Nước lên, mưa xuống là ngập nhà, ở gần sông thì lo sạt lở. Đó là hoàn cảnh của nhiều hộ dân ở phường Thành Phước (TX Bình Minh) vào mỗi mùa mưa lũ.
Sạt lở khiến việc đi lại ở một số tuyến đường hết sức khó khăn. |
Nước lên, mưa xuống là ngập nhà, ở gần sông thì lo sạt lở. Đó là hoàn cảnh của nhiều hộ dân ở phường Thành Phước (TX Bình Minh) vào mỗi mùa mưa lũ.
Nguy cơ sạt lở bờ kinh Hai Quý
Năm nào cũng vậy, hễ tới mùa mưa lũ là sạt lở- nhiều hộ dân sống ven kinh Hai Quý cho biết. Dù năm nào ngành chức năng cũng khảo sát, thực hiện gia cố, chằng chống khi có đoạn đê bao bị sạt lở nhưng hễ “chằng khúc này thì khúc khác lở”.
Theo ông Trần Văn Tám- Phó Chủ tịch UBND phường Thành Phước, kinh Hai Quý (khu vực giáp ranh giữa phường Thành Phước- TX Bình Minh và xã Thành Lợi- Bình Tân) bồi ở giữa lòng sông và xói lở 2 bên mé và nguy cơ sạt lở luôn rình rập, hễ bờ bên này sạt lở thì không lâu sau đó sẽ sạt lở tiếp ở bờ bên kia.
Lâu nay, tình trạng sạt lở bờ sông ở tuyến kinh này luôn là nỗi trăn trở của người dân và chính quyền địa phương.
Riêng tuyến đường đan cặp tuyến kinh Hai Quý (qua các khóm 1, 4, 5- phường Thành Phước) có đông dân cư. Vào những lúc triều cường gặp mưa lớn thì việc đi lại của người dân hết sức khó khăn, đường đan rất trơn trợt, khó đi, rất dễ xảy ra té ngã, tai nạn giao thông.
Thời gian gần đây, đoạn đường đan trước nhà ông Trần Thanh Bình (Tổ 8, Khóm 4) đã bị sạt lở đoạn dài 30m, sâu 3m. Sạt lở đã làm mất hết đoạn đường đan, xâm thực vào đến tường rào nhà dân.
Tuy đã được gia cố tạm bằng cừ dừa, cừ tràm và đắp đất lên trên nhưng hiện giao thông qua đây đã bị cắt đứt. Hiện người dân chỉ lót ván tạm trên phần đất đã đắp và đi bộ qua đoạn này. Theo nhiều người dân, đoạn này có nhiều học sinh đi học phải dắt xe đạp rất khó khăn, nguy hiểm.
Nhà kế bên chỗ sạt lở, chị Trần Thị Hoàng Oanh chỉ vào hơn chục chiếc xe máy đậu trước nhà cho hay: “Đường bị lở nên người dân phải gửi xe ở nhà tui rồi lội bộ vô, cực trần thân, nhất là mỗi lúc trời mưa. Đường đan này làm trên 5 năm rồi mà cứ bị lở hoài, nếu không có giải pháp lâu dài thì sớm muộn cũng lở hết”.
Gần đó, đường đan trước nhà của ông Nguyễn Văn Lợi (Tổ 8, Khóm 4) cũng lở mất một đoạn dài 15m, rộng 1,6m. Hiện đoạn này cơ bản đã được gia cố xong.
Riêng đường đan cặp sông Rạch Vồn (Tổ 9, Khóm 5) đoạn trước nhà ông Nguyễn Thành Tây cũng đã sạt lở chiều dài 60m, rộng 1,6m. Trong khoảng thời gian ngắn, những vụ sạt lở liên tiếp xảy ra khiến người dân không khỏi lo lắng.
Còn nhớ cách đây khoảng một năm, đoạn bờ kinh Hai Quý (thuộc Khóm 1, phường Thành Phước) đã sạt lở 20m, ăn sâu vào đất liền đến 4m, khiến 6 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 1 căn nhà sàn (diện tích 4m x 8m) của hộ ông Phạm Thanh Việt bị cuốn trôi cùng một số tài sản.
Theo anh Phạm Thành Việt- hộ dân có căn nhà sàn bị cuốn trôi vì sạt lở thì lâu nay khu vực này chưa xảy ra sạt lở, không ngờ bây giờ lại sạt lở nặng lại bất ngờ nên anh không kịp trở tay. Đến nay, sau nhiều lần gia cố thì đoạn này tạm ổn.
Đoạn sạt lở bờ kinh Hai Quý (Tổ 8, Khóm 4, phường Thành Phước vừa được gia cố tạm). |
Nước lên, mưa xuống ngập nhà
Trong khi khu dân cư vượt lũ thuộc các khóm: 1, 4, 5 thường xuyên bị đe dọa bởi sạt lở bờ sông thì khu dân cư thuộc Khóm 2 lại cho thấy một nguy cơ khác. Do nằm cặp sông Hậu, nhiều hộ dân tại khu vực bến phà Cần Thơ cũ phải thường xuyên sống trong cảnh lội nước. Hễ mỗi khi mưa lớn thì nước lại tấn công khu vực này.
Người dân Khóm 2 (phường Thành Phước) xây gạch trước nhà để ngăn nước. |
Đáng kể nhất, đợt triều cường rằm tháng 9 âl vừa rồi khu vực này ngập khá sâu, nước lên 40-50cm, nhiều xe chết máy do nước ngập khỏi pô xe.
Đang chuẩn bị dọn bán hủ tiếu, chị Nguyễn Thị Muội cho hay: “Nhà tôi ở gần đường ống thoát nước nên mưa lũ tới là nước theo ống cống tràn lên lộ, kéo theo rác thải, nhiều bữa bốc mùi chịu không nổi.
Đoạn đường này hễ mưa lớn hay nước lũ về là ngập nhưng năm nay nước lên cao hơn. Tôi xây thêm 2 cục gạch để ngăn nước vào nhà nhưng cũng không ăn thua”.
Ông Trần Văn Tám-Phó Chủ tịch UBND phường Thành Phước |
Để đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân ở khu vực này, hiện chính quyền địa phương đang triển khai kế hoạch vận động người dân tại các Khóm 4 và Khóm 5 để xây dựng mới tuyến đường giao thông cặp tuyến kinh Hai Quý.
Theo đó, dự kiến thiết kế đường nhựa rộng 6m, lề mỗi bên 3m, chiều dài khoảng 1.300m song song với tuyến kinh Hai Quý và lùi vào bên trong để thuận lợi giao thông, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Công trình đi qua 40 thửa đất của 40 hộ và cần đến 4.220m2 đất hiến để thực hiện. Hiện đã có nhiều hộ dân đồng tình, chỉ còn lại 6 hộ chưa thống nhất nên chính quyền địa phương tiếp tục vận động để công trình sớm được triển khai. |
Nếu như QL53 đoạn qua thị trấn Long Hồ luôn đối mặt nguy cơ ngập nước và xuống cấp thì đoạn QL54 qua phường Thành Phước cũng chịu cảnh tương tự. Đoạn đường thường xuyên bị nước đe dọa kéo dài từ cầu Thành Lợi đến cầu Cái Dầu dài khoảng 1.300m. Đợt triều cường vừa qua, khu vực này có đến 400 hộ có nhà bị ngập nước.
Ông Trần Văn Tám hy vọng dự án nâng cấp QL54 sớm triển khai tại đoạn này bởi nhiều năm nay, người dân nơi đây đã rất vất vả khi phải sống chung với ngập nước. Chưa kể, đây là khu vực đông dân cư, lưu lượng giao thông khá đông, đường quốc lộ thường xuyên bị ngập nước và xuống cấp rất khó để đảm bảo an toàn giao thông.
“Đến hẹn lại lên”- cứ đến mùa mưa lũ, người dân lại bất an vì nỗi lo sạt lở bờ sông, nước ngập nhà, ngập đường. Người dân rất trông mong ngành chức năng sớm có giải pháp lâu dài, căn cơ để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng này.
Bà Chung Thị Xuân (Khóm 4- phường Thành Phước) |
|
“Năm nào cũng sạt lở mà mỗi năm lại càng nhiều hơn và nguy hiểm hơn, tôi thấy rất lo, vì đường này có rất nhiều nhà cặp mé sông, lại có nhiều trẻ em đi học. Chỉ mong sớm có đường khác thay thế chứ đi đường này riết không an tâm”. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN- THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin