Việc mua bán luận văn gây ồn ào mấy ngày qua, khi sinh viên đã tốt nghiệp ở Trường ĐH Cần Thơ bất ngờ phát hiện "đứa con tinh thần" của mình bị rao bán trên mạng, với giá vài chục ngàn đồng.
Việc mua bán luận văn gây ồn ào mấy ngày qua, khi sinh viên đã tốt nghiệp ở Trường ĐH Cần Thơ bất ngờ phát hiện “đứa con tinh thần” của mình bị rao bán trên mạng, với giá vài chục ngàn đồng.
Bạn nữ tốt nghiệp Ngữ văn có nickname Thao Ly kêu trời, vì: “Không thể tin được! Công sức của tui. Vô Trung tâm Học liệu ngồi muốn mòn… dép. Đọc sách muốn lòi… 2 con mắt. Thức đêm thức hôm cả tháng trời ốm mấy ký lô. Quá là buồn”.
Status này nhận được nhiều lượt like và comment, với ý kiến đồng tình “đó là chuyện bức xúc không của riêng ai”. Có người còn ví luận văn tốt nghiệp như là “đứa con mà tui khổ sở sinh ra”, mà bị người ta đem rao bán!
Trước vụ việc này, PGS.TS Đỗ Văn Xê- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết đã chuyển thông tin này để công an truy tìm người upload file và từ đó truy ra người nào cung cấp file cho họ.
Cùng với đó, trên tài khoản Facebook của mình, PGS.TS Đỗ Văn Xê cũng chia sẻ thông tin đại diện của website 123doc (trang web rao bán hàng trăm luận văn tốt nghiệp) đã liên lạc với ông để nhận lỗi, chịu trách nhiệm việc luận văn bị rao bán trên website này.
Đại diện website 123doc gửi lời xin lỗi tới các sinh viên bị chia sẻ tài liệu một cách không mong muốn. Cũng theo đại diện 123doc, website này hiện đang có 2 triệu thành viên, hơn 4 triệu tài liệu. 123doc sẽ cố gắng hợp tác với trường cũng như các sinh viên trong việc truy quét tài liệu vi phạm.
Thật ra, việc mua bán luận văn công khai trên mạng xã hội không còn là chuyện lạ. Vào Google và gõ “mua luận văn” chỉ trong 0,21 giây, chúng tôi nhận được hơn 3 triệu kết quả với rất nhiều thông tin mua, bán nhộn nhịp. Báo chí từng ví von đó là “chợ luận văn” với muôn hình vạn trạng và tất nhiên trên đó có vàng thau lẫn lộn.
Luận văn hay đồ án tốt nghiệp là những công trình mà sinh viên, học viên cao học phải dành thời gian, tâm huyết, trí tuệ nghiên cứu để đóng góp cho xã hội.
Hy vọng cách giải quyết thấu đáo của nhà trường và ngành chức năng, “những đứa con tinh thần” của sinh viên sẽ được trân quý hơn. Đồng thời, khuyến khích sự nghiên cứu khoa học sáng tạo và nối tiếp công trình đi trước một cách khoa học, văn minh hơn.
TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin