Đã có vài ý kiến về chuyện thời hội nhập nên ăn Tết Tây hay Tết Ta, hoặc gộp cả hai tết làm một… (thật ra, xưa nay ta không "ăn Tết Tây" mà chỉ nghỉ duy nhất một ngày). Xin chưa nói về vấn đề này, chỉ biết rằng, Tết cổ truyền luôn đến từ rất sớm, đâu từ đầu Chạp…
Đã có vài ý kiến về chuyện thời hội nhập nên ăn Tết Tây hay Tết Ta, hoặc gộp cả hai tết làm một… (thật ra, xưa nay ta không “ăn Tết Tây” mà chỉ nghỉ duy nhất một ngày). Xin chưa nói về vấn đề này, chỉ biết rằng, Tết cổ truyền luôn đến từ rất sớm, đâu từ đầu Chạp…
Tết vẫn lặng lẽ đến từ cách mẹ thức sớm tính toán, dành dụm chút tiền bỏ ống heo để mua quà tặng ông bà, may thêm áo mới cho con.
Tết đến từ tháng mười, khi nội lụm cụm lo trồng mấy gốc vạn thọ bên hiên nhà. Hay thật ra, tết đã đến từ hồi… vừa dứt tết năm trước. Khi ba lo hái hết mấy hột mai già để cây không mất sức rồi bón phân, tỉa cành để tết năm sau mai lại nở vàng…
Vậy đó. Với tết Việt, dường như “tốn” nét công phu, sự chăm chút nhiều hơn là tốn tiền. Bởi tết luôn là đi lại, chúc tết người thân, thu dọn trang hoàng nhà cửa, học nấu món tết, làm bánh mứt…
Nhưng tết đã ngày càng gần gũi, thiết thực hơn. Dẫu mua sắm, cũng tính toán sao cho không dư thừa lãng phí. Những món quà, tấm áo, chậu hoa đều là thương yêu trao nhau dịp đầu năm.
Nếu tính về kinh tế, hẳn nền kinh tế tết là cực kỳ khổng lồ. Đây chính là thời điểm đồng vốn xoay vòng nhanh nhất.
Là mùa kích cầu thuận lợi nhất cho nên cũng là động lực khiến các nhà đầu tư “mạnh tay” nhất. Và nếu chọn du lịch là ngành mũi nhọn, không thể nào quên “tết Việt” chính là nét đẹp văn hóa đặc sắc (trong đó có cả văn hóa ẩm thực tết độc đáo) để thu hút khách phương xa.
Song, trộm nghĩ, xin đừng đem “tính tiền” tết. Bởi tết là vô giá. Nền văn hóa tết Việt dường như đã gói trọn nét đẹp truyền thống. Qua những thăng trầm lịch sử hơn bốn ngàn năm, những hủ tục rườm rà dần được lược bỏ, để giữ lại nét tinh hoa.
Tết sum vầy, cúng ông bà tổ tiên, bữa cơm chiều ba mươi, … chính là từng chút một, đã hướng lớp trẻ giữ gìn giềng mối, nhớ về nguồn cội. Ngày mùng một mong an lành sung túc, nói lời hay ý đẹp, chúc tụng mùa xuân là để khởi đầu một năm mới phấn đấu, lao động và học tập.
Đúng như mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Văn hóa không thể đi sau mà phải đi ngang với phát triển kinh tế”- tin rằng cùng với phát triển kinh tế thời hội nhập, Tết cổ truyền sẽ mang nhiều nét mới hơn, đẹp hơn, sung túc hơn và cũng phù hợp hơn.
Vạn vật có bốn mùa “nếu không có cảnh đông tàn/ thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”. Và trong cảnh huy hoàng ấy, tết đến tự lòng người. Tết đến từ hồn dân tộc.
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin