Mấy chục năm qua, ngành trồng trọt nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đưa các nông sản của Việt Nam "vào top" các nước hàng đầu trên thế giới về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu: gạo, cà phê, tiêu, cao su…
Mấy chục năm qua, ngành trồng trọt nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đưa các nông sản của Việt Nam “vào top” các nước hàng đầu trên thế giới về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu: gạo, cà phê, tiêu, cao su…
Trong thành tựu ấy của nền nông nghiệp Việt Nam, có đóng góp không nhỏ của ngành thủy lợi. Thế nhưng, nền nông nghiệp Việt Nam cũng như ngành thủy lợi lại đang phải đối mặt với thách thức trước tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), nguy cơ đe dọa đến sản xuất, đòi hỏi ngành thủy lợi phải sớm tìm ra “lời giải” để thích ứng với BĐKH, góp phần giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Giải pháp chính trong tình hình biến đổi khí hậu diễn biến khó lường gây hạn, mặn là tưới tiết kiệm nước. Trong ảnh: Nông dân cần trang bị công nghệ tưới tiên tiến hơn.Ảnh: LÊ HIẾU (TP Vĩnh Long) |
Quản lý, sử dụng nước bất cập, lãng phí
Ông Huỳnh Văn Hải (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách- Bến Tre) vẫn còn thảng thốt khi nhớ lại đợt xâm nhập mặn những tháng đầu năm 2016.
Ông bảo: Không thể nào tưởng tượng vùng đất nằm trên sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền) nước ngọt bao quanh lại có thể bị nước mặn xâm nhập.
Vườn sầu riêng khi đó đang trổ bông (ra hoa) khá đều, chưa kịp mừng bỗng dưng thấy bông rụng tả tơi. Gia đình ông tất tả tìm mọi phương cách cứu cây, vườn sầu riêng không chết nhưng một mùa lỡ hẹn cho trái. Lúc bấy giờ ông mới biết là do nước mặn xâm nhập.
Vườn cam, quýt của gia đình anh Trịnh Quốc Cường (ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh- Bình Phước) héo khô, bị chết do hạn hán.
Mặc dù anh đã đầu tư đào tới 3 cái giếng để lấy nước cứu cây (mỗi giếng chi phí khoan 20- 30 triệu đồng). Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp- PTNT hạn hán và xâm nhập mặn nhưng tháng đầu năm 2016 đã “lấy đi” của vùng vựa lúa ĐBSCL 1,2 triệu tấn lúa.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu: BĐKH diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, làm tất cả vùng sản xuất bị đảo lộn.
ĐBSCL nguy cơ ngập tới 1m sau 100 năm nữa, ảnh hưởng tới các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của nước ta.
GS.TS Phạm Hồng Giang- nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn cho biết: Việt Nam có khoảng 800 tỷ m3 nước, tương đối dồi dào, nhưng trước tình hình BĐKH và việc xây dựng nhiều thủy điện ở các nước trong khu vực sông Mekong cho thấy, việc đảm bảo an ninh nguồn nước là vô cùng quan trọng, là một thách thức chúng ta phải giải quyết.
Đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua xảy ra ở khu vực Nam Trung Bộ và ĐBSCL đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Đây cũng là bài học lớn cho Việt Nam trong việc quy hoạch và sử dụng nước.
Ông Phạm Văn Yên- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Tây Ninh thẳng thắn nhận xét: Đối với cây lúa vụ Đông Xuân sử dụng 14.000 m3/ha nước, sử dụng nước lãng phí do được miễn phí.
Các công ty thủy lợi chỉ cấp nước đến cống đầu kinh là hết trách nhiệm, không quan tâm đến việc người dân có nước được sử dụng nước hay không.
Chúng ta phải tính đúng, tính đủ chi phí sử dụng nước. “Chính sách miễn thủy lợi phí mang tính bao cấp rất lớn.
Các công ty khai thác nguồn nước cũng không có động lực phát triển vì được bao cấp tới “tận răng”. Người dân không có nghĩa vụ đóng tiền nên sử dụng nước rất lãng phí.
Hơn nữa, người dân và các công ty thủy nông đang xác định diện tích tưới “ảo”, không đúng thực tế.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Hoàng Văn Thắng nhận xét: Trong thành tích của ngành nông nghiệp những năm qua, có vai trò đóng góp rất quan trọng của thủy lợi.
Tuy nhiên, ngành thủy lợi cũng còn bộc lộ những hạn chế: trong quản lý tổng hợp (tưới, tiêu, nguồn tài nguyên nước, phòng chống thiên tai…) vẫn có sự chồng chéo.
Chúng ta mới chỉ tập trung đầu tư các công trình chống lũ, trong khi đó các giải pháp phi công trình lại chưa được chú trọng. Cùng với đó, quản lý thống nhất các lưu vực sông còn yếu là một trong những nguyên nhân góp phần gây lãng phí nguồn tài nguyên nước.
Tìm lời giải khi nguồn nước khan hiếm
Hạn hán khiến nhiều vườn trái cây ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước) bị chết hồi đầu năm 2016. Ảnh: HÀ VĨNH THÁI (TP Cần Thơ) |
Theo các chuyên gia về nông nghiệp, ngành thủy lợi Việt Nam đang phải đối mặt với 2 vấn đề lớn là đảm bảo an ninh nguồn nước và việc sử dụng nước lãng phí do chính sách hỗ trợ chưa hợp lý của Nhà nước, dẫn tới cạn kiệt nguồn tài nguyên nước.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho hay: Hiện diện tích lúa 7,45/7,8 triệu ha, đạt 96% diện tích trồng lúa có nước tưới.
Trong thời gian tới, ngành thủy lợi không chỉ đảm bảo nước cho cây lúa mà sẽ phục vụ nước sang cho cây trồng khác và phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Việc làm này nhằm sử dụng nước một cách hợp lý đồng thời tăng tính hiệu quả về kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Định hướng Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 nhằm phát triển thủy lợi đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để phát triển nông nghiệp bền vững. |
Để giải quyết vấn đề này, GS. Phạm Hồng Giang cho rằng: Cùng với giải pháp về công trình một cách khoa học, hợp lý, thậm chí những biện pháp tình thế thì giải pháp nữa là phải chuyển đổi cấu trúc của sản xuất ngành nông nghiệp, làm sao đảm bảo tiết kiệm nước, cây trồng có giá trị cao lại sử dụng ít nước (hiện trồng lúa sử dụng tới 80% lượng nước mặt).
Trước tình hình hiện nay, đòi hỏi có sự cam kết mạnh mẽ, mang tính pháp lý của các nước trong việc sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững nhằm giải quyết các thách thức xuyên biên giới đối với vùng ĐBSCL.
Ở trong nước, chúng ta cũng cần có cơ chế phối hợp liên tỉnh, liên ngành, liên vùng để hạn chế những bất cập trong quản lý sử dụng tài nguyên nước.
Chúng ta cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong cách tiếp cận và tư duy phát triển vùng đồng bằng theo hướng trí tuệ, thông thái, lấy tri thức, khoa học công nghệ làm trọng tâm trong ứng phó với BĐKH- Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì ngành thủy lợi cũng phải tái cơ cấu.
Thủy lợi không chỉ chú ý, quan tâm đến cây lúa mà phải chủ trọng đến cây trồng khác và cả nước để phục vụ nuôi trồng thủy sản, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý, sử dụng nguồn nước theo hướng tiết kiệm, đa mục tiêu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Hoàng Văn Thắng: Tưới tiên tiến và tưới tiết kiệm nước là một giải pháp quan trọng. Đã có nhiều nghiên cứu và thực tiễn chứng minh như cây sắn ở Tây Ninh, thông qua tưới tiết kiệm nước năng suất lên đến 50- 70 tấn/ha (hiện nay 25- 30 tấn). Mía cũng vậy, tại Bình Dương và Đồng Nai, tưới tiết kiệm nước giúp tăng năng suất từ 60 tấn lên đến 95 tấn/ha, thậm chí lên hơn 100 tấn/ha. Tưới tiết kiệm nước giúp đạt được rất nhiều vấn đề, như nó sẽ thích ứng trong điều kiện khô hạn, nâng cao năng suất, giảm phát thải, giảm vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu). Đây là những yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển bền vững và đặc biệt, nó giảm các yếu tố bất lợi nhưng tăng được năng suất chất lượng. |
HÀ VĨNH THÁI (TP Cần Thơ)
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin