Đào tạo nghề cho nông thôn mới

01:12, 28/12/2016

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn được sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện của các cấp, các ngành và từng địa phương. 

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn được sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện của các cấp, các ngành và từng địa phương.

Bởi thiếu việc làm ở khu vực nông thôn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung và xây dựng nông thôn mới (NTM) nói riêng.

Nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo ngành lao động- thương binh và xã hội, năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức được 348 lớp đào tạo nghề cho hơn 8.280 LĐNT, đạt trên 165% kế hoạch.

Trong đó, LĐNT thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, lao động nữ mất việc làm 1.750 người; LĐNT thuộc diện cận nghèo là 618 người.

Tổ chức khảo sát hiện trạng giải quyết việc làm cho 3.030 LĐNT sau khi hoàn thành khóa học nghề trên địa bàn cấp huyện.

Kết quả cho thấy, số LĐNT có việc làm phù hợp theo ngành nghề được đào tạo là 2.531 người, đạt trên 83%; số có việc làm nhưng khác ngành nghề được đào tạo là 263 người, chiếm trên 8%; số chưa có việc làm 236 người, chiếm trên 7%.

Nhìn chung, LĐNT học nghề nông nghiệp được tư vấn, hướng dẫn tạo việc làm, thay đổi kỹ thuật canh tác, sản xuất theo lĩnh vực ngành nghề đã tham gia học và ứng dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị qua học nghề vào thực tế canh tác, sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản… khá tốt; biết ứng dụng kiến thức, kỹ năng học để chuyển đổi loại hình, phương pháp canh tác, phát triển các loại cây trồng, con giống có hiệu quả kinh tế cao,… từ đó tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nhiều lao động.

Thực hành thực tế trồng trọt tại ruộng, thường phát huy hiệu quả cao hơn.
Thực hành thực tế trồng trọt tại ruộng, thường phát huy hiệu quả cao hơn.

Đối tượng học nghề phi nông nghiệp, đa số là nông dân muốn chuyển đổi nghề, tạo cơ hội tìm thêm việc làm hoặc có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động được nhiều thuận lợi hơn.

Đối tượng tham gia học ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống được các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm, để họ tận dụng thời gian nhàn rỗi làm việc, tạo thêm thu nhập.

Ngoài ra, hiện nay các cơ sở dạy nghề luôn chú trọng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ,… nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động.

Nhìn chung, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT luôn có nhiều thuận lợi, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Long nói riêng, đã tạo bước chuyển mạnh mẽ, thu hút nhiều thành phần kinh tế đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động trong tỉnh.

Giúp cơ cấu lao động của tỉnh có sự chuyển dịch ngày càng phù hợp với cơ cấu kinh tế và xu hướng phát triển, tạo nhiều cơ hội việc làm cho LĐNT.

Trong đó, các chính sách hỗ trợ người LĐNT như chính sách hỗ trợ học nghề, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vay tín dụng ưu đãi,… để giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho LĐNT được chú trọng triển khai đồng bộ, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT cũng còn gặp không ít khó khăn. Công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng cả về nội dung đào tạo lẫn cơ sở vật chất; công tác dự báo, tìm kiếm thị trường việc làm đầu ra cho người LĐNT còn nhiều hạn chế.

Lực lượng lao động tại địa phương chủ yếu là lớn tuổi, trình độ văn hóa thấp, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ kỹ thuật mới gặp nhiều hạn chế,…

Còn lao động trẻ hiện nay hầu hết đã làm tại các khu công nghiệp, đô thị lớn, từ đó gây không ít khó khăn trong việc tổ chức đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của
địa phương.

Hướng đến mục tiêu thu nhập xã NTM

Nỗ lực truyền đạt kiến thức nghề, nhưng phần lớn lao động nông thôn nhiều tuổi nên khó ứng dụng và phát huy vào thực tế sản xuất.
Nỗ lực truyền đạt kiến thức nghề, nhưng phần lớn lao động nông thôn nhiều tuổi nên khó ứng dụng và phát huy vào thực tế sản xuất.

Theo lãnh đạo ngành lao động, thương binh và xã hội, để nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm gắn với tạo việc làm mới, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho các xã xây dựng NTM, trong thời gian tới cần tăng cường công tác khảo sát, quy hoạch ngành nghề LĐNT; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo theo nhu cầu tìm việc làm của LĐNT; thực hiện phối hợp đồng bộ giữa đào tạo nghề cho LĐNT theo mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội; tăng cường thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT.

Ngành cũng kiến nghị với BCĐ Trung ương thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án này.

Điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động tham gia học nghề và giải quyết việc làm. Đối với tỉnh cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT; ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ LĐNT tham gia học nghề và giải quyết việc làm; các chính sách về khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, các làng nghề trên địa bàn tỉnh để góp phần thu hút và tạo thêm việc làm cho lao động trong tỉnh.

Các huyện- thị- thành tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện đề án, chú trọng chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT; chủ động bố trí ngân sách huyện, kết hợp ngân sách trung ương, tỉnh và các nguồn huy động xã hội khác để thực hiện các mục tiêu của đề án.

Đồng thời chỉ đạo các xã theo dõi, thống kê hiện trạng học nghề và việc làm của LĐNT làm cơ sở hỗ trợ họ trong quá trình tạo nghề và giới thiệu việc làm sau học nghề.

Chăm lo đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT tốt ngay từ bây giờ thì mới có thể thực hiện đạt mục tiêu theo lộ trình thu nhập bình quân đầu người của xã NTM hàng năm và đến năm 2020 (49 triệu đồng).

Quá trình triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nét nổi bật là mô hình đào tạo nghề trong các doanh nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT luôn đạt hiệu quả cao.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh