Đường sá đô thị Vĩnh Long chật hẹp, điểm đậu xe chỉ đếm trên đầu ngón tay dẫn đến người điều khiển ôtô gặp không ít chuyện "dở khóc, dở cười" khi loay hoay tìm chỗ đậu.
Đường sá đô thị Vĩnh Long chật hẹp, điểm đậu xe chỉ đếm trên đầu ngón tay dẫn đến người điều khiển ôtô gặp không ít chuyện “dở khóc, dở cười” khi loay hoay tìm chỗ đậu.
Cảnh mua bán, xe cộ lộn xộn trên đường Nguyễn Văn Nhã sẽ được xóa và khu vực này sẽ được xây thêm trung tâm thương mại quy mô từ 1- 5 tầng có bãi đậu xe 2 bánh, ôtô rộng rãi. |
Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, chuyện sắm ôtô làm phương tiện đi lại hoặc vận chuyển, kinh doanh mua bán trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình. Theo đó, lượng ôtô đăng ký mới trên cả nước mỗi năm một tăng.
Tại Vĩnh Long, nếu năm 2013 cả tỉnh chỉ có 404 ôtô được đăng ký mới thì năm 2014 là 591 xe, năm 2015 lên đến 1.246 xe và 6 tháng đầu của năm 2016 đã 794 xe.
“Lượng ôtô tăng nhanh một phần do các ngân hàng có chính sách hỗ trợ người mua xe được vay trả chậm nhiều năm. Bên cạnh, khi có quy định không cho đăng ký mới xe ba gác thì nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển sang mua xe tải nhỏ để vận chuyển hàng vào đường hẹp. Hiện Vĩnh Long có hơn 14.000 ôtô đang được quản lý và sắp tới nhu cầu sử dụng phương tiện này trong dân sẽ còn tăng vì đây là xu hướng phát triển chung của xã hội”- Thiếu tá Nguyễn Văn Lâm- Đội phó Đội Đăng ký và quản lý xe thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGTĐB)- Công an tỉnh Vĩnh Long- cho biết.
Tốc độ ôtô tăng nhanh so với việc xây mới, mở rộng đường khiến bức tranh giao thông đô thị Vĩnh Long những năm gần đây trở nên chật chội vì quá tải. Một số tuyến đường tập trung nhiều quán ăn, trường học, chợ thường diễn ra cảnh người xe chen nhau vào giờ cao điểm, gây không ít khó khăn cho người tham gia giao thông và sử dụng ôtô.
“Mỗi lần rước con bằng ôtô, tôi phải đến cổng sau của trường trên đường Võ Thị Sáu sớm để quay sẵn đầu xe chờ. Qua cổng trước trên đường 19 Tháng 8, xe gắn máy dày đặc rất dễ va quẹt và mất nhiều thời gian mới ra khỏi đám đông.
Đi ôtô thích thật nhưng nhiều lúc cũng khổ vì đường sá chật hẹp, chỗ đậu xe khó khăn, nhất là giờ tan sở có việc đi ngang đường 1 Tháng 5, 30 Tháng 4, 19 Tháng 8,… gặp kẹt xe thì chỉ “nhích từng xăng-ti-mét” - chị Nguyễn Thị Kim Loan có con học ở Trường Tiểu học Nguyễn Du (Phường 1- TP Vĩnh Long) chia sẻ.
Quen địa bàn, biết giờ đó đường nào “kẹt”, người đi ôtô có thể chủ động tránh sang đường khác. Nhưng với những “bác tài” mới đến Vĩnh Long lần đầu, việc tìm chỗ đậu xe “sao cho vừa lòng khách mà không bị CSGT phạt” là điều không phải dễ.
“Ghé chợ Vĩnh Long nghe khách dặn “chừng nào gọi điện hãy chạy xe tới rước” là tui mừng vì có thời gian tìm chỗ đậu xe, còn khách bảo “vô mua ra liền” là thấy lo vì đậu xe chờ trước chỗ người ta buôn bán không bị chửi cũng bị đuổi, gặp “giao thông, công chánh” (CSGT và thanh tra giao thông- PV) thì tiền chạy xe thuê ngày đó không đủ nộp phạt. Hôm rồi, tui chở khách từ TX Bình Minh đến Phường 2 nhưng phải qua Phường 1 tìm chỗ đậu xe.
Vừa tấp vô lề gần bờ kè xuống định mua ổ bánh mì ăn lót dạ thì nghe tiếng “công an kìa”. Tui sợ bị phạt vội vàng lên xe chạy đi nên bị bà bán bánh mì chửi “… mua mà không trả tiền, bỏ ổ bánh mì ai ăn? Tao nhớ biển số xe mày rồi nghe, lần sau đến đây coi chừng”- tài xế Phạm Minh Trung (ở phường Cái Vồn- TX Bình Minh) kể.
Trước đó, người viết cũng đã chứng kiến một tài xế điều khiển xe 4 chỗ biển số tỉnh Đồng Nai dừng trước quán ăn trên đường 2 Tháng 9 cùng một số người vào trong ăn sáng.
Nhưng chỉ ít phút sau, CSGT đã xuất hiện đọc biển số xe và yêu cầu tài xế ra làm việc do đậu sai luật nhưng anh này vẫn lặng lẽ ngồi ăn rồi bước ra “chịu phạt” vì: “Thấy mấy anh tới tui biết rồi, nhưng đói quá mà hổng có chỗ đậu xe…”
2 câu chuyện vừa nêu cho thấy tài xế rất cần những bãi đậu ôtô, nhất là những tài xế chưa quen địa bàn mới đến Vĩnh Long để tránh rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” tương tự.
Theo ông Nguyễn Văn Vui- Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Sửa chữa công trình giao thông Vĩnh Long (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Long): Để giảm tải cho khu vực nội ô TP Vĩnh Long, tại các cửa ngõ vào thành phố như đầu đường Trần Phú, Mậu Thân, Phạm Thái Bường, 14 Tháng 9, Lê Thái Tổ đều có biển báo cấm phương tiện tải trọng lớn vào giờ cao điểm.
Một số tuyến như: Phan Bội Châu, Lê Lai, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Thường Kiệt, Hùng Vương, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, 8 Tháng 3 đều có biển cho đậu đỗ xe theo từng đoạn hoặc ngày chẵn, lẻ nhằm giúp người sử dụng ôtô thuận tiện hơn khi có nhu cầu dừng xe chờ khách hoặc lên xuống hàng.
Tuy nhiên, qua khảo sát của người viết, các tuyến đường cho đậu đỗ xe ở TP Vĩnh Long đều giới hạn theo đoạn lại cách xa chợ nên chỉ đáp ứng nhu cầu của số ít phương tiện. Trong khi đó, nhiều người sử dụng ôtô cần những bãi xe quanh chợ, trung tâm thương mại để tiện việc tham quan, mua sắm hoặc vận chuyển hàng.
“Nhà tôi có cơ sở sản xuất giày dép, đến Vĩnh Long giao hàng nhưng không vào chợ được nên đậu ở góc quảng trường rồi điện cho người mua đến chở từng đợt bằng xe gắn máy. Tôi giao hàng bên chợ An Hữu, Cai Lậy (Tiền Giang),… chỗ nào cũng có bãi đậu ôtô rộng rãi, tiền bến chỉ vài chục ngàn đồng nhưng xuống hàng thoải mái, còn ở đây đậu xe không tốn tiền nhưng chuyển hàng ngay dưới lòng đường nhiều xe qua lại rất bất tiện và không đảm bảo an toàn”- chị Võ Thị Mỹ Dương (ở quận Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh) vừa khiêng bao giày dép trên xe tải xuống lòng đường Lê Lai vừa nói.
Phụ chị Dương đưa bao giày dép lên xe ôm để chuyển vào chợ, tài xế Lê Văn Dũng (quê Bến Tre) cho biết thêm: “Đường Phan Bội Châu cạnh chợ xuống hàng rất tiện nhưng đoạn đó gần như là bến riêng dành cho khách du lịch, khách của nhà hàng, khách sạn nên tụi tôi khó “chen chân” vào.
Một số đoạn quanh khu thương mại đường hẹp, 2 bên buôn bán dày đặc làm sao vô đó đậu cả tiếng đồng hồ chuyển hàng được nên chỉ còn cách chạy đến đây, tuy xa chợ nhưng cũng còn gần hơn nhiều đoạn đường khác. Mấy năm nay, cứ 5-10 bữa là tôi chạy xe xuống Vĩnh Long giao hàng nhưng tìm “đỏ mắt” không thấy bãi đậu xe nào rộng rãi”.
Điểm đậu ôtô cặp Quảng trường TP Vĩnh Long chủ yếu phục vụ khách đến quán cơm và tàu nhà hàng. |
Ghi nhận quanh khu vực nội ô TP Vĩnh Long, quả thật không có nhiều bãi ôtô như tài xế Dũng phản ánh.
Ngoài một số hộ mở điểm giữ ôtô tháng và vài điểm rửa xe nhận giữ ôtô qua đêm, với mặt bằng từ 1- 2 xe ở các phường ven nội ô, tại Phường 1 có bãi ôtô của siêu thị và Quảng trường thành phố nhưng 2 điểm này chỉ giới hạn cho khách vào siêu thị hoặc quán cơm, tàu nhà hàng gần đó.
Riêng bãi xe dưới tầng hầm khu Trung tâm thương mại gần chợ ít được tài xế lựa chọn vì độ dốc cao, đường hẹp lại có nhiều người và xe qua lại nên ôtô lên xuống thường gặp khó.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị xây bãi đậu ôtô và di dời ngành hàng rau củ, trái cây trên đường Nguyễn Văn Nhã, 3 Tháng 2,… để trả lại vẻ thông thoáng, mỹ quan cho các tuyến đường này nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có hướng giải quyết. Đến cuối tháng 7/2016, UBND tỉnh mới phê duyệt quy hoạch mở rộng nâng cấp chợ Vĩnh Long.
Theo đó sẽ có thêm khu thương mại- dịch vụ kết hợp bãi đậu xe gắn máy, ôtô trên khuôn viên Trung tâm Văn hóa tỉnh nối dài đến khu vực 2 chợ sắt, hạt giống,… nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và thay đổi bộ mặt đô thị Vĩnh Long khang trang hơn”- ông Nguyễn Văn Hải- Phó Ban Quản lý chợ Vĩnh Long, chia sẻ.
>> Kỳ 2: Hướng mở cho “bài toán” trật tự đô thị
(Còn tiếp)
- Bài, ảnh: PHƯỢNG NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin