Đến tháng 10/2016, huyện Tam Bình đã xuất khẩu 101 lao động, đạt 118,8% kế hoạch năm. Xuất khẩu lao động không chỉ để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động mà còn được huyện xác định là biện pháp giảm nghèo bền vững.
Đến tháng 10/2016, huyện Tam Bình đã xuất khẩu 101 lao động, đạt 118,8% kế hoạch năm. Xuất khẩu lao động không chỉ để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động mà còn được huyện xác định là biện pháp giảm nghèo bền vững.
Lực lượng lao động trẻ ở Tam Bình học tập, lao động ở nhiều nơi và là nguồn xuất khẩu lao động khá dồi dào.Ảnh: VINH HIỂN |
Hiệu quả kinh tế
Bà Nguyễn Thị Thu Ba- Phó Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Tam Bình cho biết: “Thị trường xuất khẩu lao động đang được nhiều bà con trong huyện quan tâm, đặc biệt là đi Nhật Bản”.
Căn nhà xinh xinh nằm ngay chợ Mã Tấu (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) là tổ ấm của vợ chồng anh Đặng Minh Tài và chị Huỳnh Phước Thiện.
Trước đây, họ là công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh). Chị Thiện cười hiền khô: “Làm ở khu chế xuất lương cũng khá, dư chút đỉnh nhưng chúng tôi thấy nhà mình nghèo, rồi sau này kết hôn sẽ càng khó khăn nên muốn xuất khẩu lao động để dành dụm một số vốn làm ăn”.
Nói là làm, chị Thiện và chồng liên hệ trung tâm giới thiệu việc làm để làm thủ tục sang Hàn Quốc. “Lúc về, 2 đứa gom lại dư hơn 1 tỷ. Tiền đó, vợ chồng mua đất, giúp đỡ gia đình và mở cửa hàng này”- chị Thiện cười nhìn lên tấm ảnh gia đình.
Hiện tại, anh Tài mở cửa hàng vật tư nông nghiệp tại nhà, còn chị Thiện nhiều năm nay thành lập cơ sở may gia công. Xưởng của chị có 7 công nhân, thu nhập bình quân mỗi người khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Chị Thiện chia sẻ: “Sau khi tôi sang Hàn Quốc 1 năm thì em gái tôi cũng sang bên đó làm việc. Em tôi mới về nước và đang học thêm tiếng Hàn để làm thông dịch viên”.
Chú Trương Văn Khởi ở Khóm 4 (thị trấn Tam Bình) có con gái và cháu ngoại đang làm việc tại Nhật Bản. Chú Khởi nói: “Con gái tôi học ngành kế toán ra trường không xin được việc làm, 3 năm ra trường là 3 năm đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Phú”.
Không có việc làm đúng chuyên môn, đi làm công nhân đã đành, thu nhập của Trương Thị Thùy Nhung- con gái chú Khởi- cũng chỉ đủ chi tiêu, không dành dụm được.
Chú thở phào: “Nhưng bây giờ tui hết lo cho nó rồi. Nó đi Nhật được gần 1 năm nay, công việc ổn định, mỗi tháng còn dư 23 triệu đồng”.
Cháu ngoại chú Khởi là Nguyễn Giang Bình cũng xuất khẩu lao động sang Nhật dạng thực tập sinh nghề trang trí nội thất. Chú Khởi vui vẻ: “Cháu tui đi chưa đầy năm nhưng cũng lấy lại vốn rồi”.
Và văn hóa
Vợ chồng chị Thiện (hàng trước, thứ 1, 2 từ trái sang) có vốn liếng làm ăn, ổn định cuộc sống nhờ xuất khẩu lao động.Ảnh: CAO HUYỀN |
Môi trường làm việc nước ngoài thường có những đòi hỏi cao hơn trong nước về tính nghiêm túc, siêng năng và cẩn trọng trong công việc. Tác phong công nghiệp, văn hóa ứng xử,… là những điều mà nhiều lao động Việt Nam học hỏi từ nước ngoài.
Thùy Nhung sang Nhật Bản vừa học vừa làm nghề in và đặc biệt là học văn hóa. Chú Khởi chỉ chiếc máy tính bàn, nói: “Chiều tối nào tui và vợ cũng nói chuyện với con trên mạng cho đỡ nhớ.
Nó kể nào chuyện ra đường gặp người quen phải cúi chào, vô công ty gặp ai cũng phải cúi chào. Người được chào cũng sẽ chào lại dù là cấp trên của mình. Rồi nào là rác ở Nhật phải phân ra làm 6 loại, nếu phân không đúng thì xe rác sẽ không nhận,..”.
Chú Trương Văn Khởi cho biết: Tôi tính sơ sơ sau khi đi 3 năm về có thể dành dụm được 500 triệu. Số tiền này làm trong nước không biết khi nào mới tích góp được. Khi về nước, con tôi sẽ được công ty giới thiệu việc làm nên tôi rất yên tâm. |
Chị Thiện cho rằng: “Người Hàn Quốc rất chú trọng thời gian, họ đòi hỏi mình không chỉ đi làm đúng giờ mà còn phải đi sớm hơn khoảng 15 phút”. Anh Nguyễn Vũ Phương (xã Mỹ Thạnh Trung) sang Nhật làm việc và về nước gần 2 năm nay.
Em trai của Vũ Phương là Nguyễn Hải Phương cũng sang Nhật làm việc từ đầu năm 2016. Vũ Phương cho biết: “Tôi nghĩ, bạn nào muốn sang Nhật làm việc thì phải chịu khó, chịu làm việc theo đúng yêu cầu công ty và phải có tính kỷ luật. Mỗi ngày tôi đều đi làm sớm 10 phút, có một hôm tôi đi sớm 5 phút đã bị ông chủ hỏi rồi”.
Điều đáng mừng ở Tam Bình là dường như mỗi cán bộ xã- phường đều hiểu rõ về xuất khẩu lao động. Anh Nguyễn Thanh Lâm- cán bộ lao động thương binh thị trấn Tam Bình- nhớ rõ từng hoàn cảnh người xuất khẩu lao động. Anh Lâm vui vẻ: “Có thông tin xuất khẩu lao động gì mới, tôi cho bà con hay liền”.
Đến với ấp vùng sâu Sóc Rừng (xã Loan Mỹ) thì chuyện xuất khẩu lao động cũng không còn xa lạ. Cô Thạch Thị Thành- người dân trong ấp- vui vẻ cho biết: “Tui có con trai đang học lớp 12, nó cao ráo khỏe mạnh lắm.
Đợt này tốt nghiệp xong, tui cho nó đi Nhật làm. Nghe nói được Nhà nước hỗ trợ nên chỉ tốn khoảng hơn 20 triệu mà thôi”.
Xuất khẩu lao động không chỉ tăng thu nhập cho người lao động để cho họ có một số vốn khi về nước, mà đây còn là thời gian cho lao động học tập, rèn luyện. Để đẩy mạnh xuất khẩu lao động, huyện phối hợp với đài truyền thanh thông báo mỗi khi có đơn hàng mới.
Song song đó, hiệu quả từ những lao động đã đi nước ngoài về tạo thành động lực cho nhiều lao động ở Tam Bình mặn mà hơn với xuất khẩu lao động.
Nghị định 61/2015/NĐ- CP quy định về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Có 2 nhóm đối tượng được hỗ trợ: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của pháp luật; Người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, người lao động được vay tối đa 100 triệu đồng (tín chấp tối đa 50 triệu đồng, vay thế chấp tối đa 50 triệu đồng). |
CAO HUYỀN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin