Số hóa truyền hình mặt đất tại Vĩnh Long: Người dân muốn xem đài cần làm gì?

07:12, 21/12/2016

Nếu đúng theo lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, thì không đầy 10 ngày nữa là đến thời điểm Vĩnh Long và các tỉnh (trong giai đoạn 2) sẽ ngừng phát sóng tất cả các kênh truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất (DVB-T2 ). Như vậy, để xem đài người dân cần làm gì?

 

Ngành chức năng nên tăng cường kiểm tra trước “giờ G” để người dân mua được các đầu thu đúng chuẩn, chất lượng.
Ngành chức năng nên tăng cường kiểm tra trước “giờ G” để người dân mua được các đầu thu đúng chuẩn, chất lượng.

Nếu đúng theo lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, thì không đầy 10 ngày nữa là đến thời điểm Vĩnh Long và các tỉnh (trong giai đoạn 2) sẽ ngừng phát sóng tất cả các kênh truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất (DVB-T2 ). Như vậy, để xem đài người dân cần làm gì?

Có cần mua đầu thu KTS?

Ông Nguyễn Thanh Vũ- Trưởng Phòng Kiểm tra và xử lý (Trung tâm Tần số vô tuyến điện- Khu vực IV) cho hay, “Theo lộ trình, từ 0h ngày 30/12/2016 tới đây, Vĩnh Long và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Hậu Giang sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (trạm phát sóng chính và các trạm phát lại).

Trước thời điểm trên, các kênh truyền hình sẽ phát sóng truyền hình số mặt đất để người dân chủ động chuyển đổi”.

Như vậy, khi nhà đài phát sóng truyền hình số, người xem đài có nhất thiết phải mua đầu thu sóng truyền hình kỹ thuật số mới xem được kênh hay không?

Trả lời vấn đề này, ông Lê Thế Vinh- Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông Vĩnh Long- nói: “Đó là còn tùy thuộc vào hộ gia đình đang sử dụng loại hình gì. Bởi việc tắt sóng tương tự chuyển qua kỹ thuật số này chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhỏ xem truyền hình hiện nay”.

Bởi trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại hình mà người dân đang lựa chọn. Đối với hộ dân sử dụng các loại truyền hình Internet, truyền hình cáp,… hay sử dụng thu sóng vệ tinh (ăng ten chảo), khi tắt sóng sẽ không ảnh hưởng gì, tức người dân vẫn xem được các kênh bình thường, không cần phải mua bất kỳ thiết bị nào khác.

Riêng đối với những hộ sử dụng ti vi đời cũ, những ti vi chưa tích hợp số hóa, đang kết nối sử dụng ăng ten giàn (thu sóng tương tự) thì sẽ không bắt được đài. Và như vậy, khi nhà đài chuyển qua phát sóng số, thì các hộ cũng buộc phải chuyển đổi.

Như đã đề cập, người dân có thể lựa chọn xem truyền hình bằng các cách thức không bị ảnh hưởng bởi số hóa như đã nêu, hoặc trang bị thiết bị mới.

Cụ thể, có thể lựa chọn 1 trong những cách thức như: Một là, hòa mạng truyền hình (sử dụng Internet, cáp- tốn phí). Hai là, trang bị ăng ten chảo (sử dụng sóng vệ tinh- miễn phí). Ba là, mua thiết bị thu sóng kỹ thuật số DVB- T2. Bốn là, trang bị một truyền hình mới có tích hợp thu DVB-T2.

Tuy nhiên, trong các trường hợp trên thì việc lựa chọn trang bị một thiết bị thu sóng truyền hình số mặt đất (DVB-T2) là lựa chọn tối ưu, phù hợp cho mọi đối tượng, đặc biệt là đối với những hộ có thu nhập trung bình, thấp.

Bởi với giá cả như hiện nay (từ 300.000- 500.000 đ/thiết bị), người xem đã có thể xem được các kênh truyền hình có chất lượng cao, đầy đủ những kênh thông tin phổ thông, không phải tốn thêm bất kỳ tiền thuê bao nào khác. Đặc biệt không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như đầu thu sóng vệ tinh.

Chủ động chuyển đổi

Theo tìm hiểu, phần lớn những bạn xem đài từ thành thị đến nông thôn đều nắm được thông tin “Ngừng phát sóng tương tự, chuyển sang phát sóng truyền hình số”, trong đó có một vài hộ đã chủ động mua thiết bị thu sóng kỹ thuật số DVB- T2.

Anh Lê Thanh Tùng ở ấp Nhơn Trí (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) cho hay: “Tui thấy đài thông báo nên mới lắp cho mình”. Với giá mua 500.000đ (đầu thu TOP T2, ăng ten, dây dẫn), anh Tùng có thể xem được gần 70 kênh, chỉ có vài kênh bị trùng lắp mà chất lượng rất tốt.

Theo anh Đỗ Tấn Thành- chủ cửa hàng điện tử (chợ Tam Bình), mặt hàng này được bán hơn một năm nay. Hút hàng là trong đợt EURO 2016 vừa qua và thời điểm nhà đài Cần Thơ tắt sóng. “Còn thời gian gần đây, dù cận kề ngày ngừng phát sóng tương tự mà số lượng người mua chỉ lai rai”- anh Trần Huỳnh Phát Tài- chủ cửa hàng (chợ Vĩnh Long) cho biết.

Theo tìm hiểu, thiết bị thu sóng DVB-T2 được bày bán tại các cửa hàng lớn, nhỏ tại các chợ từ thành thị đến nông thôn. Tùy vào túi tiền mà người dân có thể lựa chọn cho mình một đầu thu phù hợp. Giá cả dao động từ 400.000-500.000đ tùy loại, gồm các hãng như LTP, Hùng Việt, TOP T2, VIC,…

Ngoài ra, nếu chưa có ăng ten, dây dẫn thì người dân phải bỏ ra 100.000đ để mua ăng ten và dây dẫn 15m. Tuy vậy, anh Thành cho hay: “Mình gắn ăng ten cũ vẫn bắt được như thường nhưng tui thấy nó không có êm bằng ăng ten mới”.

Người dân nên lựa chọn đầu thu có công bố hợp quy, dán nhãn hàng hóa.
Người dân nên lựa chọn đầu thu có công bố hợp quy, dán nhãn hàng hóa.

Theo tìm hiểu thực tế, đối với trường hợp mua thiết bị đầu thu DVB-T2, hoặc mua ti vi tích hợp thì việc lắp đặt thiết bị này tại nhà rất đơn giản. Qua thao tác vài bước từ thông tin hướng dẫn của nhà sản xuất kèm theo là có thể bắt được các kênh thông tin miễn phí, thiết yếu với chất lượng tốt.

Đối với những hộ trong diện được Nhà nước hỗ trợ đầu thu, ông Lê Thế Vinh cho biết, Bưu điện Vĩnh Long đã hoàn thành việc lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

Qua thời gian lắp đặt, Trung tâm Tần số vô tuyến điện- Khu vực IV phối hợp với Sở Thông tin- Truyền thông khảo sát, kết quả cho thấy, đầu thu mà hộ gia đình được hỗ trợ đã thu, xem được các kênh ổn định, chất lượng.

Ông Nguyễn Thanh Vũ thông tin thêm, sau khi Vĩnh Long phát sóng truyền hình số mặt đất, người xem ti vi hoặc đầu thu tích hợp DVB-T2 nên thỉnh thoảng “rà” lại đài. Bởi các kênh mới (nếu có) sẽ cộng thêm vào danh sách các kênh thông tin, phục vụ tốt hơn cho mình.

 

Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối 2011. Ưu điểm của truyền hình kỹ thuật số mặt đất là hình ảnh sắc nét, có chiều sâu, loại bỏ hoàn toàn hiện tượng nhiễu và bóng ma, giúp tiết kiệm chi phí phát sóng khi một thiết bị truyền hình kỹ thuật số mặt đất có thể phát sóng nhiều chương trình thay vì chỉ phát 1 chương trình như thiết bị cũ, một phần tài nguyên tần số đồng thời được giải phóng để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.

 

  • ™Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT NHI
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh