Cần bỏ mức hạn điền để tạo hành lang cho sản xuất lớn

07:11, 03/11/2016

Trong phiên thảo luận về tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, một trong những vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm là tái cơ cấu nông nghiệp vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra và cần những giải pháp để tháo gỡ.

Trong phiên thảo luận về tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, một trong những vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm là tái cơ cấu nông nghiệp vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra và cần những giải pháp để tháo gỡ.

* Cần sửa đổi chính sách hạn điền  

Theo nhiều đại biểu, chúng ta khuyến khích đầu tư nông nghiệp công nghệ cao,  thế nhưng với quy định của Luật Đất đai về mức hạn điền thì khó mà thực hiện được điều này.

ĐBQH Lê Công Đỉnh (đơn vị tỉnh Long An) cho rằng, đất đai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần diện tích rộng và thời hạn sử dụng đất lâu dài để thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đảm bảo tính đồng bộ của sản phẩm trên diện rộng và nhiều lợi ích khác.

Tuy nhiên, hiện nay đất sản xuất đang thuộc quyền sử dụng của người dân, mỗi hộ một diện tích nhỏ, manh mún và không đồng đều. Doanh nghiệp rất khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn.  

ĐBQH Lê Công Đỉnh đề xuất, cần có chủ trương tích tụ ruộng đất, đặc biệt nên quan tâm chính sách thuê đất trong quỹ đất công để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, nên có chính sách đối với người đưa quỹ đất vào liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và quan trọng nhất vẫn là tiếp cận các nguồn tín dụng lãi suất thấp trong đầu tư và sản xuất.

ĐBQH Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đề xuất Chính phủ sớm nghiên cứu, khắc phục những bất cập trong đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay, sửa ngay những chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, chưa mang lại lợi ích cho nông dân, chưa thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, cụ thể là quy định về việc khống chế mức hạn điền trong Điều 129, 130 của Luật đất đai.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Lê Thị Thu Hồng (đơn vị tỉnh Bắc Giang) cho rằng, trước tiên phải hoàn thiện chính sách về đất đai để tạo sự thuận lợi cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất, tích cực đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, sớm nghiên cứu cơ chế cho thuê ruộng đất ổn định lâu dài.  

Theo nhiều ĐBQH, nếu Quốc hội tháo được điểm nghẽn này chắc chắn chúng ta sẽ góp một phần để tạo một hành lang cho hàng hóa sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn.   

* Phải “kéo” doanh nghiệp vào đầu tư cho nông nghiệp

Cần quan tâm, tăng đầu tư vốn, nguồn lực cho nông nghiệp tương xứng và phù hợp với lộ trình phát triển.
Cần quan tâm, tăng đầu tư vốn, nguồn lực cho nông nghiệp tương xứng và phù hợp với lộ trình phát triển.

Một trong những vấn đề mà ĐBQH quan tâm là làm sao có thể thúc đẩy nhanh việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hình thức sản xuất lớn.

Theo một số đại biểu, việc tái cơ cấu nông nghiệp diễn ra còn chậm và lúng túng, hiệu quả chưa rõ nét. Những mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn ở tầm dưới so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đa số hàng chất lượng thấp, lấy giá rẻ để cạnh tranh với thế giới. Và khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là đối tượng bị tổn tương và chịu thiệt thòi nhiều nhất.  

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (đơn vị tỉnh Bình Phước) cho rằng, Chính phủ cần tăng cường đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp có các cơ chế chính sách ưu tiên đủ mạnh, thu hút doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, cần điều chỉnh hệ thống pháp luật, đổi mới những quy định không còn phù hợp, áp dụng những chính sách đột phá về quy hoạch, trong đó doanh nghiệp được tiếp cận đất đai thuận lợi, có chính sách vay vốn ưu đãi và chính sách miễn giảm thuế đối với kinh doanh nông sản.

Song song đó, Chính phủ có những cam kết đưa ra thông điệp rõ ràng, tạo niềm tin mạnh mẽ cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo nhiều đại biểu, chúng ta đưa ra mục tiêu quy mô sản xuất hàng hóa lớn, làm thay đổi tập quán kinh tế của người dân và từng bước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến.

Theo đó, mục tiêu trên chỉ có thể làm được nếu doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao với vai trò trung tâm, bên cạnh họ là nhà quản lý, nhà khoa học và nhà nông.

Theo ĐBQH Lê Thị Thu Hồng, về lực lượng thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì hạt nhân nòng cốt phải là doanh nghiệp.

Thực tiễn chứng minh rằng chỉ doanh nghiệp mới có khả năng thực hiện việc này vì họ có năng lực đầu tư, có khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ, có vốn, có kinh nghiệm trên thương trường.

Trong những giải pháp đóng góp cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều đại biểu đề xuất, Chính phủ cần quan tâm, tăng đầu tư vốn, nguồn lực cho nông nghiệp tương xứng và phù hợp với lộ trình phát triển theo tinh thần Nghị quyết 26 để nông nghiệp có thể duy trì tốt và giữ vai trò chủ đạo, trụ cột cho nền kinh tế. Đặc biệt tăng vốn cho đầu tư về khoa học, công nghệ để phát triển nền nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao nhằm đạt được mức tăng trưởng 3,5 - 4%/năm vào năm 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường, nền nông nghiệp hiện nay vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ, manh mún, do đó năng suất lao động, năng suất kinh tế và đời sống thu nhập của nông dân vẫn rất khó khăn.

Nguyên nhân theo ông là nhận thức về tái cơ cấu chưa phổ biến ở các địa phương. Hai là, chúng ta ban hành nhiều chính sách nhưng có một số chính sách không đi vào cuộc sống và thiếu.

Ngoài ra, nguồn nhân lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong thời gian tới, ngành sẽ dồn lực cho nhóm sản phẩm cấp quốc gia có lợi thế, có quy mô và có giá trị lớn (khoảng 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ đô la trở lên, như cá tra, tôm, rau quả, điều, cà phê, thịt heo…) và nhóm sản phẩm có quy mô đặc thù của các tỉnh nhưng có giá trị lớn hàng trăm triệu đồng.

Bộ trưởng cũng đề xuất Quốc hội sửa Điều 129 của Luật Đất đai về bãi bỏ mức hạn hiền cũng như nhiều chính sách chưa sát trong lĩnh vực đầu tư cho nông nghiệp. 

Bài, ảnh: TÂM- HUỲNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh