Gần đây, khi về Hòa Thạnh (Tam Bình), chúng tôi được nghe nhiều người dân bàn đến cơ sở sản xuất cơm sấy Nhật Quỳnh do anh Vũ Văn Năng làm chủ. Cơ sở này cũng được giới kinh doanh thực phẩm ăn liền trong và ngoài tỉnh biết đến.
Gần đây, khi về Hòa Thạnh (Tam Bình), chúng tôi được nghe nhiều người dân bàn đến cơ sở sản xuất cơm sấy Nhật Quỳnh do anh Vũ Văn Năng làm chủ. Cơ sở này cũng được giới kinh doanh thực phẩm ăn liền trong và ngoài tỉnh biết đến.
Cơm nấu chín được tạo thành bánh trước khi đưa vào lò sấy. |
Bởi nó đã phát triển thành công ty và cuối tháng 8 vừa qua, thương hiệu cơm sấy Nhật Quỳnh vinh dự được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) công nhận là 1 trong 2 sản phẩm của tỉnh đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam.
Từ trung tâm xã Hòa Thạnh xuôi theo QL53 khoảng 3 cây số rẽ phải theo con đường đan rộng hơn 1m đi tiếp gần 2km nữa là đến cơ sở Cơm sấy Nhật Quỳnh- thuộc Ấp 3 (xã Hòa Thạnh).
Theo BCĐ Xây dựng nông thôn mới xã Hòa Thạnh, khu vực này hiện tại đã có 4 cơ sở sản xuất cơm sấy với quy mô khá lớn (3 cơ sở trên địa bàn xã Hòa Thạnh, 1 cơ sở ở xã Hòa Hiệp), thu hút hàng trăm lao động địa phương có thêm việc làm ổn định.
Thế nhưng, các cơ sở này vẫn chưa được công nhận làng nghề, dù đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng như: quy mô sản xuất, sản lượng, doanh số tiêu thụ, số nhân công và thu nhập của người lao động…
Trước đây, nhiều gia đình xem nghề này chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn. Nhưng rồi thấy hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều nhân công tại cơ sở Nhật Vy (tiền thân của cơ sở Nhật Quỳnh hiện nay) truyền cho nhau nghề cũng như thực hiện ý tưởng mở rộng cơ sở sản xuất cơm sấy.
Thương hiệu Cơm sấy Nhật Quỳnh được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cấp giấy chứng nhận. |
Đến năm 2014, cơ sở đã phát triển thành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất thực phẩm Nhật Quỳnh.
Ông Vũ Văn Năng- Giám đốc công ty cho biết: “Tôi sống và cũng có cơ sở ở TP Hồ Chí Minh. Năm 2008, tôi bắt đầu mở cơ sở dưới này để cung ứng sản phẩm cho cơ sở chính trên thành phố.
Từ đó thì quy mô càng phát triển rộng ra. Đến năm 2014, tôi thành lập Công ty Nhật Quỳnh tại Ấp 3. Đồng thời từ 2008- 2014, có vài công nhân của mình trước đây họ thạo nghề đã tách ra làm riêng. Cho nên hiện nay ở khu vực này hình thành giống như 1 làng nghề cơm sấy”.
Ông Năng cũng cho biết, chỉ riêng cơ sở Nhật Quỳnh mỗi năm sản xuất trên 300 tấn sản phẩm các loại, cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh và một phần xuất khẩu.
Bao gồm các sản phẩm như cơm sấy chà bông Nhật Quỳnh; cơm sấy mực Nhật Quỳnh; nui chiên Nhật Quỳnh; bánh tráng chà bông VyVy...
Năm 2015, cơ sở được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) hỗ trợ phòng sấy nhiệt thấp khí sạch nên sản phẩm sản xuất ra đã xuất khẩu được sang một số nước.
Thu nhập và đời sống của người lao động tại cơ sở này hiện khá ổn định và tương đối cao so với mức trung bình ở nông thôn.
Anh Phan Khánh Duy là công nhân ở đây cho biết: “Tôi vào làm từ lúc công ty mới thành lập. Không khí làm việc ở đây hòa đồng, vui vẻ, giúp đỡ lẫn nhau để ngày càng phát triển. Sản phẩm làm ra cũng ngày càng tốt hơn”.
Chị Trần Ngọc Dung- công nhân- chia sẻ: “Tôi làm ở đây lương một tháng được 4 triệu đồng, đến nay làm được 2 năm rưỡi, thu nhập đủ lo cho gia đình. Công ty gần nhà, đi chỉ mất khoảng 10 phút. Tôi nghĩ mình sẽ làm ở đây lâu dài được”.
Trên 8 năm nay, đặc sản cơm sấy mang thương hiệu Nhật Quỳnh luôn được người tiêu dùng tín nhiệm và được đánh giá là sản phẩm có chất lượng hàng đầu trên thị trường trong nước hiện nay.
Cuối tháng 8 vừa qua, cơm sấy Nhật Quỳnh vinh dự được Cục Công nghiệp địa phương công nhận là 1 trong 2 sản phẩm của tỉnh đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam.
Từ QL53 vào đến Công ty Nhật Quỳnh và các cơ sở sản xuất cơm sấy không đến 2km, thế nhưng với hiện trạng giao thông nhỏ hẹp khó khăn nên việc vận chuyển nguyên liệu sản xuất cũng như sản phẩm đi tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.
Đây không chỉ là trở ngại cho các cơ sở sản xuất mà còn là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương.
Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kiều- Chủ tịch UBND xã Hòa Thạnh- cho biết: “Đảng ủy, UBND xã rất quan tâm và sẽ đề nghị về trên tạo thuận lợi để các cơ sở này hoạt động có hiệu quả hơn- như là hỗ trợ về vốn, kỹ thuật.
Xã chúng tôi cũng đề nghị về trên quan tâm đầu tư vốn để xây dựng tuyến đường đạt chuẩn nông thôn mới nối liền Ấp 2 xuống Thạnh Hiệp, ra QL53, để cho các cơ sở này có điều kiện lưu thông hàng hóa của mình thuận lợi đến các nơi”.
Dù Công ty Nhật Quỳnh và các cơ sở sản xuất cơm sấy ở Hòa Thạnh tính quy mô còn nhỏ, nhưng các sản phẩm làm ra được ngành công thương đánh giá có chất lượng hàng đầu trên thị trường trong nước.
Nếu được Nhà nước và địa phương quan tâm đúng mức, Công ty Nhật Quỳnh và các cơ sở sẽ trở thành một trong những làng nghề truyền thống ở Tam Bình phát triển mạnh, góp phần nâng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm tăng thu nhập cho nhân dân.
Điều quan trọng là tạo điều kiện tốt để hút doanh nghiệp về nông thôn, góp phần thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sớm thành công theo tinh thần chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 28 làng nghề đạt các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp- PTNT được UBND tỉnh công nhận, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho hàng chục ngàn lao động nông thôn. Riêng huyện Tam Bình có đến 13 làng nghề và là địa phương nổi bật nhất trong việc phát triển làng nghề nông thôn. |
Bài, ảnh: TRẦN ÚT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin