Tuyến cao tốc Bắc-Nam trị giá hơn 220.000 tỷ đồng đang chờ phê duyệt

07:10, 04/10/2016

Bộ Giao thông Vận tải vừa chính thức có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Bộ Giao thông Vận tải vừa chính thức có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. (Ảnh: Huy Hùng)
Phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. (Ảnh: Huy Hùng)


Gần 230.000 tỷ đồng làm đường

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trục Bắc-Nam kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 57% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 65% các cảng biển loại 1-2 (26 cảng biển) và 67% các khu kinh tế của cả nước...

Vì vậy, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trên trục Bắc-Nam sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Hiện nay, 4 tuyến đường cao tốc đã đưa vào khai thác, tổng chiều dài 171km gồm Pháp Vân-Cầu Giẽ (30km), Cầu Giẽ-Ninh Bình (50km), Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương (40km), Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (51km) đồng thời đang triển khai thi công 299km là La Sơn-Túy Loan, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Bến Lức-Long Thành và Trung Lương-Mỹ Thuận. Đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 470km.

Để thông tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Hà Nội-Thành phổ Hồ Chí Minh (theo quy mô tối thiếu 4 làn xe) cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.372 km.

Về tình hình nguồn vốn huy động để xây dựng mạng đường bộ cao tốc trong những năm vừa qua cho các dự án đã hoàn thành và đang triển khai thi công là 314.612 tỷ đồng, trong đó vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước (ngân sách Nhà nước, ODA, trái phiếu Chính phủ) khoảng 166.561 tỷ đồng (chiếm 52,9%); vốn do VEC vay lại, phát hành trái phiếu công trình là 57.549 tỷ đồng (chiếm 18,3%) và vốn huy động từ các nhà đầu tư là 90.502 tỷ đồng (chiếm 28,8%).

Thừa nhận giai đoạn vừa qua do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thắt chặt tài chính, kiềm chế lạm phát của Chính phủ, quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là nguồn vốn vay ODA ngày càng khó khăn do Việt Nam đã thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình; nguồn vốn vay tín dụng trong nước chủ yếu là vốn vay ngắn hạn và trung hạn trong khi ngân hàng đã “rót” nhiều tiền vào các dự án BOT nên khả năng cho vay đầu tư tiếp các tuyến cao tốc sẽ không còn nhiều. 

Mặt khác, các dự án xây dựng đường bộ cao tốc là những dự án có nguồn vốn lớn, hiệu quả tài chính không cao, điều này gây khó khăn cho việc huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước.

Vì vậy, trong những năm tới, việc tìm kiếm nguồn vốn để xây dựng đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông được Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh là yêu cầu quan trọng, trong đó về nguyên tắc phải xác định Nhà nước phải tham gia đầu tư với mức độ nhất định nhằm thu hút các thành phần khác cùng tham gia đầu tư.

Để đầu tư các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu các phương án về quy mô, kinh phí đầu tư để đảm bảo phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn vốn, phương án tài chính và hiệu quả đầu tư trong đó, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô tối thiểu 4 làn hạn chế và giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh.

Cụ thể, đoạn Hà Nội-Vinh và Phan Thiết-Dầu Giây có nhu cầu vận tải lớn đầu tư quy mô 4 làn hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn. Đoạn Vinh-Túy Loan, Quảng Ngãi-Phan Thiết có nhu cầu vận tải thấp hơn, đầu tư quy mô 4 làn hạn chế, nền đường rộng tối thiểu 17m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh.

Với phương án này, kinh phí đầu tư cho tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 229.829 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.534 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40,7%).

“Xé nhỏ” dự án, xin nhiều cơ chế đặc thù

Trên cơ sở nghiên cứu để đảm bảo phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng huy động vốn, phương án tài chính và hiệu quả đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến phân chia phương án kiến nghị thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án thành phần có thể đảm bảo các đoạn tuyến có thể khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí hợp lý (nhỏ hơn 25 năm).

Cụ thể, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn (16km), Mai Sơn-Quốc lộ 45 (63km), Quốc lộ 45-Nghi Sơn (43km), Nghi Sơn-Diễn Châu (50km), Diễn Châu-Bãi Vọt (50km), Bãi Vọt-Hàm Nghi (34km), Hàm Nghi-Vũng Áng (54km), Vũng Áng-Bùng (60km), Bùng-Vạn Ninh (55km), Vạn Ninh-Cam Lộ (71km), Cam Lộ-La Sơn (102km), La Sơn-Túy Loan (66km), Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (92km), Hoài Nhơn-Quy Nhơn (78km), Quy Nhơn-Tuy Hòa (100km), Tuy Hòa-Nha Trang (115km), Nha Trang-TP Phan Rang và Tháp Chàm (80km), thành phố Phan Rang và Tháp Chàm-Bắc Bình (70km), Bắc Bình-Phan Thiết (76km), Phan Thiết-Dầu Giây (98km).

Đối với các phương án huy động nguồn lực, các chuyên gia Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, các dự án trên tuyến cao tốc Bắc-Nam có kinh phí đầu tư rất lớn, nếu chỉ thu phí các phương tiện sẽ không thể hoàn vốn đầu tư, để dự án khả thi về mặt tài chính, bắt buộc phải có phần hỗ trợ của Nhà nước.

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ bổ sung vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 (trái phiếu Chính phủ, vốn vay ưu đãi nước ngoài, ngân sách Nhà nước) để tham gia như là phần vốn góp để đầu tư các tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông với kinh phí khoảng 93.544 tỷ đồng.

Đề cập đến khả năng bố trí và cân đối vốn đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 952.731 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khả năng cân đối vốn được là 116.952 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và khoảng 70.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ dự kiến phát hành giai đoạn 2017-2020, đáp ứng khoảng 19,6%. 

Với dự kiến phân bổ nguồn vốn này, phía Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận, nhiều mục tiêu của ngành không thể thực hiện được và không thể cân đối nguồn vốn Nhà nước tham gia đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh vào phần vốn ngân sách đã dự kiến bố trí cho ngành giao thông.

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và tăng mức phần vốn ngân sách dự kiến cân đối cho Bộ để thực hiện Chương trình nhằm mục tiêu triển khai đầu tư các đoạn tuyến còn lại trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh trước năm 2020 (đến năm 2020 cần khoảng 74.692 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2022 cần khoảng 18.851 tỷ đồng).

Ngoài ra, để tổ chức thực hiện được dự án, phía Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra hàng loạt các cơ chế đặc thù về bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh rủi ro tỷ giá và thậm chí là bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay để kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia; nếu huy động nguồn vốn vay trong nước cần phải tăng giới hạn tổng mức dư nợ cấp tín dụng…

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép tiến hành tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư ngay sau khi phê duyệt đề xuất dự án; giao Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể về tiến độ huy động vốn chủ sở hữu trong hồ sơ mời thầu và hợp đồng dự án thay vì phải huy động đủ vốn điều lệ (vốn chủ sở hữu); thống nhất với địa phương về tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để đưa vào hợp đồng dự án trong trường hợp chậm tiến độ mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ dự án, các chi phí phát sinh (bao gồm cả bồi thường cho nhà đầu tư, nếu có) do địa phương chịu trách nhiệm chi trả…

Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được khởi công các đoạn tuyến chậm nhất vào tháng 5/2019, thời gian hoàn thành chậm nhất cuối năm 2022./.

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh