Vài năm gần đây, voi thường xuyên xuất hiện từng đàn, phá hoại nương rẫy; gây thiệt hại lớn về lúa và hoa màu, cây ăn trái.
Vài năm gần đây, voi thường xuyên xuất hiện từng đàn, phá hoại nương rẫy; gây thiệt hại lớn về lúa và hoa màu, cây ăn trái.
Do ở giữa vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn nên buôn Đrang Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk thường xảy ra xung đột với voi rừng. Cùng với đó, tình trạng săn bắt, bẫy thú trái phép vừa tác động đến hệ sinh thái của Vườn quốc gia vừa gây thiệt hại về gia súc của người dân.
Đầu tháng 11 vừa qua, sau khi vào thăm rẫy, thấy lúa đã chín rộ, bà Lương Thị Thành ở buôn Đrang Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn thuê máy móc và huy động nhân công để thu hoạch.
Gia đình bà Thành có 1,2ha lúa, bị voi phá hơn một nửa |
Nhưng khi vào đến nơi, bà giật mình vì hơn 1,2ha lúa đã bị voi giày xéo tan hoang, chòi canh rẫy và đồ đạc cũng bị giẫm nát. Bà Thành cho biết, rẫy lúa này năm ngoái thu hoạch hơn 6 tấn thóc, năm nay đã bị voi phá hơn một nửa. Voi phá cả bắp, điều, mía; giẫm đồ dùng của dân rồi tha lên rừng.
Ông Y Nô Huwing – Buôn trưởng buôn Đrang Phôk, xã Krông Na cho biết, do ở giữa Vườn quốc gia Yok Đôn nên nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, trong đó xung đột giữa người và voi ngày càng gay gắt. Vài năm gần đây, voi thường xuyên xuất hiện từng đàn, phá hoại nương rẫy; gây thiệt hại lớn về lúa và hoa màu, cây ăn trái.
Lúc đầu, bà con gõ thùng phuy hoặc xô, chậu gây tiếng động để xua đuổi voi, nhưng lâu dần, chúng trở nên lỳ lợm. Xã thành lập đội đuổi voi, được trang bị loa hú nhưng vẫn không có hiệu quả.
Được hình thành cách đây hơn 30 năm - trước khi thành lập Vườn Quốc gia Yok Đôn - buôn Đrang Phôk, xã Krông Na hiện có 120 hộ với gần 500 nhân khẩu, hầu hết là dân tộc thiểu số bản địa. Cuộc sống của bà con gắn bó với rừng từ lâu, nay lại nảy sinh nhiều xung đột.
Voi con bị mắc bẫy được lực lượng cứu hộ đưa về Vườn quốc gia Yok Đôn |
Trong khi voi rừng thường xuyên phá hoại nương rẫy, thì người dân địa phương lại đặt bẫy thú rừng. Không chỉ thú rừng cạn kiệt, voi con mắc bẫy, mà trâu bò của bà con cũng liên tục bị thiệt hại. Riêng gia đình Buôn trưởng Y Nô Huwing, từ năm ngoái đến nay đã có 4 con bò mắc bẫy.
Sau mấy chục năm ở trong vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn, cách UBND xã Krông Na hơn 20km, cuộc sống bà con ở buôn Đrang Phôk chủ yếu dựa vào rừng và nguồn hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của bộ đội Biên phòng.
Đến nay, nguồn tài nguyên đã cạn kiệt, xung đột giữa người với thú rừng, đặc biệt là voi, ngày càng gia tăng. Chính quyền và ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cần có giải pháp di dời buôn Đrang Phôk ra khỏi Vườn quốc gia Yok Đôn, vừa ổn định cuộc sống cho bà con vừa bảo tồn hệ sinh thái cho vườn quốc gia./.
Theo Quốc Học/VOV-Tây Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin