưởng, phát triển của cây mới chủ động theo ý muốn. Thêm nữa là phải nắm bắt được thời điểm thị trường cần hàng thì mới đạt được giá tốt, lợi nhuận cao”.
Đó cũng là trường hợp của anh Đặng Văn Nho (xã Long Phước) khi thấy trồng chuối cấy mô “không ăn” nữa, anh mạnh dạn chuyển qua trồng chuối già Nam Phi, được một công ty ở tỉnh Long An bao tiêu sản phẩm xuất khẩu, trong năm 2016 thu hoạch được 6.000 buồng chuối, lời 140 triệu đồng.
Theo anh Nho: “Nhờ cơ cấu lại nông nghiệp mới làm chuyển biến được nhận thức của nông dân, nhất là việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ đó mới có thu nhập cao”.
Thời gian qua, huyện Long Hồ đã chỉ đạo sản xuất bám sát các điều kiện thực tế của từng địa phương.
Bước đầu huyện đã hình thành và phát triển hình thức sản xuất tập trung theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, tạo sự ổn định trong tiêu thụ nông sản. Từ đây, đã cho ra đời nhiều mô hình “trăm triệu” thậm chí thu nhập bạc tỷ mỗi năm không còn là hiếm nữa.
Phục hồi và phát triển các loại cây ăn trái chủ lực của huyện như: chôm chôm, nhãn, sầu riêng, chanh, bưởi,... tại các xã cù lao. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển một số giống cây trồng mới hiệu quả cao như: nhãn Ido, chôm chôm Thái,... Củng cố các cơ sở sản xuất giống cây sạch bệnh, đa dạng hóa các loại cây trái trên địa bàn huyện Long Hồ. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin