Cái tết khó quên ở cồn Thanh Long

Cập nhật, 15:26, Thứ Ba, 31/01/2017 (GMT+7)

Tết năm ngoái có thể nói là cái tết khó quên của người dân ở cồn Thanh Long (ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện- Vũng Liêm) bởi ba ngày tết cũng là những ngày người dân và chính quyền địa phương nơi đây phải be bờ, đắp đê chống sạt lở và sống chung với đợt xâm nhập mặn chưa từng có.

Bài toán khó chống sạt lở, ngăn mặn, trữ ngọt đang được Vũng Liêm đi tìm cách giải trong năm mới.

Khu vực sạt lở trước đây đã được gia cố.
Khu vực sạt lở trước đây đã được gia cố.

Trở lại cồn Thanh Long

Bình thường, để đến được cồn Thanh Long phải qua 2- 3 bận đò, trong đó có một chuyến đò bao. Lần này, theo chỉ dẫn của chú Điều Công Khanh- một người dân ở cồn Thanh Long, tôi men theo Đường tỉnh 902 đến khu vực bến phà Chánh An (xã Chánh An- Mang Thít), thay vì phải qua phà này rồi đi tiếp qua phà Quới An đi Quới Thiện rồi thêm một chuyến đò bao mới tới cồn Thanh Long, tôi gửi xe và dọ hỏi đi cồn Thanh Long chỉ với một chuyến đò bao.

Do đi từ một hướng khác nên từ dưới đò nhìn lên khó có thể nhận ra nhà của chú Khanh- khu vực vỡ đê bao cách đây gần một năm.

Quay qua hỏi người lái đò, bà hỏi ngược lại: “Ở đây nhiều chỗ sạt lở lắm, biết ghé chỗ nào bây giờ?” Vậy là đò đi gần giáp một vòng quanh cồn mà tôi vẫn chưa định vị được nơi đã 2 lần đến.

Tôi quyết định quay lại nơi có những ao cá bỏ không vì bị sạt lở khá nặng, gần đó là một đoạn đê bao vừa được gia cố cừ và đắp cát chưa hoàn thiện.

Leo lên đoạn đê thì mới nhận ra nhà của chú Khanh lọt thỏm phía bên trong, tới đây mới dám chắc là đã ghé đúng chỗ. “Không lạ sao được, trước còn cây cối phía bờ sông, sạt lở riết rồi trống lổng hết, nhà cũng sắp ra mặt tiền luôn rồi”- chú Điều Công Khanh cho hay.

Trước đây, đoạn cầu tàu trước nhà của chú Khanh vẫn còn cây bàng nhớt, dãy bần cặp mé sông thì nay bị sạt lở hết. Một đoạn đê bao ao cá trước nhà cũng đã bị tuột xuống sông nên vừa được gia cố bằng cừ dừa, cừ tràm, dùng lưới chắn rồi đắp cát lên trên.

Sạt lở khiến những ao cá thông ra sông và có thể đi vào bằng xuồng máy.
Sạt lở khiến những ao cá thông ra sông và có thể đi vào bằng xuồng máy.

Chú Khanh lấy xuồng máy chở tôi đi một vòng quanh để tận mắt chứng kiến những đoạn bờ bao là ranh giới giữa khu nuôi thủy sản và cồn Thanh Long đang sạt lở nghiêm trọng.

Trước đây, khi chủ hộ còn sản xuất thì bao xung quanh khu vực ao nuôi để vừa sản xuất, vừa chống lũ trong khu vực này.

Nhưng hiện nay chủ hộ không còn sản xuất nữa nên việc bảo vệ các bờ bao ngoài bị bỏ ngỏ và sạt lở. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố lở đê bao, tràn nước và nước mặn xâm nhập đúng vào dịp tết năm rồi.

Chú Khanh là một trong số 11 hộ dân sinh sống ở đây chịu ảnh hưởng trực tiếp. Nếu tính cả những hộ dân có canh tác tại đây là 36 hộ với 17ha vườn cây ăn trái.

Thời điểm đó, vườn cây ăn trái tại đây ngâm nước mặn gần một tuần lễ, nhiều diện tích bưởi da xanh, sầu riêng, tắc, đu đủ chết đứng. Những vườn cây trái còn sống sót thì giảm năng suất đáng kể.

Thiếu nước ngọt, có lúc người dân nơi đây phải tìm đến 2 hồ nước mà trước đây được đào để nuôi cá nhưng đã bỏ không để mang về sử dụng. 2 cái ao này hiện đã được thả cá nuôi trở lại nên việc dự trữ nước ngọt cần phải được tính trước.

Chú Khanh cho biết chuẩn bị xây bồn xi măng để chứa nước. Một số hộ dân nơi đây thì mua thêm lu, kiệu để dự trữ nước ngọt dùng sinh hoạt và chăn nuôi. Còn vườn cây? Chú Khanh ngao ngán, với tình trạng sạt lở hiện tại thì khó đoán biết chuyện gì xảy ra, nếu vỡ đê bao thì chịu trận.

Bài toán khó ngăn mặn, trữ ngọt

Theo Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm Hồ Công Nguyên, xâm nhập mặn đã tác động đến 15 xã toàn huyện, trong đó có 8 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp với diện tích 4.000ha.

Cái khó của địa phương hiện nay là khi mặn xâm nhập thì phải đóng các cống để ngăn mặn, trong đó cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông) giữ vai trò rất quan trọng để bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Ngặt nỗi, đóng cống Nàng Âm trong khoảng 10 ngày trở đi là nguồn nước sẽ bị ô nhiễm và thiếu hụt, nước đã qua xử lý cũng không thể sử dụng được.

Do đó, để vừa ngăn được mặn, vừa đảm bảo đủ nước là việc không dễ, đòi hỏi phải điều tiết việc đóng mở cống này thật hợp lý trên cơ sở theo dõi đo mặn chặt chẽ.

Hiện Trạm cấp nước Vũng Liêm phục vụ trên địa bàn 6 xã, huyện đề nghị mở rộng đường ống phục vụ cho 500 hộ dân ở xã Trung Thành Tây, địa bàn chịu ảnh hưởng mặn nhưng chưa có nguồn nước máy sử dụng.

Theo ông Nguyễn Tấn Phát- Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long, hiện Trạm cấp nước Vũng Liêm có công suất 3.000 m3/ngày, người dân sử dụng khoảng 2.200 m3/ngày, do đó việc cấp nước sinh hoạt trên địa bàn vẫn đảm bảo phục vụ cho nhu cầu người dân.

Để cung cấp đủ nước sạch cho sản xuất, dân sinh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã khảo sát các địa bàn mở rộng mạng lưới cấp nước, cũng như phương án xây dựng hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh tại huyện Vũng Liêm.

2 phương án được đưa ra là việc kéo đường ống từ Long Hồ về Vũng Liêm có kinh phí khoảng 180 tỷ đồng, trong khi đó việc xây dựng hồ chứa nước ngọt 100.000m3 có kinh phí thấp hơn, chỉ khoảng 80 tỷ đồng.

Đây được xem là giải pháp cấp bách và cần thiết nhằm cung cấp đủ nước cho sản xuất và dân sinh trong tương lai.

Qua kiểm tra công tác ứng phó hạn, mặn tại Vĩnh Long, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo rà soát lại quy hoạch hệ thống thủy lợi, tuyên truyền trữ ngọt, bảo vệ công trình thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch, xây dựng hồ trữ nước để cấp nước cho sinh hoạt cũng như cần có biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản người dân tại khu dân cư vùng sạt lở.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý, trong điều kiện không có lũ, hạn, mặn xâm nhập thì cần khép kín từng vùng sản xuất và trữ ngọt và giải pháp xây dựng hồ trữ ngọt là khả thi trong thời điểm hiện nay. l

Bài, ảnh: THÀNH LONG