Quy hoạch, sử dụng đất sao cho hiệu quả

01:11, 10/11/2016

Theo chân đoàn khảo sát của Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh về việc thực hiện phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) 5 năm kỳ đầu 2011- 2015 tại các địa phương cho thấy: việc chuyển mục đích trong nội bộ đất nông nghiệp- chủ yếu tập trung chuyển từ đất lúa sang đất trồng cây lâu năm, đã mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân. 

Theo chân đoàn khảo sát của Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh về việc thực hiện phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) 5 năm kỳ đầu 2011- 2015 tại các địa phương cho thấy: việc chuyển mục đích trong nội bộ đất nông nghiệp- chủ yếu tập trung chuyển từ đất lúa sang đất trồng cây lâu năm, đã mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, việc QHSDĐ vẫn còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, thực hiện dự án VLAP cũng còn không ít khó khăn.

Tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ người dân để hoàn thành dự án VLAP.Ảnh mang tính minh họa
Tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ người dân để hoàn thành dự án VLAP.Ảnh mang tính minh họa

Nhiều biến động trong chuyển mục đích sử dụng

Qua khảo sát việc thực hiện phân bổ chỉ tiêu QHSDĐ đến năm 2020 và KHSDĐ 5 năm kỳ đầu 2011- 2015 tại các địa phương cho thấy: việc chuyển mục đích trong nội bộ đất nông nghiệp có sự biến động tương đối lớn, chủ yếu tập trung chuyển từ đất lúa sang đất trồng cây lâu năm mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.

Tại Vũng Liêm, đạt 136,89%, Trà Ôn (184,65%), Mang Thít (233,3%) so kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015.

Nhìn chung, công tác quản lý sử dụng đất ngày được chặt chẽ, định hướng sử dụng đất đai hợp lý và mang lại hiệu quả cao, đã tác động tích cực đến công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội và đảm bảo diện tích đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cũng như xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, trong 5 năm kỳ đầu 2011- 2015 việc QHSDĐ chưa sát thực tế, thiếu tính khả thi, thời gian triển khai thực hiện rất chậm và tình trạng các dự án, công trình trên địa bàn nằm ngoài quy hoạch còn nhiều.

Ông Roãn Ngọc Chiến- Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường lý giải khó khăn này là do Luật Đất đai năm 2013 có nhiều điểm mới trong khi công tác quy hoạch vẫn thực hiện theo Luật Đất đai năm 2003.

Đó là thực hiện theo chủ trương của Trung ương, sau khi Trung ương phê duyệt của tỉnh thì mới phân bổ chỉ tiêu cho cấp huyện.

Do đó, công tác QHSDĐ, KHSDĐ 5 năm đầu triển khai chậm. Việc chuyển mục đích từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp còn thấp so với kế hoạch đến năm 2015 (Trà Ôn 71,3%, Vũng Liêm đạt 31,9%, Mang Thít 26,1%, TP Vĩnh Long 31,2%).

Bên cạnh, các đơn vị thực hiện công tác quy hoạch do năng lực hạn chế nên khi tiến hành thực hiện công tác quy hoạch chưa sát với thực tế ở từng địa phương và chưa được sự tham gia phản biện của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trước khi được phê duyệt, nên khi triển khai thực hiện QHSDĐ, KHSDĐ có nhiều vấn đề chưa phù hợp cần được điều chỉnh, bổ sung.

Quy hoạch sao cho hiệu quả

Để việc thực hiện QHSDĐ, KHSDĐ có hiệu quả, ông Roãn Ngọc Chiến kiến nghị UBND các huyện- thành cần chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, thống kê đầy đủ những dự án đã giao đất cho nhà đầu tư nhưng chưa triển khai theo phân kỳ đầu tư, để có giải pháp thu hồi hoặc chuyển mục đích sử dụng đất mang lại hiệu quả.

Đối với những dự án đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa giải phóng xong mặt bằng, cần xúc tiến thực hiện bồi hoàn, giải tỏa theo quy định của pháp luật để giao đất cho nhà đầu tư.

Đối với những dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa giải phóng mặt bằng, chưa bồi hoàn giải tỏa (dự án treo), chưa có nhà đầu tư, cần xem xét xóa dự án để người dân an tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh tránh lãng phí.

Đối với đất trồng lúa chuyển sang trồng các loại cây trồng khác không theo quy hoạch, thì cần có định hướng vùng, hướng dẫn kỹ thuật... và cần có giải pháp linh hoạt giúp cho nông dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Thành Nghiệp- Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách của HĐND tỉnh lưu ý Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh cần phối hợp các ngành hữu quan, các địa phương điều chỉnh quy hoạch sát với thực tế, điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước; mời gọi nhà đầu tư phải thật sự có năng lực về nhân lực, tài chính, thiết bị kỹ thuật và công nghệ.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngân hàng đang giữ thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện để cấp đổi tay 3; phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Nghiệp cũng đề nghị rằng, trong thời gian tới phải tăng cường cán bộ cấp huyện xuống xã thành lập nhiều đoàn đến từng hộ gia đình tìm hiểu nguyên nhân để hỗ trợ đăng ký VLAP, thực hiện phương án cuốn chiếu giải quyết hết xã này đến xã khác, sớm giải quyết dứt điểm những hồ sơ tồn đọng.

Nhiều hồ sơ VLAP tồn đọng

Đối với kết quả thực hiện dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (gọi tắt là dự án VLAP), thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân.

Tỷ lệ bình quân của huyện: Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít và TP Vĩnh Long đạt 93% so với tổng số thửa cần đăng ký, số giấy trình ký đạt 69,38%, đã cấp giấy chứng nhận 90,1% so với số giấy đã ký và đạt 62,52% so với tổng số thửa đã đăng ký.

Dự án đã tạo điều kiện tốt cho công tác quản lý đất đai, công tác quy hoạch các ngành, các lĩnh vực khác; dễ dàng trong khai thác sử dụng thông tin đất đai trong hệ thống quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, hồ sơ người dân chưa đăng ký còn tồn đọng tương đối nhiều (Trà Ôn: 10.757 thửa, TP Vĩnh Long: 5.642 thửa, Mang Thít: 3.652 thửa và Vũng Liêm: 2.792 thửa) và số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã in nhưng chưa phát đến người dân còn tồn đọng khá nhiều, chủ yếu tập trung ở các xã và chi nhánh văn phòng (Trà Ôn: 10.320 giấy, Mang Thít: 4.993 giấy, Vũng Liêm: 3.354 giấy và TP Vĩnh Long: 2.014 giấy).

Ông Nguyễn Văn Trạng- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn cho rằng: việc cấp đổi chậm do hồ sơ có tính chất phức tạp, chuyển nhượng từ nhiều người ở nhiều thời điểm khác nhau, phải chờ người dân bổ sung nhiều loại giấy tờ, khối lượng hồ sơ cấp đổi khá lớn, việc thẩm định mất rất nhiều thời gian.

Song, kinh phí cho công tác thẩm định, in ấn còn hạn chế; về nhân lực cũng gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng yêu cầu thực tế.

Bên cạnh, do thay đổi về diện tích so với trước đây bởi lấn chiếm đất công, lấn chiếm kinh rạch, lấn ranh hoặc do thừa kế; một số hộ không quan tâm do đã thế chấp ngân hàng và chưa hiểu rõ mục đích cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, số lượng công việc nhiều trong khi nguồn nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ phục vụ không đáp ứng yêu cầu.

Bài, ảnh: YẾN- TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh