Gia đình chính sách: Phát huy truyền thống, tự lực vươn lên

07:12, 19/12/2016

"Hầu hết gia đình chính sách ở xã Trung An (Vũng Liêm) chí thú làm ăn nên kinh tế ổn định, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Họ không có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự lực vươn lên từ ý chí và nghị lực của bản thân"- Chủ tịch UBND xã Trung An Nguyễn Văn Truyền chia sẻ.

“Hầu hết gia đình chính sách ở xã Trung An (Vũng Liêm) chí thú làm ăn nên kinh tế ổn định, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Họ không có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự lực vươn lên từ ý chí và nghị lực của bản thân”- Chủ tịch UBND xã Trung An Nguyễn Văn Truyền chia sẻ.

Bên cạnh, với trách nhiệm và tấm lòng tri ân sâu sắc, chính quyền xã đã thực hiện tốt nhiều chính sách với người có công, giúp bà con “sống khỏe” trên chính quê hương mình.

 

Nhờ chí thú làm ăn nên gia đình thương binh Nguyễn Văn Dũ đã có cuộc sống ổn định và có thêm thu nhập từ nghề đan dớn.

Không ngại khó, không ỷ lại là thương binh, gia đình chú Chưởng tích cực lao động.

Tự lực vươn lên

Được ông Nguyễn Minh Khánh- cán bộ lao động- thương binh và xã hội xã Trung An giới thiệu, chúng tôi tìm đến thăm gia đình thương binh Đỗ Văn Chưởng (64 tuổi) ở ấp An Phước.

Là thương binh 4/4, vết thương trên cơ thể vẫn ngày đêm hành hạ, vậy mà ngày nào chú cũng ra đồng từ sáng sớm, có hôm đến tối mịt mới về. Vợ chú- cô Dương Thị Tươi- sức khỏe không tốt vì mấy năm nay bị thoái hóa khớp, đi lại khó khăn nhưng cũng cố gắng quán xuyến việc nhà và chăm sóc người con trai bị di chứng chất độc màu da cam để chú an tâm lo việc đồng áng.

Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm là chú đã ra đồng cắt cỏ nuôi bò, chăm sóc hơn 3 công lúa, rồi quay sang lên liếp chuẩn bị trồng thêm 2 công bưởi da xanh. “Cực lắm, nhưng mình còn sức thì cố gắng làm lụng để phát triển kinh tế gia đình.Bộ đội Cụ Hồ mà, phải xứng đáng mới được”- chú nói.

Mặc dù được hưởng tiền trợ cấp thương binh hàng tháng và thường xuyên được chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên nhưng chú không ỷ lại mà xem đó là động lực để phấn đấu vươn lên. Trước là làm giàu cho gia đình, sau có thêm điều kiện giúp đỡ những người còn khó khăn hơn.

Còn chú Nguyễn Văn Dũ- thương binh 3/4 ở ấp An Lạc 1- nay đã “sống khỏe” hơn với nghề đan dớn thuê cho cơ sở gia công ở gần nhà. Chú cho biết, sau khi xuất ngũ về địa phương, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, gia đình lại không đất sản xuất nên phải làm thuê đủ thứ nghề từ xịt thuốc mướn, dọn đất,… để mưu sinh.

Nhờ chí thú làm ăn cuộc sống dần ổn định và cất được ngôi nhà tường khang trang. Tuổi cao, không làm được nhiều việc nặng nên vợ chồng chú Dũ nhận đan dớn thuê, thu nhập mỗi người gần 2 triệu đồng/tháng.

Cũng như chú Chưởng, chú Dũ quan niệm: “Thời trẻ xông pha chiến trường được thì nay thanh bình phải phấn đấu nhiều hơn. Có vậy mới xứng đáng những gì Đảng và Nhà nước đã chăm lo cho mình lâu nay”.Theo ông Nguyễn Minh Khánh, đây là 2 cá nhân tiêu biểu trong số những gương điển hình gia đình có công với cách mạng trong xã. Điều đáng trân trọng là bà con không có tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ từ xã hội mà luôn chí thú làm ăn, ổn định cuộc sống và tích cực đóng góp vào các hoạt động xã hội.

Lo gia đình chính sách như người thân

Ông Nguyễn Minh Khánh cho biết, toàn xã hiện có 258 gia đình thuộc diện chính sách, trong đó có 6 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Những năm qua, Đảng ủy, UBND, UBMTTQ xã Trung An đã tổ chức và chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công với cách mạng.

Hàng năm, vào các dịp lễ tết, xã đều có xuất kinh phí và vận động thêm các Mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí tặng các nhu yếu phẩm và khám, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách.

Những lúc đau ốm bệnh tật, xã đều tổ chức đoàn đến thăm, động viên và hỗ trợ kịp thời. Đối với những trường hợp thờ cúng liệt sĩ còn gặp khó khăn về nhà ở nhưng không thuộc diện được quy định trong Quyết định 22 của Chính phủ (phải là con liệt sĩ), xã cũng vận động hỗ trợ sửa sang nhà cửa giúp họ có cuộc sống ổn định hơn.

Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa cũng vừa kịp thời động viên, khích lệ tinh thần để người có công an tâm vui sống, mà còn là điều kiện để họ tiên phong đóng góp lại cho xã hội. Cụ thể, như trong xây dựng các công trình giao thông nông thôn, theo ông Nguyễn Minh Khánh thì các gia đình chính sách luôn gương mẫu đi đầu hiến đất, đóng góp tiền bạc, ngày công lao động.

Không ngại khó, không ỷ lại là thương binh, gia đình chú Chưởng tích cực lao động.
Nhờ chí thú làm ăn nên gia đình thương binh Nguyễn Văn Dũ đã có cuộc sống ổn định và có thêm thu nhập từ nghề đan dớn.

Chủ tịch UBND xã Trung An Nguyễn Văn Truyền cho biết, không chỉ thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước với người có công, xuất phát từ lòng tri ân sâu sắc, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên ý thức được trách nhiệm, tình cảm của bản thân trong việc chăm lo tốt hơn đời sống của gia đình chính sách.

Điển hình như việc trợ cấp tiền chính sách hàng tháng, cán bộ tự nguyện đến từng ấp trao tiền tận tay từng người để đỡ tốn công sức và thời gian đi lại của bà con. “Đường sá xa xôi quá, nhất là các bà mẹ đã tuổi cao sức yếu mà tháng nào cũng phải lặn lội hàng mấy cây số lên tận xã nhận tiền trợ cấp thì coi sao được.

Cán bộ phải xem người có công với cách mạng như người thân của mình để phục vụ tốt hơn là vậy”- ông Nguyễn Văn Truyền nói.

Theo ông Nguyễn Văn Truyền, sắp tới chính quyền địa phương cùng các ban ngành, đoàn thể tiếp tục vận động các Mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để có điều kiện chăm lo tốt hơn cho các gia đình chính sách, đặc biệt là các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Điều này thể hiện trách nhiệm và lòng tri ân sự hy sinh, cống hiến to lớn của những người đã cống hiến một phần xương máu của mình và người thân trong cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc.

  •  

    Cùng với huyện Bình Tân và xã Trung An, các xã Phú Thành, Nhơn Bình (Trà Ôn); Trung Nghĩa, Trung Chánh, Trung Thành Đông, Trung Thành Tây, Tân Quới Trung, thị trấn Vũng Liêm (Vũng Liêm); thị trấn Cái Nhum (Mang Thít); Phú Đức, Long An, Long Phước, Thanh Quới (Long Hồ); Phú Lộc, Long Phú, Tân Phú, Phú Thịnh, Hòa Thạnh, Tân Lộc, Hòa Lộc (Tam Bình); Thành Trung, Thành Đông, Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân); Thuận An, Đông Thạnh, Đông Bình, phường Đông Thuận (TX Bình Minh); Tân Hòa, Tân Hội (TP Vĩnh Long) vinh dự được công nhận danh hiệu Anh hùng Lực Lượng vũ trang nhân dân. Đây là những đơn vị hành chính được tách ra từ những đơn vị hành chính khác trước đây đã được công nhận danh hiệu trên.

    ™Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh