Tri ân công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ cũng là tiếp thêm cho chúng ta niềm tin, sức mạnh và lòng yêu nước, để tiếp bước truyền thống vẻ vang, chung sức chung lòng xây dựng, phát triển quê hương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trương Văn Sáu trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các đơn vị. |
Hòa trong không khí cả nước kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến; 72 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; ngày 19/12/2016, tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức lễ tuyên dương huyện, xã “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, trao thưởng Huân chương Độc lập và bằng Tổ quốc ghi công các gia đình liệt sĩ.
Tri ân công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ cũng là tiếp thêm cho chúng ta niềm tin, sức mạnh và lòng yêu nước, để tiếp bước truyền thống vẻ vang, chung sức chung lòng xây dựng, phát triển quê hương.
Ngày vinh danh vắng Mẹ
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, sự cống hiến, hy sinh của các mẹ, các anh hùng liệt sĩ là vô cùng cao quý, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và là tài sản tinh thần vô giá, trường tồn cùng dân tộc.
Trân trọng tri ân, suy tôn những người cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, được thể hiện bằng các chính sách cụ thể, trong đó có chính sách phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; trao thưởng Huân chương Độc lập và bằng Tổ quốc ghi công các gia đình liệt sĩ.
Thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước, đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, từ sau ngày giải phóng đến nay, Vĩnh Long đã có 16 đợt phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước: Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 2.812 bà mẹ.
Danh hiệu cao quý này là vinh dự cho một cuộc đời nhiều hy sinh... Chỉ tiếc rằng, nhiều mẹ nay đã không còn nữa...
Trong buổi lễ long trọng này, 13 mẹ được tiếp tục truy tặng danh hiệu cao quý, đã góp phần tạo nên truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Tay ôm tấm bằng công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng của mẹ Nguyễn Thị Tình, cô Nguyễn Thị Bé (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) rưng rưng nước mắt: “Tiếc là má tui bệnh mất năm ngoái, không kịp nhận danh hiệu cao quý này, nhưng chắc ở nơi chín suối má tui cũng mãn nguyện lắm”.
Ba của cô Bé là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Truyền, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lúc đó cô vừa tròn 1 tuổi. Anh trai cô- liệt sĩ Nguyễn Văn Bé- đi theo tiếng gọi của Tổ quốc được vài tháng thì mẹ cô nhận tin con trai 14 tuổi của mình hy sinh trong trận càn quét của giặc.
“Má kể, ảnh còn nhỏ mà gan lắm, xung phong bắn xe tăng của giặc. Sau trận càn đó, giặc chôn vùi xác mấy chục người, má hỏi thăm mà không tìm thấy xác của anh. Lúc nhận tin anh mất, tui mới 11 tuổi và đang giữ em mướn trên Sài Gòn.
Thời đó nhà nghèo dữ lắm, về an ủi má được mấy hôm, tui lại xa má để đi mần. Sau thời gian chồng tui bệnh mất, mẹ con tui về quê ở chung với má. Má buồn, má khóc hoài. Má chỉ ước tìm thấy hài cốt của anh”- cô Bé tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Lập rất xúc động khi bà nội mình- Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Hai (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) được vinh danh.
Ông cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tặng và truy tặng danh hiệu cao quý đối với những người mẹ đã chịu nhiều hy sinh mất mát để góp phần cho cuộc cách mạng giành thắng lợi vẻ vang, giải phóng đất nước, mang lại hòa bình độc lập cho dân tộc.
Tự hào truyền thống gia đình cách mạng
Ngày ra đi không trở về của các anh hùng liệt sĩ đã làm nên ngày đoàn tụ, hạnh phúc của biết bao người dân Việt Nam, làm cho đất nước, cho dân tộc hồi sinh.
Ý nghĩa của sự hy sinh ấy mãi trường tồn, niềm tự hào ấy thuộc về các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh mà giờ đây chúng ta có trách nhiệm phải nhân lên và truyền lửa lại cho các thế hệ mai sau tiếp bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thượng úy Trần Thị Minh Nguyệt (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) vinh dự và tự hào khi bản thân được phục vụ trong quân đội tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình.
Chị tâm sự: “Bà nội tôi- Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mười (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) có người con duy nhất là ba tôi- liệt sĩ Trần Minh Chiến- hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Cha tôi hy sinh đến nay vẫn chưa tìm thấy xác”.
Ngày cha hy sinh, chị Nguyệt 7 tuổi, em út vừa tròn tháng. Hôm nay đại diện gia đình nhận Huân chương Độc lập cao quý, chị Nguyệt tự hào nói: “Gia đình sẽ tiếp nối ngọn lửa truyền thống cách mạng, thể hiện lòng tri ân những liệt sĩ đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc bằng những việc làm hữu ích, thiết thực”.
Ông Lê Quang Đạo- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long trao tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho gia đình các Mẹ. |
Từng tham gia nuôi chứa cán bộ cách mạng của tỉnh nhà, công việc dẫu lắm gian nguy, nhưng bà Nguyễn Thị Tư- vợ của liệt sĩ Trần Văn Biển (xã Hậu Lộc- Tam Bình) luôn sẵn sàng góp sức cho cách mạng. Liệt sĩ Trần Văn Biển là con độc nhất của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thại.
Chồng hy sinh, mấy mươi năm qua phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, một mình mẹ Tư gồng gánh nuôi 6 con khôn lớn, trưởng thành.
Mẹ Tư quyết tâm: “Gia đình mình là gia đình cách mạng, mình phải càng gương mẫu hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục giáo dục con cháu lòng yêu nước, tinh thần hy sinh vì sự nghiệp cách mạng Việt Nam”.
Chúng ta là những người may mắn được thừa hưởng nền độc lập, tự do, luôn tự dặn lòng mình phải làm gì để góp phần xoa dịu nỗi đau trong lòng các mẹ. Càng thể hiện rõ đạo lý uống nước nhớ nguồn, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, các thương binh và các gia đình có công với cách mạng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh: Ngoài thực hiện tốt chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, chúng ta phải giáo dục thế hệ trẻ hiểu về nghĩa vụ và bổn phận của mình đối với lịch sử hào hùng của dân tộc, noi gương sự hy sinh cao cả của những anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng để viết tiếp những trang sử vàng trong tiến trình đưa đất nước đi lên trong thời kỳ hội nhập.
|
Dịp này, huyện Bình Tân và 31 xã được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nâng tổng số tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong toàn tỉnh là 83 đơn vị. Có 30 gia đình có công với cách mạng được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập (6 gia đình có 4 liệt sĩ; 18 gia đình có 2-3 liệt sĩ và 6 gia đình có 1 con duy nhất là liệt sĩ). |
- Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin