Kỳ 2: Giúp nhau xóa nghèo bằng "5 + 1"

05:12, 07/12/2016

Xác định công tác giúp nhau xóa nghèo là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, Đại hội BCH Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Bến Tre lần thứ V (nhiệm kỳ 2012- 2017) đã cụ thể hóa thành nghị quyết thông qua "mô hình 5+1" bằng cách vận động 5 hộ khá giàu giúp đỡ 1 hộ nghèo vươn lên. 

Xác định công tác giúp nhau xóa nghèo là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, Đại hội BCH Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Bến Tre lần thứ V (nhiệm kỳ 2012- 2017) đã cụ thể hóa thành nghị quyết thông qua “mô hình 5+1” bằng cách vận động 5 hộ khá giàu giúp đỡ 1 hộ nghèo vươn lên.  Qua đó, đã có gần 1.000 hộ CCB vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ.

Giúp vốn, cho mượn đất

Là đơn vị đầu tiên thực hiện khá thành công “mô hình 5+1”, Hội CCB xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) đã thành lập 11 tổ giúp CCB vượt khó.

Mỗi tổ có 5- 7 hộ khá giàu giúp 1 hộ nghèo vươn lên theo cách “ai cần gì thì giúp đó”, như: hỗ trợ vốn, đất đai, cây con giống, ngày công lao động và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất...

“Điều đáng quý là mọi người rất sẵn lòng giúp nhau. Đến năm 2015, đã xóa dứt điểm hộ CCB nghèo. Hiện, chỉ còn 3 hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều”- ông Phan Thanh Hùng (Tám Hùng)- Chủ tịch Hội CCB xã tự hào khoe.

Bên tách trà, ông Huỳnh Văn Lũy tâm sự: “Khi có chuyện cần là được anh em đồng đội nhiệt tình giúp, tui mừng dữ lắm. Nếu không thì tui không thể nào thoát nghèo được”.

Sau 3 năm sang giúp nước bạn ở chiến trường K, năm 1987, ông Lũy xuất ngũ về quê ở tỉnh Long An với tỷ lệ mất sức lao động 20% do bị sốt cấp tính, rồi lại phải bôn ba làm thuê để lo thuốc men cho vợ bị viêm xoang, u xơ tử cung, loét bao tử, cao huyết áp và con trai bị động kinh.

Cách nay 10 năm, ông Lũy về quê vợ ở ấp Tân Mỹ (xã Tân Thiềng). Không nhà cửa, không đất sản xuất, gia đình ông phải ở nhờ trên đất người quen bên vợ và tiếp tục bươn chải làm thuê.

Ông Lũy (bìa phải) được đồng đội cho mượn đất, mượn vốn chăn nuôi dê.
Ông Lũy (bìa phải) được đồng đội cho mượn đất, mượn vốn chăn nuôi dê.

Để giúp ông vươn lên, Nhà nước đã hỗ trợ cất nhà diện Quyết định 167, Hội CCB đã cho ông mượn đất trồng cỏ, hỗ trợ vay vốn ưu đãi và mượn tiền để phát triển nuôi bò, dê.

“Đến nay, tui đã trả dứt tiền mua nền nhà và mở rộng đàn dê lên 6 con, trị giá trên 30 triệu đồng/con. Vợ tui thì tranh thủ đan thảm để kiếm thêm thu nhập. Nhờ vậy mà cuộc sống ngày càng ổn định hơn”- ông Lũy khoe.

Từ Chợ Lách về, tay ông Nguyễn Văn Thắm (ấp Long Khánh) còn ôm gói quà do đồng đội gửi tặng chúc mừng nhân ngày ông được bàn giao “mái ấm đồng đội”.

Hớp ngụm trà, ông Thắm nói: “Hôm nay, tui chính thức thoát nghèo nhe anh Tám Hùng. Công lớn nhất là nhờ anh và đồng đội. Nếu không được giúp đỡ thì có nằm mơ tui cũng không dám nghĩ đến ngày này”.

Ông Thắm bị mất khả năng lao động và mờ mắt vì hậu quả của bệnh sốt rét rừng ở chiến trường K. (Campuchia), còn vợ ông thì nay đau, mai ốm.

Với 1.600m2 đất được cha mẹ cho ra riêng không đủ trang trải cho gia đình, nhất là khi những đứa con lần lượt ra đời. Bao nhiêu năm “buông dầm, cầm chèo”, vất vả làm mướn mà... nghèo vẫn hoàn nghèo.

Năm 2013, khi Hội CCB xã phát động “mô hình 5+1”, ông Thắm là một trong những hội viên được ưu tiên giúp đỡ.

Đến thăm vườn hạnh (tắc) xanh um với trái căng mọng chi chít nằm chen trong lá, nhìn những gốc cây được vun trồng cẩn thận và không một cọng cỏ, chúng tôi mới hiểu được ông Thắm yêu quý mảnh vườn này dường nào.

“2 công vườn này là do anh Lê Văn Ngưng cho tui mượn, các anh em khác thì người cho cây giống, người hỗ trợ ngày công, hướng dẫn tui cách trồng hạnh”- ông Thắm khoe.

“Phần đất này, nếu cho thuê trồng cây giống trong 5 năm cũng phải có trong tay mấy chục triệu đồng chứ không ít, nhưng vì thương đồng đội còn khó khăn hơn mình nên tui sẵn lòng giúp đỡ”- ông Ngưng tiếp lời.

Vườn hạnh nghĩa tình của đồng đội giúp ông Thắm (thứ 2, bên phải) thoát nghèo.
Vườn hạnh nghĩa tình của đồng đội giúp ông Thắm (thứ 2, bên phải) thoát nghèo.

Hiện, ông Thắm bỏ túi 2- 3,5 triệu đồng/tháng nhờ bán hạnh. Mỗi sáng, ông còn lãnh vé số bán, vợ ông thì đan rế, đan bội để kiếm thêm thu nhập.

Trong căn nhà tường khang trang vừa được xây mới, vợ chồng ông Thắm tiếp chúng tôi với nụ cười rạng rỡ cùng ánh mắt ngời ngời hạnh phúc.

Nhờ có vườn hạnh nghĩa tình, cuộc sống vợ chồng ông ngày càng tốt đẹp hơn “Mọi người đã có lòng giúp thì mình càng phải nỗ lực để không phụ lòng anh em”- ông Thắm cười tươi.

Thay đổi nhận thức, xóa bỏ tư tưởng ỷ lại

Dẫn chúng tôi đi thực tế tại nhiều điểm để tìm hiểu về hiệu quả của mô hình, điều đáng ngạc nhiên là đường đi khá xa và quanh co, nhưng các chú, các anh ở Tỉnh hội, Huyện hội cứ lái xe gắn máy chạy bon bon phía trước từ đường đan vào tận đường đất.

“Là cán bộ CCB, phải nắm chắc cơ sở của mình chứ”- ông Nguyễn Văn Chiến- Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bến Tre cười tươi.

Còn với ông Tám Hùng thì hầu như không có ngày thứ 7, chủ nhật vì ông thường xuyên dành thời gian tới nhà anh em để tìm hiểu đời sống, từ đó có hướng hỗ trợ giúp đỡ thiết thực.

Theo ông Tám Hùng, “mô hình 5+1” được các chi hội xây dựng khá chặt chẽ, có danh sách những người đứng ra giúp đỡ, có phần việc cụ thể của từng thành viên và có phương án làm ăn cũng như thời gian hoàn vốn của người được giúp đỡ.

“Hiệu quả tích cực từ mô hình mang lại là giúp hộ nghèo, cận nghèo có nhận thức đúng, biết chí thú làm ăn, tự vươn lên thoát nghèo là chính, xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ hưởng lợi từ chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”- ông Nguyễn Văn Chiến nói.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số cán bộ hội thiếu “tâm huyết”, thiếu “đột phá vào việc khó” trong tổ chức thực hiện mô hình. Một số nơi chưa giải quyết dứt điểm về tư tưởng cho người nghèo nhận thức rõ “phải tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu” là một vinh dự của người bộ đội Cụ Hồ.

Cuối năm 2013, Tỉnh hội đã tổ chức sơ kết “mô hình 5+1” tại Hội CCB xã Tân Thiềng. Các đại biểu cùng lãnh đạo địa phương đánh giá rất cao và chỉ đạo nhân rộng trong toàn hội và các đoàn thể khác.

Tại hội nghị tổng kết phong trào “CCB đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi giai đoạn 2011- 2015”, Hội CCB tỉnh Vĩnh Long cũng đã đề ra kế hoạch vận động, phân công 4- 6 hộ khá giàu giúp đỡ 1 hộ nghèo bằng nhiều phương pháp phù hợp để giúp hộ nghèo vươn lên.

Mô hình này không chỉ mang tính khả thi, hiệu quả vật chất, kinh tế mà nó còn mang tính nhân văn, kết nối yêu thương giữa người với người.

Hội CCB tỉnh Bến Tre đã xây dựng 1.055 “mô hình 5+1” ở hầu khắp các chi hội, phân hội với gần 5.800 thành viên tham gia.

Bằng nội lực, đã giúp nhau số vốn gần 4,4 tỷ đồng; cho mượn 24.900m² đất sản xuất; hỗ trợ hơn 8.000 ngày công lao động; giúp cây trồng, vật nuôi quy thành tiền gần 2,6 tỷ đồng để tạo điều kiện cho hộ nghèo sản xuất phát triển kinh tế, tăng thu nhập ổn định cuộc sống.

Đến cuối năm 2015, toàn hội đã xóa cơ bản toàn bộ hộ nghèo (gần 1.000 hộ), chỉ còn những hộ thuộc diện bảo trợ. Riêng năm 2016 đã xóa 402 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều.

Kỳ cuối: Những con đường cựu chiến binh tự quản

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- CAO HUYỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh