Du xuân- đi phương tiện công cộng tốt hơn

01:12, 28/12/2016

Rượu bia ngày tết vốn không thể thiếu. Bên mâm cơm gia đình có thêm chút rượu tạo sự "ấm cúng" trong ngày tết và cũng tạo không khí vui tươi nồng ấm. Những người làm ăn xa quê, đến khi tết, giỗ chạp mới có dịp về quê, càng phải nhậu chút đỉnh với người thân, hàng xóm…

Rượu bia ngày tết vốn không thể thiếu. Bên mâm cơm gia đình có thêm chút rượu tạo sự “ấm cúng” trong ngày tết và cũng tạo không khí vui tươi nồng ấm. Những người làm ăn xa quê, đến khi tết, giỗ chạp mới có dịp về quê, càng phải nhậu chút đỉnh với người thân, hàng xóm…

Vụ TNGT trên QL1, đoạn thuộc ấp Phú Long B (xã Phú Quới- Long Hồ), 2 thanh niên đi xe mô tô say xỉn rẽ trái không quan sát đã bị xe tải đâm tử vong.
Vụ TNGT trên QL1, đoạn thuộc ấp Phú Long B (xã Phú Quới- Long Hồ), 2 thanh niên đi xe mô tô say xỉn rẽ trái không quan sát đã bị xe tải đâm tử vong.

Năm nay, nghỉ Tết Dương lịch 3 ngày, đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ đi chơi thoải mái. Còn Tết Nguyên đán nghỉ 7 ngày cũng đủ cho người thành thị, người đi làm ăn xa về quê đoàn tụ gia đình và thăm bạn bè, vui chơi. 

Tuy nhiên, việc nhậu nhẹt, rượu chè cần vừa phải để an toàn... đặc biệt là khi có uống rượu bia thì không lái xe tham gia giao thông.

Qua thống kê tại các bệnh viện cho thấy 40% số vụ TNGT có liên quan đến rượu, bia và 11% số người chết do tai nạn liên quan rượu, bia, tỷ lệ này trong dịp tết có thể tăng lên tới 80%.

Theo thống kê của Công an tỉnh, tết hàng năm có khá nhiều người điều khiển môtô, xe máy khi trong máu có nồng độ cồn, đặc biệt, đã có nhiều vụ TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng gây chết nhiều người có liên quan đến rượu.

Tuy nhiên, cũng có một số lớn người ý thức được tác hại của rượu đối với trật tự ATGT, có người cũng do sợ bị phạt nặng theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP…

Ở xa quê, ngày tết người có rủng rỉnh tiền thì thuê ôtô cho cả gia đình về thăm quê, tiện thể… nhậu cũng thoải mái hơn; người có ít tiền thì phải đi môtô, xe máy nên chỉ uống chút đỉnh… rồi ngủ một giấc mới điều khiển xe máy trở lại nhà. Những ngày tết đi thăm bạn bè vòng quanh thành phố thì cũng… đi taxi.

Vì vậy, tết những năm gần đây taxi rất đắt khách. Từ ngày mùng 1 đến hết ngày mùng 3 tết, tổng đài trực các doanh nghiệp kinh doanh taxi luôn bận rộn; cao điểm nhất là ngày mùng 2 và mùng 3.

Có đơn vị doanh nghiệp taxi máy tổng đài luôn bận, khách hàng điện thoại cả giờ vẫn không liên hệ được, có doanh nghiệp thì trả lời xin chờ hoặc bảo hết xe và chỉ qua doanh nghiệp khác, đây là việc hiếm thấy trong thời buổi cạnh tranh thị trường… Nhiều người vẫn khẳng định: “Từ 4 người trở lên mà đi taxi, tính ra rẻ lắm”!

Chị Ri ở Phường 2 (TP Vĩnh Long), tuy chỉ có vợ chồng về thăm bên chồng ngày mùng 1 tết hàng năm, nhưng chị vẫn thuê chiếc taxi 4 chỗ để vợ chồng đi cho tiện.

Chị nói: Ổng có tật nhậu “không say không về” nên bao xe đi cho an toàn, mấy ngày này xe nhiều, mà mấy đứa trẻ chạy cũng thấy ghê quá! Kệ! Chỉ có 1 triệu đồng, mình làm ra được chứ có chuyện gì… thì khó mua được bằng tiền.

Hơn nữa, lâu lâu về quê một lần, cho ổng nhậu với bà con hàng xóm “cho đã”, đi xe này cho ổng nhậu xỉn thì lên xe nằm ngủ, có bác tài đưa về tới nhà, an tâm rồi.

Ông xã chị thì được dịp hả hê: “Mấy năm trước hà tiện, đi xe honda bả sợ nên hổng cho tao nhậu, bây giờ bả chơi sang cho tao nhậu thoải mái rồi”!

Anh Thuận ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) cũng chỉ vợ chồng với đứa con dưới 6 tuổi về quê ở Long Hồ, nhưng anh cũng thuê taxi.

Anh nói: Từ nhà về tới quê hơn chục cây số, tính tiền vừa đi vừa về khoảng 400.000đ. Ngày thường về quê đi xe gắn máy, nhưng ngày tết đi xe này mới yên tâm, vì lượng xe tham gia giao thông nhiều, người nhậu cũng nhiều.

Hơn nữa, ngày thường về thăm ba má chỉ nhậu tại nhà chút đỉnh rồi ngủ, nhưng ngày tết về quê vừa nhậu ở nhà xong phải đi lại nhà chú, bác, cô dì… không nhậu không được. Vì vậy, ngày tết đi taxi là an toàn, giá hơi cao nhưng... đi chơi tết mà!

Anh Vũ ở Phường 2 (TP Vĩnh Long), tết năm rồi về quê nội ở Trà Ôn. Vợ chồng anh cùng với mẹ ruột nhưng phải đi bằng 2 xe gắn máy, vì thuê xe… mắc quá.

Năm 2016, đặc biệt là dịp lễ, tết cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Năm 2016, đặc biệt là dịp lễ, tết cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Anh Vũ nói: Sáng mùng 1 khó kiếm xe, hơn nữa giá cao quá, mất triệu mấy thấy xót ruột vì vậy phải đi xe máy. Thôi kệ, kinh tế mình eo hẹp, đi xe máy, nhậu ít một chút rồi ngủ một giấc để còn lái xe về an toàn.

“Xe máy ngày càng nhiều, tết này chắc phải đặt thuê xe trước để cả nhà về cho an toàn. Về quê còn nhậu với anh em bà con nữa, hơn nữa cũng có con nhỏ.

Kệ, năm nay ráng thuê xe, không được thì cũng đi taxi cho thoải mái và nhậu cũng không sợ vợ nhắc”- anh Vũ tính chắc.

Anh Bùi ở Phường 4, năm trước vợ chồng về quê bằng xe gắn máy, mặc dù vợ anh đang mang thai. Anh nói: “Vợ đang mang thai nhưng phải về mừng tuổi ông bà.

Tết này chạy xe ớn quá nhưng biết làm sao. Đi xe thuê hoặc taxi thì không đủ tiền, vợ chồng em lương công nhân, tết đâu được thưởng bao nhiêu, vậy mà làm sang như người ta thì… còn tiền đâu về quê lì xì cho mấy đứa cháu; đi ôtô mà làm vậy bẽ mặt chết! Thôi kệ, uống “sương sương” 2 chai bia rồi lấy cớ vợ có thai, nằm nghỉ một lát để về, vậy cũng an toàn”.

Anh Tuấn, nhà ở Thanh Đức (Long Hồ), nói: “Tết này ai rủ anh đến nhà ở TP Vĩnh Long nhậu là anh chỉ đi bằng… taxi hoặc ở gần thì “taxi ôm”. Không phải chỉ vì an toàn mà còn vì… sợ bị phạt”.

Anh cho biết, cách đây vài tháng đi đám giỗ, “sung” quá chơi luôn, khi về chạy xe hình chữ S nên bị đo nồng độ cồn và bị phạt 2,6 triệu đồng.

Tởn quá nên… bây giờ đi nhậu là “chơi” taxi hoặc xe ôm. Coi vậy mà nhậu yên tâm hơn, vừa không sợ tai nạn vừa không sợ cảnh sát giao thông…

Còn anh Tý ở Vũng Liêm, lái xe cho doanh nghiệp. Năm trước, chở ông chủ về quê ăn tết, gia đình ông chủ mời quá, rồi anh cũng làm “mấy ve”, khi về bị đo nồng độ cồn đã bị phạt mà còn phạt bổ sung tước giấy phép lái xe 30 ngày.

Anh Tý nói: “Thôi tởn rồi! Tiền nộp phạt 12 triệu, trong thời gian bị tước giấy phép cũng thất nghiệp luôn, mất lương luôn, rồi chi phí đi học lại thi lại lý thuyết để nhận lại giấy phép lái xe… Bởi vậy, tết này đi với sếp không dám nhậu nữa. Còn đi đâu nhậu thì… thuê tài xế khác lái cho chắc ăn”.

Nói chung, người tham gia giao thông cần có nhận thức được việc rượu với trật tự ATGT để an toàn cho bản thân… Nhưng đây cũng là bước đầu tạo ý thức, từ người này có ý thức sẽ làm ảnh hưởng đến người khác. Và mong sao, không chỉ riêng ngày tết, mà ngày thường khi về quê, khi đi đám tiệc chúng ta nên đi xe “dân biểu” cho chắc ăn!

Bài, ảnh: ĐÔNG BÌNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh