Sẽ có đê bao dọc sông Hậu

01:11, 23/11/2016

Bên cạnh nỗi lo triều cường, một số khu vực ven sông Hậu luôn đứng trước nguy cơ sạt lở rất cao. Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đê bao dọc sông Hậu. 

Bên cạnh nỗi lo triều cường, một số khu vực ven sông Hậu luôn đứng trước nguy cơ sạt lở rất cao. Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đê bao dọc sông Hậu. Khi được đầu tư hoàn thành, dự án này góp phần quan trọng đảm bảo sản xuất, dân sinh.

Triều cường, sạt lở đe dọa đến cuộc sống người dân sống cặp sông Hậu.
Triều cường, sạt lở đe dọa đến cuộc sống người dân sống cặp sông Hậu.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, vùng trọng điểm lũ và chịu ảnh hưởng lũ mạnh nhất của tỉnh là vùng Bắc QL1 (giáp tỉnh Đồng Tháp) và các cù lao trên sông Tiền, sông Hậu chiếm diện tích khoảng 37.500ha.

Nước lũ chảy vào nội đồng theo 2 hướng, từ sông Tiền và sông Hậu chảy theo các trục kênh chính vào. Tình hình ngập lụt cũng xảy ra gần như hết diện tích, các khu vực còn lại tập trung ở những vùng trũng mà chủ yếu vùng giữa là vùng giáp nước của 2 sông Cổ Chiên và sông Hậu.

Nước lũ thoát theo 2 hướng ra sông Cổ Chiên và sông Hậu. Đỉnh lũ hàng năm thường xuất hiện từ trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 11, có năm kết hợp triều cường mức nước cao kéo dài tới tháng 12.

Bình Tân nằm ven sông Hậu, nếu gặp bão đổ bộ ngay thời điểm lũ thượng nguồn đổ về, cùng lúc xuất hiện mưa to kéo dài, kết hợp với triều cường sông Hậu đang cao thì nhiều khả năng lũ sẽ ảnh hưởng trên diện rộng.

Các điểm nóng có khả năng ảnh hưởng thiên tai được xác định tại các vàm kinh, sông tạo nguồn nối liền ra sông Hậu cũng như các ao, lồng bè nuôi cá ven tuyến sông này.

Khi có bão, nước sông Hậu dâng cao dễ bị tràn, sạt lở bờ bao. Đặc biệt, bão có khả năng nhấn chìm các phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa từ Bình Tân vượt sông Hậu sang TP Cần Thơ trong mùa mưa bão.

Nguy cơ sạt lở, xâm thực cũng được nhận diện ở các địa điểm tiếp giáp sông Hậu thuộc các xã: Tân An Thạnh, Tân Bình, Tân Quới, Thành Lợi.

Hàng năm, những nơi này đều bị sạt lở, xâm thực vào đất liền. Riêng khu vực từ cống số 2 đến vàm kinh Hai Quý vào cầu Chợ Bà (ấp Thành Phú- xã Thành Lợi) đang sạt lở cục bộ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Một điểm sạt lở đê bao nguy hiểm cặp tuyến sông Hậu.
Một điểm sạt lở đê bao nguy hiểm cặp tuyến sông Hậu.

Hàng năm, triều cường đã làm cho nhiều tuyến đường đan nằm dọc theo tuyến kinh Hai Quý và kinh Chú Bèn bị ngập từ 3- 4 tấc.

Đáng kể nhất là tình hình sạt lở ven sông Hậu diễn biến phức tạp, kinh Hai Quý thuộc ấp Thành Phú có nhiều hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm cần phải di dời để đảm bảo an toàn. Do cặp sông Hậu, khu vực bờ sông thuộc ấp Tân Vinh, xã Tân Quới cũng luôn bị đe dọa sạt lở nặng.

Còn tại TX Bình Minh, đoạn đường dài khoảng 1.300m thuộc phường Thành Phước thường xuyên bị nước đe dọa kéo dài từ cầu Thành Lợi đến cầu Cái Dầu. Đợt triều cường vừa qua, khu vực này có đến 400 hộ có nhà bị ngập nước.

Ông Trần Văn Tám- Phó Chủ tịch UBND phường Thành Phước cho biết, nhiều năm nay, người dân nơi đây đã rất vất vả khi phải sống chung với ngập nước do nằm cặp tuyến sông Hậu. Triều cường, nước sông Hậu dâng lên thì chịu trận, không tránh đi đâu được.

Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đê bao dọc sông Hậu. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long).

Mục tiêu dự án nhằm kết hợp đồng bộ với hệ thống thủy lợi hiện có, đảm bảo yêu cầu chống lũ, triều cường phục vụ sản xuất, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân địa phương, đồng thời còn góp phần cải tạo môi trường, phát triển mạng lưới giao thông,…

Theo đó, quy mô đầu tư xây dựng nâng cấp đê bao dọc sông Hậu với chiều dài 26,319km, chiều rộng mặt đê bao 6,5m, cao trình mặt bờ bao +2,7m. Riêng kè bảo vệ bờ sông Hậu tại TX Bình Minh có chiều dài 1.285m, cao trình đỉnh kè +2,7m, bề rộng đường giao thông sau kè rộng 7m, tải trọng 8 tấn. Chiều rộng vỉa hè mỗi bên đường 3m, có bố trí công viên cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng.

Dự án còn xây dựng mới 4 cống hở, kiên cố hóa 7 đập cũng như thay mới các bộng tròn dưới đê bao đã hư hỏng. Địa điểm xây dựng tại các xã: Tân An Thạnh, Tân Bình, Tân Quới (Bình Tân), Mỹ Hòa, phường Thành Phước (TX Bình Minh), Tích Thiện, Thiện Mỹ (Trà Ôn). Diện tích sử dụng đất 22,68ha.

Phương án bố trí tuyến và mặt bằng công trình nằm dọc theo tuyến sông Hậu phù hợp với quy hoạch xây dựng phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực.

Dự án đê bao dọc sông Hậu có kết cấu công trình gồm nâng cấp đê bao dọc sông Hậu, kè bảo vệ bờ sông, cống hở, kiên cố cống đập. Hình thức đầu tư gồm nâng cấp kết hợp xây dựng mới. Tổng mức đầu tư trên 337 tỷ đồng. Từ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trong giai đoạn 2016- 2020 (khoảng 300 tỷ đồng) và nguồn vốn ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện từ 2017- 2020.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN- LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh